Trịnh Hồng Duẩn
(VNTB) – Hãy nhìn về Việt Nam Thời Báo bằng góc nhìn thực thi quyền tự do ngôn luận, nơi cung cấp cái nhìn đa diện về các vấn đề nảy sinh trong đời sống như nhiều trang báo khác.
Lịch sử báo lá cải
Năm 1903, Harmsworth ra mắt tờ báo lá cải hiện đại đầu tiên, Daily Mirror (Anh). Daily Mirror đã thu hút công chúng với những câu chuyện tội phạm, bi kịch của con người, những người nổi tiếng tin đồn, thể thao, truyện tranh và câu đố. Tại Mỹ, năm 1919 ghi nhận sự ra đời của tờ báo lá cải Illustrated Daily News, sau đó là Chicago Tribune, New York Evening Grapic,… Từ năm 1980 trở đi, báo lá cải lấn sân sang truyền hình lá cải, hình thành TMZ.com.
Nhắc đến báo lá cải, là nghĩ ngay đến scandal với các tin đồn, sự cường điệu. Cũng vì tin tức giật gân nên đôi khi nguồn tin của nó không được kiểm chứng.
Báo lá cải tác động rất sâu rộng vào đời sống các quốc gia. Báo chí Anh những năm đầu thế kỷ 21 bị chi phối bởi các tờ báo lá cải (Daily Express, Daily Mirror, Daily Star, Daily Mail và The Sun), là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng dư luận.
Việt Nam có báo lá cải không? Hãy thử gõ từ khóa “người nước ngoài” trên thanh tìm kiếm của Báo điện tử Trí thức trẻ (cơ quan chủ quản là Hội trí thức khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam), có thể nhận ra hàng chục tin bài liên quan với nội dung siêu nhiên kiểu này và đa phần không thể chứng thực được.
Liên quan đến bình luận quân sự, bí mật và công nghệ quân sự, Báo Đất Việt (cơ quan chủ quản là Diễn đàn Liên minh Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng là một tờ báo lá cải thể loại này khi vũ khí Nga trở thành “siêu vũ khí” với diễn ngôn siêu nhiên và giật gân. Báo Tiền Phong (Cơ quan của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) cũng bị chế giễu vì nội dung lá cải của mình, “Ông Park đắp chăn rồi bay về Việt Nam ngủ.” Báo Vietnamnet (Bộ Thông tin và Truyền thông), Thanh Niên (Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) cũng thường xuyên đăng tải các tin tức “lộ hàng mông vú”, “hẹn hò” của các ngôi sao giải trí.
Việt Nam Thời Báo có phải là báo lá cải không?
Về mặt tin tức, là một độc giả lâu năm của trang tin này, tôi nhận thấy Việt Nam Thời Báo chưa xuất hiện yếu tố này. Phần vì bản chất của của trang báo này chuyên về mảng chính luận và xã luận dựa trên các sự kiện có thật, các tin tức phản ánh chủ yếu là sự kiện đã và đang xảy ra trong không gian dân sự tại Việt Nam. Do đó, các yếu tố giải trí “giật gân” liên quan đến tội phạm, người ngoài hành tinh hoặc ngôi sao giải trí là không có sẵn.
Là một “diễn đàn”, thỉnh thoảng tính xác thực các bài viết sẽ phụ thuộc vào quan điểm, ý kiến và nguồn tin của tác giả có. Mặc dù vậy, tôi cũng nhận thấy Việt Nam Thơi Báo cũng đã nhiều lần chủ động, công khai hiệu đính (đính chính) và xin lỗi liên quan đến bài viết thiếu chính xác. Và do đó, đây là sơ suất về mặt nghiệp vụ biên tập hoặc chọn lọc bài vở hơn là định hướng lá cải hóa để câu lượt xem như nhiều trang báo khác.
Việt Nam Thời Báo là báo lá cải vì nó được tạo bởi một blogger? Trên thực tế, định nghĩa về “báo lá cải” chưa bao giờ chứa đựng hàm ý về mặt tổ chức, mà nó phải là về mặt nội dung. Đó là lý do tại sao, Từ điển Cambridge diễn giải báo lá cải (Tabloid newspaper) theo hai nghĩa, đó là một tờ báo có các trang khổ nhỏ cỡ 30 cm x 40 cm, và nghĩa thứ hai là báo đặc trưng bởi sự ngắn gọn và giật gân về mặt nội dung.
Chưa kể, trong thời đại báo chí công dân – nơi mỗi người dân có thể là một nhà báo hoặc phóng viên, thì quan điểm “lá cải vì do một blogger lập ra” lại càng sai lệch, thiếu thông tin nhận biết về Việt Nam Thời Báo. Bởi Wikipedia ghi nhận trang tin tức này thuộc sở hữu của Hội nhà báo Độc lập Việt Nam, một tổ chức xã hội dân sự nghề nghiệp tại Việt Nam được lập vào năm 2014. Hội đoàn này ra đời, cũng như Việt Nam Thời Báo là do một nhóm người sáng lập nên và có cơ cấu tổ chức nghề nghiệp rõ ràng, trong đó có cả những người từng là nhà báo, quản lý tòa soạn báo chính thống trong nước như nhà báo Phạm Chí Dũng, Huỳnh Ngọc Chênh, Bùi Minh Quốc. Một số nhà báo khác được cấp thẻ nhà báo quốc tế và hoạt động tại các đài nước ngoài như bà Tường An của RFA, bà Thụy My của RFI.
Việt Nam Thời Báo vẫn phục vụ như một diễn đàn về quyền tự do ngôn luận, và các bài viết đăng tải vẫn cho thấy sự tôn trọng sự thật về mặt tin tức và phản biện dựa trên đạo đức nghề nghiệp, quyền con người.
Do đó, hãy nhìn về Việt Nam Thời Báo bằng góc nhìn thực thi quyền tự do ngôn luận, nơi cung cấp cái nhìn đa diện về các vấn đề nảy sinh trong đời sống như nhiều trang báo khác như Báo Tiếng Dân, Dân Luận, Báo Sạch, Luật khoa, Boxite, CHTV và điều đó là đúng đắn.
Tham khảo
[1] Encyclopedia of Political Communication, Lynda Lee Kaid, Christina Holtz-Bacha, 775 – 776
[2] https://www.pulitzer.org/winners/new-york-daily-news-and-propublica
[3] https://dictionary.cambridge.org/vi/dictionary/english/tabloid;