Trường Sơn
(VNTB) – Xe xăng VinFast LUX A2.0 còn tồn kho nên rao bán rẻ, hay hãng này quay trở lại với xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch?
Hiện tại thì hệ thống báo chí không đưa tin chuyện xe VinFast LUX A2.0 đang rao bán trở lại trên thị trường. Một số trang mạng đưa tin này thì thời gian ngắn sau đó khi vào truy cập thì báo lỗi “trang không tồn tại” mặc dù tên đường dẫn trang web về tin bài này vẫn còn.
Mới đây, dòng xe xăng LUX A2.0 bất ngờ xuất hiện trở lại trên website chính thức của VinFast, nằm cùng chuỗi sản phẩm thuần điện đang được mở bán hiện nay. Điều này lập tức khiến dư luận dấy lên nhiều đồn đoán về việc VinFast LUX A2.0 sẽ tái xuất để tiếp tục đấu Toyota Camry. Tuy nhiên, phía hãng hiện vẫn im lặng trước những đồn đoán trên.
Thông tin được đăng tải trên website của hãng cho thấy, VinFast LUX A2.0 có 3 tùy chọn phiên bản như trước đây, gồm Tiêu chuẩn, Nâng cao và Cao cấp cùng giá bán lần lượt là 981 triệu đồng, 1,048 tỷ đồng và 1,174 tỷ đồng. Như vậy, khoảng giá này đúng bằng với giá bán lẻ sau ưu đãi được hãng áp dụng tại trước thời điểm thông báo ngừng sản xuất xe xăng vào ngày 15/7/2022.
Tính đến hiện tại thì thương hiệu xe hơi VinFast vẫn chưa thể suông sẻ trên thị trường, bất chấp thực tế đây là một sản phẩm dạng “hồn Trương Ba, da Hàng Thịt” khi ông chủ tập đoàn Vingroup đã mua lại toàn bộ nhà máy của GM tại Hà Nội (General Motors (GM) – một trong ba ông lớn (The Big Three) của ngành sản xuất xe hơi nước Mỹ và cũng là một trong những hãng xe lớn nhất thế giới cả về quy mô lẫn doanh số).
Sedan và SUV của VinFast lúc ban đầu dự tính sử dụng khung gầm của BMW nên giá cả không thể rẻ được, nhưng việc mua lại GM sẽ giúp VinFast làm được xe hơi giá rẻ hơn. Thực tế đã chứng minh điều ấy khi hãng xe của Vingroup mua lại bản quyền một mẫu xe nhỏ của Chevrolet mang khung gầm toàn cầu, và sau đó sản xuất với thương hiệu Fadil.
Tại Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 đã được kiểm toán, Tập đoàn Vingroup cho biết, thương vụ mua lại 100% cổ phần của Công ty General Motors Việt Nam với tổng giá phí 919,4 tỷ đồng.
Nguồn tin khác cho hay đã có một khoản tiền khổng lồ lên tới hàng trăm triệu Mỹ kim cũng đã được ông chủ Vingroup quyết rất nhanh chóng và chuyển vào tài khoản của BMW để động cơ đó thuộc sở hữu riêng của VinFast.
“Nếu ngồi chờ công nghiệp phụ trợ ô tô ở Việt Nam thành hình, có lẽ 10 năm nữa VinFast chưa ra được chiếc ô tô đầu tiên”, đó là nhận xét bước đầu về chuyện làm xe hơi của ông trùm bất động sản Phạm Nhật Vượng.
Tuy nhiên bất ngờ hơn là sau gần 4 năm gia nhập thị trường Việt Nam, các mẫu xe hơi chạy xăng của VinFast chính thức bị hãng xe Việt này “khai tử” từ giữa tháng 7-2022.
Theo đó, trong thông báo của VinFast, hãng xe này cho biết: “VinFast chính thức công bố dừng kinh doanh xe ô tô chạy xăng, sau khi lô xe Lux và Fadil cuối cùng đã được khách hàng đặt mua hết. Từ nay đến cuối tháng 8-2022, VinFast sẽ tập trung sản xuất để bàn giao xe cho các khách hàng đã ký hợp đồng, đồng thời chuyển đổi hoàn toàn sang sản xuất và kinh doanh xe điện”.
Tuyên bố này của VinFast đồng nghĩa với việc khách hàng Việt sẽ không thể đặt mua các mẫu mã như VinFast Fadil, Lux A và Lux SA. Điều này diễn ra sớm hơn so với kế hoạch VinFast từng công bố trước đó là sẽ dừng sản xuất phân phối ô tô chạy xăng bắt đầu từ cuối năm 2022.
Thông báo cũng nói rằng khách hàng sở hữu xe xăng VinFast cũng có thể dễ dàng chuyển đổi sang xe điện và nhận thêm khoản hỗ trợ 30 triệu đồng thông qua chương trình chăm sóc khách hàng VinFast.
Dường như mọi chuyện không mấy diễn ra như hoạch định của ông chủ cả Phạm Nhật Vượng, khi chỉ vài tháng sau khi phân phối chính thức trên thị trường, ô tô điện VinFast VF8 vừa được hãng xe này thông báo triệu hồi để khắc phục lỗi liên quan đến hệ thống phanh.
Các mẫu ô tô điện VinFast sau khi phân phối ra thị trường lần lượt được thông báo triệu hồi để sửa lỗi. Sau đợt triệu hồi hơn 700 xe VinFast VF e34 vào giữa tháng 10 năm ngoái, mới đây là triệu hồi mẫu VinFast VF8 do lỗi liên quan đến hệ thống phanh.
Mẫu ô tô điện VinFast VF8 này còn được xuất khẩu sang Mỹ, tuy nhiên theo xác nhận của VinFast thì chưa bàn giao đến tay khách hàng đã đặt mua.
Hàng loạt khởi đầu không mấy suông sẽ trong bối cảnh một người em của ông Phạm Nhật Vượng là Phạm Nhật Vũ trước đó bị kết án 3 năm tù về tội hối lộ hai quan chức cấp Bộ Chính trị là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn.
VinFast cũng vừa hủy việc thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) trên sàn chứng khoán Mỹ, với định giá nghe đâu lên đến 60 tỉ USD.
Phải chăng sẽ là… tái ông thất mã phiên bản 2023 ở thời kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa?