Hàn Lam
(VNTB) – “Không lo thiếu gạo cho xuất khẩu, và cũng không nên hạn chế xuất khẩu gạo. “
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có tờ trình, đề xuất Thủ tướng xem xét ban hành chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháng 7-2023 diễn ra chiều 1-8, ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết theo kế hoạch, năm 2023 cả nước gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha.
Đến thời điểm này, qua kiểm tra ở đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, lúa sinh trưởng phát triển rất tốt, nếu không có thiên tai, dịch bệnh bất thường trên diện rộng thì vụ mùa này sẽ là một năm được mùa kỷ lục.
Theo ông Cường, từ cuối năm nay, El Nino bắt đầu tác động, nên sản xuất lúa gạo năm nay hoàn toàn an toàn. Tuy nhiên từ vụ đông xuân 2023-2024 và cả năm 2024 sẽ có những tác động của El Nino tới sản xuất lúa gạo, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long.
Về vấn đề chớp thời cơ xuất khẩu gạo trong bối cảnh Ấn Độ và nhiều nước cấm xuất khẩu gạo, ông Cường cho biết vụ thu đông Cục Trồng trọt đã chỉ đạo trồng thêm 50.000ha lúa.
“Đây là một thời cơ, nếu không tận dụng thì sẽ lỡ. Do đó, hôm qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Thủ tướng ban hành chỉ thị về việc tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay để tranh thủ thời cơ. Trong chỉ thị sẽ có các giải pháp kỹ thuật, hành chính, pháp lý, hỗ trợ để tháo gỡ tốt nhất để tăng lượng xuất khẩu” – ông Cường nói.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn với 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo ông Hòa, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất trong nửa đầu năm nay với khối lượng đạt 1,5 triệu tấn, trị giá 772 triệu USD, tăng 21% về lượng và tăng tới 31% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai với khối lượng hơn 632.000 tấn (tăng 63%), trị giá 364 triệu USD (tăng 79%), thị phần chiếm 19%. Indonesia là thị trường bất ngờ vươn lên vị trí số ba về thị trường xuất khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm 2023 với khối lượng đạt 369.032 tấn, tăng 16 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
“Trong 6 tháng cuối năm là cơ hội xuất khẩu gạo rất tốt vì sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino. Nhu cầu gạo còn tăng nhẹ có thể do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế”, ông Hòa nhấn mạnh và băn khoăn, “nhu cầu từ các đối tác nhập khẩu trong nửa cuối năm 2023 cần ít nhất 4 triệu tấn gạo. Năm 2022 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 7,13 triệu tấn, với kim ngạch kỷ lục 3,45 tỷ USD. Dự kiến năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sẽ tăng thêm 1 triệu tấn so với năm ngoái, liệu có đủ gạo cho nhu cầu xuất khẩu?”.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho rằng không lo thiếu gạo cho xuất khẩu, và cũng không nên hạn chế xuất khẩu gạo. Bởi vì, Việt Nam cũng nhập khẩu 1,3 triệu tấn lúa và gạo; trong đó nhập khẩu từ Campuchia nhiều nhất với 1 triệu tấn lúa.
Hiện nay, khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là vấn đề vốn, tín dụng. Do đó, bà Tâm kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ. Đồng thời tiếp tục hướng dẫn thương nhân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp.
Tin tức liên quan cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo, trong đó ngoài củng cố các thị trường truyền thống, cần khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ, khu vực Bắc Mỹ.