Nguyễn Nam
(VNTB) – Theo dõi một số bình luận trên fanpages Việt Nam Thời Báo (https://www.facebook.com/ijavn.org/) thời gian gần đây, có một số ý kiến cho rằng nhiều bài viết trên Việt Nam Thời Báo mang hơi hướm của ‘định hướng tuyên giáo’.
Trên mạng xã hội, người Việt trước đây hay sử dụng hình dung từ ‘lề trái’, ‘lề phải’ để phân biệt giữa báo chí quốc doanh, tức báo chí ‘có giấy phép’ theo thủ tục hành chính, và báo chí không chịu sự lệ thuộc vào ‘giấy phép thủ tục’ này.
Cần minh định ở đây về việc ‘thiên tả’ hay ‘thiên hữu’, chỉ có giá trị trong một xã hội đa nguyên dân chủ, nơi mà cả hai phe được tự do thực hành tư tưởng. Trong chế độ độc tài, dù do những đảng nhân danh cánh tả hay các tướng lĩnh cánh hữu cầm quyền, cách hiểu về ‘tả’/ ‘hữu’ bị bóp méo. Trong các nền chuyên chính đó, luôn có một hoặc vài giai cấp, tôn giáo, cộng đồng bị tước đoạt quyền sống, nên không thể có bình đẳng bác ái như cánh tả mong muốn, cũng như không thể có tự do phát triển năng lực của người giỏi, tự do cạnh tranh như cánh hữu kêu gọi.
Quan sát về các tuyến bài được phân chuyên trang trên Việt Nam Thời Báo ở thời gian lúc nhà báo Phạm Chí Dũng giữ quyền biên tập, hay ở hiện tại, tất cả đều cùng quan niệm về việc tất cả mọi học thuyết đều có cái đúng và cái sai của nó. Không một học thuyết hay chủ nghĩa nào là hoàn hảo. Cũng như các món ăn , nếu ăn mãi duy nhất một món, thì sẽ dẫn đến thừa một chất nào đó trong cơ thể, và thiếu các chất khác. Một xã hội tốt nhất là xã hội đó cho dân có quyền chọn lựa món ăn bằng chính lá phiếu của mình.
Gần như một slogan, trên trang Việt Nam Thời Báo xuyên suốt từ thời gian lúc nhà báo Phạm Chí Dũng chịu trách nhiệm biên tập, cho đến hiện tại, đều là: “Chúng tôi coi trọng quyền tự do ngôn luận và biểu đạt (freedom of expression – Điều 19 Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế). Tuy nhiên chúng tôi nhấn mạnh không xúc phạm phẩm giá con người, dù đó là ai. Bất kỳ phản hồi nào cực đoan, tục tĩu, mang tính xúc phạm đều sẽ bị xóa” – https://vietnamthoibao.org/
Tư cách cá nhân, tôi nghĩ rằng trong phê phán nhiều bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo là đang ít nhiều nịnh nọt nhà cầm quyền, tức ‘hữu khuynh’, thay vì phải ‘tả khuynh’ với tuyến bài đả phá mạnh mẽ nhất về những bất công, về những đàn áp nhân quyền của một nhà nước độc đảng.
Công tâm và cần thiết một tâm thế để ‘đọc chậm’, sẽ nhận ra là kể từ sau ngày nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt, sau tròn tháng ‘tạm đóng cửa’, trang Việt Nam Thời Báo đã xuất hiện trở lại với giao diện mới, kỹ thuật ‘vượt tường lửa’ cũng thuận tiện hơn với độc giả; và điểm quan trọng là liều lượng phản biện trong hầu hết bài đăng trên Việt Nam Thời Báo đã ‘uyển ngữ’ hơn, giảm thiểu những tình tiết, ngôn từ khiến dễ đưa đến cáo buộc về hành vi ‘lợi dụng quyền tự do ngôn luận’ mà nhà cầm quyền vẫn thường hay ‘chụp mũ’ nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự trong thời gian qua.
Tôi hiểu báo chí hiện đại đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức trong cạnh tranh thông tin, thách thức trong việc giành thị phần độc giả… Tất cả những điều này đang trở thành gánh nặng trên vai thư ký tòa soạn – những người được giao quyền “bếp trưởng” tại các tòa soạn, trong đó có Việt Nam Thời Báo ở bối cảnh mà người đứng đầu tổ chức hội đoàn này đang đối mặt với các tội danh hình sự, và ông đang ở chốn lao tù từ trung tuần tháng 11-2019 đến nay, nghĩa là đã gần bốn tháng…
Tôi nghĩ rằng bất kỳ sự ‘quá khích’ nào trong các tuyến bài viết ‘tả’/ ‘hữu’ đều có thể gây bất lợi với tổ chức Hội nhà báo độc lập Việt Nam ở giai đoạn hiện tại.