VNTB – Vợ chồng nghèo cưu mang… 74 người điên

Trúc Mai – Nguyên Bình (VNTB) “Nam mô A Di Đà Phật”… “Nam mô A Di Đà Phật”… là một câu trong chuỗi liên khúc của anh Phi và anh Mệnh đang nắm tay nhau vừa đi xung quanh căn phòng vừa hát. Những anh em khác mỗi người một góc, mỗi người một gương mặt nhưng đều có chung một ánh mắt vô hồn.

Đó là hình ảnh mà chúng tôi bắt gặp được tại nhà vợ chồng anh chị Hà Tư Phước và Huỳnh Thị Hạc (thôn Ia Rôk, xã Chư Hdrông, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) trong một buổi chiều đầu xuân 2016…
Chị Hạc kể: Thu nhập hàng năm của gia đình trước đến nay chỉ trông chờ vào 500 gốc cà phê, vài ba con bò, vài năm trở lại đây thì có thêm nguồn thu từ việc anh Phước đi chở hàng thuê. Gia đình vợ chồng Phước có 6 người, trong đó mẹ anh bị mất một chân, cha anh thì mù lòa đau ốm thường xuyên, còn thêm hai con nhỏ ăn học. Vậy nhưng hơn chục năm nay, vợ chồng anh Phước lại đèo bòng thêm hơn 74 người mắc chứng bệnh tâm thần, bị chất độc da cam…
Anh Duy đang tỉ mẫn cắt tóc cho bạn. Ảnh: N.Thịnh
“Thấy họ lang thang không mảnh vải che thân, bạ gì ăn nấy anh thương, đem về nhà tắm rửa, mua áo quần cho mặc, cho ăn, tìm người nhà không được thì coi họ như những người thân trong gia đình. Đến khi số bệnh nhân lên đến 5, 7 người, căn nhà nhỏ không đủ để ở, vậy là hai vợ chồng phá đi mấy chục gốc cà phê, vay mượn tiền của anh em, bạn bè, xây một mái nhà rộng chừng 120 m2, chia thành 4 phòng nhỏ, chuyên để cho những bệnh nhân tâm thần ở…”. Bất chợt, chị Hạc ngừng lời, ngồi lặng lẽ một hồi lâu. Riết rồi giọng chị trở nên thoảng nhẹ, như chỉ nói với riêng mình: “Khi anh ấy quyết định làm việc này, tôi lo lắm. Nhưng thương chồng thì phải cố theo thôi”.
Thì ra, không chỉ cùng vợ chăm nuôi bệnh nhân tâm thần, anh Phước còn dành nhiều thời gian để đi giúp những gia đình có việc tang, trong làng ngoài xã, ai nhờ việc tẩm liệm người nhà là anh ấy tự nguyện giúp, nhất là những gia đình có người bị tai nạn giao thông. Công việc không chỉ vất vả, khó khăn, đôi khi còn là những ám ảnh khôn nguôi nhưng anh Phước không từ chối một ai. Rồi chị Hạc kể thêm cho nghe câu chuyện từ những năm 2000, khi anh Phước nhặt được một thai nhi đã chết ở ngoài đường liền đem về nhà chôn cất ngay trong vườn cà phê, hàng ngày hương khói. Vài năm sau, anh xây mộ, lấy họ mình đặt tên cho đứa trẻ là Hà Vô Danh, lấy ngày anh nhặt hài nhi về làm ngày giỗ, coi như con cháu trong nhà…
Vợ chồng anh Phước, chị Hạc. Ảnh: N.Thịnh
Tiếp lời vợ, anh Phước nói rằng vợ chồng anh cưu mang những người điên bắt đầu từ 15 năm về trước khi anh thấy không thể ngủ được ngon giấc trước cảnh một ông già cứ quằn quại bên lề đường. Về sau, mỗi lần đi chở hàng thuê, thấy những người tâm thần lang thang ngoài đường anh Phước lại đưa về chăm nuôi. Điều kỳ lạ là những người anh Phước đưa về đều có sự thay đổi lớn. Từ những người lang thang với cặp mắt ngờ nghệch, lúc khóc, lúc cười, khi la hét, thậm chí còn tấn công bất kỳ ai đến gần như thú hoang thì giờ đây, họ trở nên hiền lành, biết tắm, giặt, biết đánh đàn ca hát…
Gia đình bà Nguyễn Thị Vân ở tổ 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku, có một người con trai và 6 người con gái. Nhưng bất hạnh xảy ra khi con trai bà lên 20 tuổi tự nhiên phát bệnh điên, bỏ nhà đi lang thang khắp nơi. Có lần Tạ Quốc Phong- con trai bà đi vào rừng, Công an bắt vì nghi Phong rình mò ăn trộm bò nên bị nhốt hơn 1 ngày. Khi ở trong đồn, có người nhận ra Phong là người hàng xóm nên đã báo cho gia đình bà đến xin đón con về. Khi ấy Công an mới biết Phong bị bệnh tâm thần nặng. Nhiều lần ra đường rồi trở về nhà, Phong có biểu hiện hung dữ, luôn đánh chửi bố mẹ, các chị em và đập phá tài sản trong gia đình. Quá hoảng sợ, gia đình bà đã dùng dây để xích con lại. Nhiều năm qua, gia đình bà đã tìm thầy tìm thuốc để chữa trị cho con, nhưng càng chữa chạy, bệnh tình của Phong càng thêm nặng.
