Thạch Hãn
(VNTB) – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc vi phạm này.
Những chiếc thuyền được thiết kế để áp đảo đối thủ dân sự có thể được biến thành lá chắn trong cuộc xung đột thực sự….
Bãi Ba Đầu, thực thể chìm có hình giống Boomerang tại cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa có thể là mục tiêu cưỡng đoạt tiếp theo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ít nhất từ ngày 7/3/2021, hàng chục tàu vỏ xanh lớn của Trung Quốc đã đóng bè tại khu vực phía tây nam bãi san hô Ba Đầu. Các tàu này không đánh bắt cá nhưng vẫn sử dụng đèn có công suất lớn vào ban đêm.
Ngày 21/3, sau khi đề cập đến sự hiện diện của 220 tàu dân quân biển Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã công khai yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Chính quyền Manila bổ sung tuyên bố của mình bằng một phản đối ngoại giao từ Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin.
Trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc vi phạm này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh rằng hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các nước ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Nói về việc xuất hiện tàu chấp pháp của Việt Nam tại Đá Ba Đầu, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Tôi có thể nói các lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực hiện nghĩa vụ, nhiệm vụ, như đã được quy định trong các luật liên quan của Việt Nam, cũng như tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó trước hết là UNCLOS 1982”.
Có vẻ như lần này người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng sử dụng ngôn từ khá rắn khi đề cập chuyện Trung Quốc xâm phạm luật pháp quốc tế.
Trong một diễn biến tạm gọi là chỉ dấu của “đồng thanh tương ứng”, có lẽ cũng là lần đầu tiên công chúng nghe được chính miệng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tuy úp mở, nhưng không còn sự e dè sợ sệt nữa khi đề cập đến Trung Quốc.
Trước kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, tại hội trường Diên Hồng hôm 24/3, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết nhiệm kỳ qua, ông đã tham gia chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chiến lược quan trọng như Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự Việt Nam, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia…, bảo đảm giữ vững chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong thời gian ngắn vài ba năm vừa qua, chúng ta đã xây dựng một loạt chiến lược về quốc phòng và an ninh. Cái này không công bố được, những chiến lược rất quan trọng.
Hiện nay chúng tôi cũng đang chỉ đạo phải xây dựng một số chiến lược có liên quan trực tiếp đến chúng ta, cực kỳ quan trọng, không thể để bất ngờ, bị động. Trong bất cứ tình hình nào chúng ta cũng không được để bất ngờ về vấn đề quốc phòng và an ninh ở tất cả các hướng, cả phía đông, phía tây nam, phía bắc, với các nước ở xa, nước ở gần, nước lớn, nước nhỏ”.
Một số nhà bình luận chính trị cho rằng với những tin tức truyền thông hiện tại, cho thấy phía Việt Nam sẽ không ngần ngại trong chủ động nổ súng trước với cớ là Trung Quốc vi phạm COC, tạo điều kiện cho Liên Hiệp Quốc vào cuộc sẽ có lợi cho Việt Nam – đặc biệt bối cảnh Việt Nam giữ vai trò luân phiên Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 4-2021; cùng với đó còn là kế hoạch thu xếp chuyến công du Mỹ quốc thời gian sắp tới đây của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.