Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam nên đối thoại với chỉ trích thay vì hình sự hóa

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) – Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới về vấn đề nhân quyền, dân chủ”.

 

Theo ông Chính, “bởi với Việt Nam, nhân quyền lớn nhất của chúng ta là không để ai thiếu ăn, thiếu mặc; khi khó khăn chúng ta không để ai bị bỏ lại phía sau. Nhân quyền lớn nhất là chúng ta ổn định chính trị. Để bảo vệ nhân quyền thì phải có pháp quyền, và chúng ta đang nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

(Tham khảo: https://tuoitre.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-gap-kieu-bao-o-anh-que-huong-chi-co-mot-20211031231055089.htm)

Hơn chục năm trước, trong diễn văn tại bảo tàng báo chí Newseum ở Washington ngày 21-01-2010, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói chính phủ Việt Nam nên đối thoại và tranh luận với những người chỉ trích qua mạng internet, thay vì bỏ tù họ.

“Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ… nâng cao mức sống của người dân. Và họ không nên lo ngại những bình luận trong nước. Tôi muốn thấy có thêm các chính phủ tranh luận nếu họ không đồng ý với điều mà một blogger hay trang web đang nói. Hãy giải thích những gì anh đang làm. Đưa ra thông tin phản bác. Chỉ ra những khiếm khuyết trong quan điểm của blogger. Hy vọng Việt Nam sẽ đi theo hướng đó, vì tôi nghĩ nó tương thích với tiến bộ mà chúng tôi chứng kiến tại đó mấy năm qua”.

(Tham khảo: https://2009-2017.state.gov/secretary/20092013clinton/rm/2010/01/135519.htm)

Trong ngành quản trị kinh doanh có khuyến cáo là hãy biến lời chỉ trích thành thông tin có ích để điều hành công ty. Giáo trình môn quản trị đưa ra các gợi ý đại khái như sau – và giả dụ ở đây vị trí lãnh đạo doanh nghiệp đó cũng tương tự như Thủ tướng hay Tổng bí thư chẳng hạn trong quản trị quốc gia:

Làm thế nào để Thủ tướng hay Tổng bí thư giải quyết ổn thỏa mọi việc sau khi bị người dân chỉ trích?

Trước hết, cần phải xây dựng một mối quan hệ dân chủ với mọi người trong và ngoài phạm vi chức trách của lãnh đạo. Có nhiều “cơ chế đồng thuận” để giải quyết vấn đề này: gặp gỡ cá nhân; thành lập diễn đàn tự do báo chí – nơi mọi người tự do phát biểu quan điểm của mình; các hình thức thăm dò ý kiến;…

Lý tưởng nhất là xây dựng được một hệ thống có thể phát ra những tín hiệu như một cơ thể sống.

Hãy hình dung, từ Hiến định ghi tại Điều 2.2 “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”, cho thấy não của chúng ta là người lãnh đạo, các ngón tay là cấp dưới, đối tác hoặc các khách hàng. Nếu ngón tay bị đứt, lập tức tín hiệu được truyền đến não. Tín hiệu không thể chậm trễ vì như thế có thể làm cho toàn bộ cơ thể rơi vào tình trạng nguy kịch.

Cũng giống như vậy, trong quản trị, người lãnh đạo phải là người đầu tiên nhận thức được những vấn đề của cấp dưới, của khách hàng – ở đây là người dân, hoặc đối tác, tức các ý kiến của tổ chức chính trị lẫn xã hội dân sự trong và ngoài nước. Vì vậy, Thủ tướng hay Tổng bí thư phải chủ động thường xuyên thu thập những ý kiến nhận xét hoặc chỉ trích.

Giáo trình môn quản trị cũng lưu ý rằng, có thể xảy ra trường hợp mọi người đều đồng thanh tán thành ý kiến của người lãnh đạo mà hoàn toàn không phải là một sự bợ đỡ.

Sự đồng lòng có thể là kết quả của một trạng thái tinh thần hưng phấn trước một ý tưởng xuất sắc nào đó. Điều này thật ra cũng nguy hiểm vì có thể quyết định được thông qua không phải là cách giải quyết hiệu quả nhất.

Bất cứ một ý tưởng nào không thể chỉ có những điểm mạnh mà còn cả điểm yếu. Và không thể bỏ qua điều này. Để loại bỏ những rủi ro, một người lãnh đạo thực sự, nếu bị rơi vào trường hợp đó, phải biết cách tập trung sự chỉ trích về bản thân mình.

Ví dụ, chỉ định người phản biện nêu lên tất cả những điểm yếu của dự án, hoặc đề nghị tất cả mọi người làm điều này. Chỉ có như thế, mới có thể tìm được quyết định thích hợp nhất.

Đừng sợ việc thăm dò dư luận, hoặc bất cứ lời chỉ trích nào vì cho rằng nó có thể làm hại đến uy tín của lãnh đạo. Ngược lại, nếu khuyến khích phát biểu cả những ý kiến đối lập, chứng tỏ Thủ tướng hay Tổng bí thư là một người lãnh đạo vững vàng, tài năng và điềm tĩnh, biết cách đón nhận và biến các lời chỉ trích thành những thông tin có ích cho bản thân và cho công việc.

“Hãy giải thích những gì anh đang làm. Đưa ra thông tin phản bác. Chỉ ra những khiếm khuyết trong quan điểm của blogger” – bà Hillary Clinton từng ý kiến như vậy với nhà chức trách Việt Nam, và đây là một khuyến nghị có lý thay vì tiếp tục hình sự hóa vấn đề theo các điều luật 117, hay 331 của Bộ luật hình sự.


Tin bài liên quan:

VNTB – Hệ lụy của hình sự hóa những ý kiến trái chiều

Do Van Tien

VNTB – Điều luật hình sự 331 được đưa vào trường học: gieo rắc nỗi sợ hãi

Do Van Tien

VNTB – Facebookers Phan Đình Sang bị bắt về tội chống phá Nhà nước

Do Van Tien

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 23.05.2022 8:23 at 08:23

Chỉ trích & tự phê bình có 1 khoảng cách khá là xa, xa cỡ Mỹ chơi bài “Nối Vòng Tay Lớn”.

Oh, dân ta thích Mỹ chơi bài “Nối Vòng Tay Lớn”. Neverfreakinmind.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo