Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam vẫn là “độc quyền công đoàn”

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Tổ chức đại diện cho người lao động ngoài tổ chức công đoàn nhà nước hiện nay vẫn là con số 0.

 

Bao cấp chính trị

Tính đến hiện tại thì vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động 2019, Luật Công đoàn về việc thành lập tổ chức đại diện cho người lao động ngoài công đoàn cơ sở, chưa cho phép thành lập và hoạt động các tổ chức đại diện cho người lao động ngoài tổ chức công đoàn nhà nước; nên việc ra đời tổ chức khác của người lao động tại doanh nghiệp chưa diễn ra.

Nói một cách khác, Việt Nam tiếp tục tình trạng độc quyền công đoàn; theo hệ thống ngành dọc, trên cao nhất là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau đó là các công đoàn cơ sở, một hệ thống công đoàn duy nhất để quản lý, hỗ trợ cho người lao động.

Bản chất của vấn đề ở đây, đó là công đoàn do Nhà nước lập ra, chứ không phải do ý chí của người dân, của người lao động; tức một hình thức của bao cấp chính trị chuyên chế mang tính áp đặt.

Người viết đồng ý quan điểm là sẽ rất phiến diện khi nhận xét tổ chức “công đoàn độc lập” mới chăm lo tốt cho quyền lợi của công nhân, người lao động, nền cần kêu gọi thành lập các tổ chức công đoàn độc lập. Bởi trong bối cảnh chung không có sự cạnh tranh quản trị trong thể chế chính trị độc quyền ở Việt Nam, thì “công đoàn độc lập” dẫu có những văn bản pháp lý hướng dẫn thực hiện quyền này, nó cũng sẽ chịu sự giới hạn về nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, như Hiến định tại Điều 4.1.

 

Cạnh tranh sẽ tạo động lực cho phát triển

Khi mà trong cuộc đua tranh về phục vụ quyền lợi cho người lao động và cả bên sử dụng lao động, nếu đã có hai đội trở lên, thì hai đội đều phải có tinh thần thay đổi.

Nếu luật cho người lao động quyền thành lập một tổ chức mới, người lao động có quyền tham gia và điều hành các tổ chức đó để bảo vệ quyền lợi của họ, thì bản thân công đoàn của Nhà nước cũng buộc phải thay đổi theo tinh thần bảo vệ quyền lợi người lao động và tổ chức các hoạt động hiệu quả hơn. Nếu không hoạt động hiệu quả thì họ sẽ bị đào thải theo quy luật.

Công đoàn hiện nay dù tiếng là đã 74 năm phát triển (1950 – 2024) song vẫn mang dáng dấp của một cơ quan nhà nước nhiều hơn là một tổ chức đại diện cho người lao động.

Nhìn ở khía cạnh pháp lý, công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động, như vậy, trong mối quan hệ với người sử dụng lao động thì công đoàn là đại diện bên đối lập về lợi ích, song chủ doanh nghiệp lại phải bỏ ra một khoản chi phí tương đối lớn (2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động – Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn 2012). Vậy thì tại sao doanh nghiệp lại phải bỏ tiền ra để duy trì một tổ chức có lợi ích trái ngược với mình?

Và chiều ngược lại, công đoàn bị phụ thuộc vào doanh nghiệp thì liệu công đoàn có thể hoạt động một cách tự chủ, và dám đứng lên bảo vệ quyền lợi cho người lao động hay không?

Ở đây chưa kể hầu hết các thành viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở đều là thành viên chuyên trách, nghĩa là họ vừa là người lao động trong doanh nghiệp, vừa là thành viên Ban chấp hành công đoàn. Như vậy rõ ràng thu nhập chính của họ vẫn là do doanh nghiệp trả, nên thực tế dù muốn thì họ vẫn không thể đấu tranh “đến cùng” vì sợ ảnh hưởng đến công việc của chính cá nhân họ. Đây là câu chuyện quá quen thuộc mỗi khi bàn đến công đoàn ở Việt Nam.

 

Giới hạn quyền chính trị

Về mặt thực tế, công đoàn Việt Nam mang dáng dấp của một cơ quan nhà nước nhiều hơn là một tổ chức đại diện cho người lao động, đến nay Việt Nam hoàn toàn chưa có một cơ chế để thay đổi những mâu thuẫn đó.

Có một lưu ý, khả năng mở rộng hoạt động công đoàn ra bên ngoài công ty của họ hoặc tham gia vào các cuộc thảo luận về chính sách chính trị của Nhà nước, gần như là bất khả thi khi Bộ luật Lao động 2019 có điều khoản 173, quy định “Tại thời điểm đăng ký, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải có số lượng tối thiểu thành viên là người lao động làm việc tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ. Ban lãnh đạo do thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bầu. Thành viên ban lãnh đạo là người lao động Việt Nam đang làm việc tại doanh nghiệp”.

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, theo Bộ luật Lao động 2019 là sẽ không thể bình đẳng ngang bằng với tổ chức công đoàn cơ sở. Vì ngoài chức năng đại diện, bảo vệ người lao động, tổ chức công đoàn nhà nước còn là tổ chức chính trị – xã hội; tính chính trị ở đây được thể hiện ở nhiều chức năng khác nhau quy định tại Luật Công đoàn 2012, còn tổ chức đại diện người lao động ra đời chỉ với chức năng đại diện, bảo vệ người lao động tại doanh nghiệp.

Do vậy còn lo ngại về “cách mạng màu”, về “thế lực thù địch” mà báo chí nhà nước Việt Nam tuyên truyền về quyền tự do công đoàn là một việc lo xa của tâm thế nhìn đâu cũng thấy… vi trùng (?!)

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Người lao động cần cơm gạo hơn

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tiền chùa

Phan Thanh Hung

VNTB – Tách, nhập vụ án hình sự: tùy nghi vào cách nhìn nhận của tư pháp

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.