Việt Nam Thời Báo

VNTB – VNTB – Cụ Đồ Chiểu thời nay chắc cũng… ‘bó tay’

Kiến Tường

(VNTB) – Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà…

20 giờ, ngày 30-6-2022, tại di tích quốc gia đặc biệt mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, 30 năm ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre.

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà…

Câu thơ của cụ Đồ Chiểu nếu đặt trong bối cảnh một nền báo chí định hướng, rõ ràng nếu người viết chỉ biết ca ngợi, tôn vinh, cổ vũ cái tốt, đứng về phía cái đẹp của “người tốt việc tốt” là chưa đủ, mà còn rất cần phải có dũng khí, tinh thần đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái tiêu cực, chỉ ra những mặt chưa hoàn thiện, cần phải khắc phục cho trong cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thế nhưng làm sao để nhận diện “mấy thằng gian chưa hết thời” để mà “đâm”, bởi lúc mà các vương gia như Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long hồi năm ngoái thôi, chẳng báo chí nào dám “đặt vấn đề” về các nghi vấn “chọt mũi”, thậm chí đến tận lúc này, báo chí cũng chưa dám – dù chỉ ở mức ngờ vực vì sao ông Nguyễn Thanh Long và ông Nguyễn Xuân Phúc lúc còn là thủ tướng, “động cơ nào” khiến cả hai vị này không có những quyết định dứt khoát, kịp thời về chuyện mua vắc-xin phòng Covid, trong khi đó lại nhường chuyện “nhập khẩu vắc-xin” này cho một công ty tư nhân là đại gia trong ngành y tế?

Ngay cả chuyện “gia hạn vắc-xin” và mua vắc-xin phòng Covid chưa được Tổ chức Y tế thế giới phê chuẩn cho sử dụng trường hợp khẩn cấp, liệu đó có phải là “mấy thằng gian” theo cách nói của cụ Đồ Chiểu để giới báo chí theo đó để mạnh dạn “đâm” mà không ngại ngòi bút sẽ tà, và đối mặt với những tù tội theo điều luật hình sự số 117 hay 331.

Một chút nhắc lại là mỗi khi tôn vinh việc “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, báo chí nhà nước thường mượn đó để ngợi khen lãnh tụ Đảng, kiểu như thế này: Trong thư gửi trí thức Nam Bộ vào ngày 25-5-1947, trong đó có các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, mà anh em văn hóa trí thức phải làm cũng là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”. Qua đó, người đã khái quát trách nhiệm của nhà báo cách mạng chân chính là phải “Phò chính, trừ tà”.

“Phò chính” là phải bảo vệ chính nghĩa, nói lên sự thật, đồng hành với lẽ phải. “Trừ tà” là phải lên án cái xấu cái ác, chống lại sự phi nghĩa bạo tàn, đi ngược lại lợi ích của nhân dân.

Muốn phân biệt được đâu là “chính”, đâu là “tà” thì nhà báo, người làm báo phải dựa vào dân, phải phụng sự nhân dân, phải lấy lợi ích quốc gia làm tối thượng để phụng sự Tổ quốc.   

Thế nhưng thử tò mò tìm hiểu xem có tôn chỉ của tòa soạn nào chỉ gói gọn trong bốn chữ “phụng sự nhân dân” hay chăng?

Đơn cử, báo Sài Gòn Giải Phóng, có tôn chỉ ghi rõ theo thứ tự: “Cơ quan của Đảng bộ Cộng sản Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh. Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”.

Báo Nhân Dân, thì: “Cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam”.

Báo Đại biểu Nhân dân: “Tiếng nói của Quốc hội. Diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Cử tri”.

Báo Tuổi Trẻ chỉ vỏn vẹn một dòng với nhiều chữ viết tắt: “Cơ quan của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.HCM”.

(Danh sách chi tiết về nội dung giấy phép liên quan yêu cầu bắt buộc về “tôn chỉ – mục đích” tại đây https://docs.google.com/spreadsheets/d/1Gs8VJotz-ZGuFfO5kVX6OSy2Ex2S2F5tkRpOZejDC7Q/edit#gid=269463348)

Thay lời kết cho giấc mơ được “đâm mấy thằng gian” là một nhắc nhở của Bộ Thông tin và Truyền thông hồi giữa tháng 3 năm nay ở công văn số 844/BTTTT-CBC, gọi là “tăng cường rà soát, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí”. Theo đó có hai mệnh lệnh cuối được coi là giúp ngòi bút chẳng cách gì có thể “tà” cho được:

4. Đề nghị các cơ quan chủ quản báo chí tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo định hướng về chính trị, tư tưởng, thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cơ quan báo chí trực thuộc; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí đối với hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao;

  1. Đề nghị các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích theo giấy phép hoạt động báo chí; thường xuyên giáo dục, định hướng về chính trị, tư tưởng đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên; làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình, quản lý chặt chẽ đội ngũ người làm báo cũng như các quy trình tác nghiệp”.

 

Tin bài liên quan:

Báo chí và “bong bóng” bất động sản

Phan Thanh Hung

VNTB – Số Báo Cuối Cùng

Phan Thanh Hung

(VNTB)-Đối thoại với ông Phạm Quốc Toàn – Hội Nhà báo VN

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo