VNTB – Suy nghĩ về xã hội dân sự ở mùa dịch corona

VNTB – Suy nghĩ về xã hội dân sự ở mùa dịch corona

Triệu Tử Long


(VNTB) – Cho đến nay gói an sinh 62 ngàn tỷ đồng của chính phủ vẫn chưa đến tay người dân; hiện còn dừng ở mức về thủ tục hành chánh cho việc hỗ trợ số tiền dự kiến là 1 triệu đồng/ hộ dân gặp khó khăn vì dịch corona.

 

Trong bối cảnh đó thì xem như sự đùm bọc nhau của cộng đồng đang là điểm son, và điều này đưa đến suy nghĩ về vai trò của xã hội dân sự ‘không quốc doanh’ ở mùa dịch corona.

(Gọi là ‘không quốc doanh’, vì hầu hết họ là những nhóm cộng đồng cùng tụ lại với nhau, không chịu sự quản lý nhà nước nào ở đây!).

Xã hội dân sự ‘phi quốc doanh’

Nhà báo Đặng Tâm Chánh, cựu tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, nhận xét: “Dù còn nhiều điều cần bổ khuyết nhưng một xã hội đùm bọc lẫn nhau chính là một lưới an sinh hữu hiệu và giàu tính nhân văn. Có thể thấy điều đó rõ ràng hơn bao giờ hết trong đợt chống dịch vừa qua.

Xã hội dân sự một đặc tính nổi trội đáng hướng tới để huy động người dân tham gia việc cộng đồng, việc xã hội, bổ khuyết cho nhà nước mà không hề loại trừ. Cũng không ai giành công giành hưởng với đảng, nhà nước. Giải phóng nguồn lực này là một yêu cầu cải cách thể chế đã có tiền đề thuận lợi ở Việt Nam”.

Nói theo cách hiểu nào đó, đảng và nhà nước cần củng cố niềm tin về những tổ chức xã hội dân sự ‘phi quốc doanh’ ấy, với việc đừng xem họ như ‘thế lực thù địch’ của ‘diễn biến hòa bình’.

Một giả dụ tình huống nếu như ông chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam được trả tự do, thì ông sẽ góp tiếng nói gì về xoay quanh vấn đề kinh tế xã hội cho chuẩn bị thời hậu dịch? – đặc biệt là ở bối cảnh ngay cả đảng chính trị ở Việt Nam đang phải đối mặt với người hàng xóm cùng chung lý tưởng cộng sản, giờ công khai luôn trên diễn đàn Liên Hợp Quốc về quyết tâm xâm lược biển, đảo của Việt Nam mà họ đã dùng vũ lực để chiếm dần từ năm 1974 đến nay.

Chắc hẳn nhà báo Phạm Chí Dũng sẽ dùng các bài báo của mình để tái khẳng định về yêu cầu của quyền tự do báo chí đến từ một xã hội dân sự ‘phi quốc doanh’. Khi ấy, báo chí sẽ bằng sức mạnh của mình, không phải chịu định hướng tuyên truyền, để có thể ‘đánh thẳng’ vào hành động ngang ngược của Trung Quốc, mà không phải tìm cách ‘lách’ bằng tuyến bài dịch thuật ở chủ đề này từ báo chí nước ngoài. Vũ khí ‘phi quốc doanh’ ấy trong truyền thông, đó là một sức mạnh của tinh thần Diên Hồng bất diệt.

Một vấn đề khác là nếu thật sự có nền báo chí cạnh tranh, chắc rằng với những tin tức đáp ứng được yêu cầu thiết thực của người đọc, thị trường báo chí sẽ vẫn phát triển tốt ngay trong khi nền kinh tế đang khốn đốn vì dịch corona.

 

Khó lắm, đói lắm nhưng không thể đi ăn mày!”

Nhà báo Hà Phan cho biết báo chí hiện thời khó lắm mà không dám kêu! “Đói không? đói lắm, đói vêu mõm há mồm cũng chẳng dám rên, chủ yếu vì sĩ! Chỉ xin hoãn với giảm thuế thôi mà đã bị chửi sấp mặt rồi chứ giờ lại than vì thiếu thốn, khó khăn, đói kém nữa thì úp mặt vào đâu?” – nhà báo Hà Phan nói thẳng.

Thật ra làng báo Việt Nam đã khó, đã đói từ trước thời dịch cúm Tàu. Số tờ báo mà thu nhập 15, 20 triệu đồng/tháng, đủ để sống không phải xóa đói giảm nghèo ở thành phố được mệnh danh thị trường báo chí lớn nhất nước như Sài Gòn, hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Số còn lại giờ lo cho anh em khoảng 10 triệu/ tháng cũng gắng gượng lắm rồi. Còn thì hầu hết nhìn hoành tráng, to mồm thế chứ 6 – 8 triệu là hết hơi, chưa kể hàng loạt nơi chỉ có lương, không có nhuận bút! Thậm chí chỉ có cái danh hão chứ chẳng có đồng thu nhập cứng nào. Mấy tháng qua, quy hoạch báo chí, anh em thất thểu càng nhiều. Hàng trăm tờ, đùng cái xuống thành tạp chí y như đang Tổng công ty rơi xuống xí nghiệp, vẫn no mới lạ! Tổng biên tập lên gân ổn, sẽ có đường ra nhưng ra đường nào thì không ai biết!

Nhiều anh em ra đường nhìn xe cộ nghênh ngang, áo quần lượt là, chém gió như bão thế thôi chứ đang ngồi suy tính xem tháng này lấy gì trả góp nhà, xe, học hành, con cái, bồ bịch…” – nhà báo Hà Phan chua chát kể.

Câu hỏi đặt ra: vậy nếu báo chí không bị buộc quy hoạch thành tạp chí, không bị buộc phải là cái loa tuyên truyền phát chung của cái gọi là ‘định hướng’’, thì liệu họ có sống được ngon lành ở mùa dịch, khi mà nền kinh tế chung đang tuột dốc?

Câu trả lời: thị trường Sài Gòn vẫn còn thói quen đọc báo giấy. Người Sài Gòn hầu hết đều thích đọc tin tức trên chiếc điện thoại. Trong tiếp thị bán hàng, ai cũng biết chỉ cần trang báo nào thu hút nhiều lượt và lượng người ‘quẹt’ vào xem, thì tương tác phần quảng cáo càng giúp tòa soạn đó dễ chào mời việc ‘bán’ diện tích quảng cáo trên giao diện bài báo điện tử ấy.

Vậy thì nếu đã nhận ra những giá trị của một xã hội đùm bọc lẫn nhau, giúp đan tấm lưới an sinh hữu hiệu và giàu tính nhân văn ở lúc dịch bệnh corona hoành hành, thì tại sao lại chần chừ không trao hẳn quyền tự do báo chí bằng việc cạnh tranh sòng phẳng giữa báo chí ‘quốc doanh’ – tức tòa soạn báo đó có chủ quản là hội đoàn chính trị thuộc nhà nước, với chấp nhận có những tòa soạn báo chí tư nhân chỉ chịu sự ràng buộc bởi các quy định liên quan của pháp luật, và người dân được tự do chọn lựa theo nhu cầu cần đọc của họ.

Người dân được đọc những cái mà họ quan tâm, những cái sát sườn quyền lợi họ cần, thì dẫu báo chí quốc doanh hay tư nhân vẫn là thứ hàng hóa có thể buôn bán được, giúp làng báo không phải lâm cảnh sống dỡ – chết dỡ như hôm nay. Trên hết, đó còn là quyền tự do báo chí mà Việt Nam đã cam kết trong những thỏa thuận FTA.

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)