Năm 2009 nghe giới thiệu có anh Hà Tư Phước ở thôn Ia Rok, xã Chư Hdrông, tự nguyện đứng ra nhận giúp đỡ, nuôi dưỡng và chăm sóc người tâm thần không thu tiền, gia đình bà đã đem con trai đến nhờ giúp đỡ. Gia đình thường xuyên cử người đến thăm nom. Thấy con khỏe mạnh, tự xúc cơm ăn, không còn đập phá và dần bình phục, bà Nguyễn Thị Vân, phấn khởi cho biết: “Là gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng chú Phước thấy người ta như vậy nên nuôi giùm. Kể từ khi vào ở với gia đình chú Phước đến nay, mỗi lần đến thăm con, tôi đều phấn khởi, xóa bỏ được mặc cảm, vì con tôi biết nghe lời chú Phước, biết tự tắm rửa, lau dọn phòng ở sạch sẽ”.
Phạm Chí Nghĩa đang thể hiện tác phẩm của mình cho các bạn cùng thưởng thức. Ảnh: N.Thịnh
Bất hạnh hơn là gia đình bà Nguyễn Thị Si- ông Trương Văn Sơn ở Pleiku Roh, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku buôn bán rau ở chợ. Gia đình có 4 người con, sau một trận ốm hai người con trai lớn bị đổ bệnh và bỗng dưng chửi mắng bố mẹ, đập phá tài sản, cởi quần áo đi lang thang ngoài đường. Nhà tuy nghèo, nhưng vì mong con khỏi bệnh nên gia đình tìm khắp nơi chạy chữa thuốc thang nhiều năm mà bệnh tình của con không hề thuyên giảm. Vì sợ chúng phá phách nên gia đình phải dùng xích để cột mỗi đứa một bên hông nhà. Đầu năm 2011, gia đình bà Si đã đem một người con lớn là Trương Xuân Đông nhờ anh Hà Tư Phước nuôi giúp. Sau 7 tháng được gia đình anh Phước chăm sóc cùng với những người bạn cùng cảnh ngộ, giờ Đông đã biết tự tắm rửa, tự ăn cơm và biết ra vườn cà phê nhặt cỏ giúp cho anh chị Phước. Bà Nguyễn Thị Si, xúc động nói trong nước mắt: “Gia đình chú Phước bỏ tiền ra để giúp đỡ những người bị tâm thần như con tôi, gia đình tôi rất biết ơn”.
Đối với Re- người dân tộc Jrai ở làng K’Be, xã H’Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum được gia đình đem đến nhờ anh Phước nuôi giúp từ năm 2009, đến nay anh đã đỡ được phần nào và dần dần nhớ về quá khứ của mình. Re bảo: Mình lấy vợ từ năm 2003. Vợ mình là người dân tộc Chăm quê ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, chúng mình đã có hai đứa con gái sinh đôi, năm nay cũng được 7 tuổi rồi, hiện nó đang học ở trường làng. Năm 2008, trong một lần uống rượu ngà ngà, mình tham gia đua xe máy với bạn bè thanh niên trong làng, rồi bị ngã, đầu đập xuống nền đường. Từ đó mình không còn nhớ gì nữa. Khi đến với gia đình anh Phước, Re hiền lành, chăm chỉ và rất biết nghe lời. Giờ Re cũng đỡ rất nhiều, và mong muốn gia đình đến đón về để đoàn tụ. Re nói: Mình giờ khỏe nhiều, gần hết điên rồi. Mình muốn về với vợ để cùng với nó chăm sóc các con.
Cùng ở với những người bạn đồng cảnh ngộ tại gia đình anh Phước còn có Phạm Chí Nghĩa. Anh Phước bảo, Nghĩa là người hết sức đặc biệt. Nghĩa là người biết đánh đàn guitar và hát rất hay. Từ ngày về ở với anh, Nghĩa đã sáng tác được 6 bài hát ca ngợi về vẻ đẹp của con sông Đà, ca ngợi mảnh đất Pleiku hiền hòa…
Người được xem là “tỉnh táo” nhất trong số người tâm thần ở đây có lẽ là anh Võ Tấn Duy (phường Hội Thương). Khi chúng tôi đến, anh Duy đang tỉ mẩn cắt tóc cho mọi người. Nhìn tấm vải được quấn cẩn thận để tránh cho tóc không rơi vào người, cách anh Duy nhấp từng nhát kéo là đủ biết “tay nghề” của anh như thế nào. “Ở đây thoải mái hơn, về nhà mình không làm được gì, người ta nói nhiều mình không thích”, anh Duy tâm sự bằng giọng nói cà lăm của mình.
Nhớ lại những buổi đầu đưa người điên về nhà sống, anh Phước tâm sự: “Nhìn những khuôn mặt ngờ nghệch lang thang vất vưởng ngoài đường, thấy mà tội, tôi không đành lòng để họ bơ vơ. Có khoai ăn khoai, có sắn ăn sắn, không biết sống được bao lâu nhưng được giúp họ đến đâu thì cố gắng giúp đến đó vậy”.
Chuyện gia đình anh Phước, chị Hạc nhận người bị tâm thần về nuôi đã không còn là chuyện lạ nữa. Những lời bàn ra tán vào cũng chẳng còn, thay vào đó là những sự giúp đỡ, cộng góp từ các đoàn thể xã hội, từ các cá nhân có tấm lòng để gia đình có thể chăm sóc cho những người bệnh được chu đáo và vẹn toàn hơn.
…Mới đó mà trời đổ chiều thật nhanh. Pleiku đột ngột gió. Trước khi ra về, chúng tôi gửi lại chị Hạc một chút quà. Chối từ mãi mà không được, giọng chị Hạc chợt rưng rưng: “Cảm ơn anh chị. Vậy là bữa mai, các anh ấy có thêm chút tươi trong bữa cơm rồi”. Rồi chị lại nhìn ra sân. Ngoài đó, lẫn trong vạt nắng đang sánh lên những giọt vàng tươi mới.
​Chị Hạc chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình đông đúc này. Ảnh: N.Thịnh

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)