(VNTB) – Chính sự chậm chạp, quan liêu, nề hà của quan chức đã khiến người dân phải tự soạn bí kíp để giúp nhau qua mùa bão lũ
Theo lẽ thường, khi có thiên tai lũ lụt thì công an, quân đội phải là lực lượng đứng ra hỗ trợ người dân. Mặt trận Tổ quốc sẽ là nơi huy động tiền của để mua hàng hóa cứu trợ khẩn cấp cho vùng bị hại. Nhưng nhiều năm nay, cứ có mưa lũ là dân lại hô hào tự động giúp nhau chứ không thông qua nhà nước.
Đã có trường hợp người cứu trợ bị thiệt mạng do tai nạn lật thuyền lúc đến vùng lũ. Nhưng không vì vậy mà dân không cứu nhau, hoạt động thiện nguyện bị gián đoạn. Trên mạng xã hội, người dân tự hướng dẫn nhau cách đi cứu trợ như thế nào cho an toàn và hiệu quả.
Chị Hà Thị Hồng Nhung, một người làm thiện nguyện những ngày mưa lũ vừa qua viết: “Hiện tại tình trạng mưa lũ, sạt lở đất diễn ra vô cùng phức tạp và diễn biến khôn lường. Làm thiện nguyện là 1 nghĩa cử đẹp, đáng trân trọng nhưng chúng ta phải xác định đi cứu trợ, đừng để họ cứu lại mình! Làm thiện nguyện cũng cần phải có một trái tim nóng và một cái đầu lạnh. Lưu ý như sau:
Lưu ý thứ nhất: Hiện tại tình hình ngập lụt còn nhiều phức tạp, rất nguy hiểm. Nếu ai có ý định đi cứu trợ thì phải tính toán phương án đảm bảo an toàn cho đoàn mình trước. Tức là phải có trang bị cứu hộ, áo phao, và tốt nhất là nên có người địa phương thông thạo địa hình dẫn đường.
Lưu ý thứ 2: Vì lụt đang giai đoạn cấp bách nên các đoàn cũng tính phương án cấp bách tức là nên chọn lực lượng thanh niên trẻ, khỏe, vừa phát quà vừa hỗ trợ cứu hộ hoặc ít nhất cũng không làm phiền lực lượng tại chỗ phải cứu ngược lại đoàn. Vì thật sự là hiện tại đội cứu hộ địa phương đã bận lắm lắm rồi.
Lưu ý thứ 3: là xin các đoàn tính đến kế hoạch cứu trợ dài hơi hơn chứ không phải cứ lên đường ầm ầm như hiện nay vì em sợ nó không hiệu quả”.
Việc người dân không tin tưởng vào nhà nước là vì sự bất minh trong quá trình vận động cứu trợ, sự chậm trễ, quan liêu của các cán bộ cộng sản. Và dĩ nhiên là cơ chế tham nhũng cũng là nguyên nhân khiến người dân không muốn chuyển tiền cho nhà nước mà thà tự bỏ tiền và công sức ra để tới tận nơi giúp nhau.
Đó là lý do người dân mua mỳ gói, gạo, bánh tét, bánh chưng, nước suối, nhu yếu phẩm khác đem lên tận vùng lũ và dẫn tới nơi thì dư, nơi thì không có. Có những điểm tập kết quà cứu trợ bị quá tải nhưng người dân vẫn không thể tới nhận do thiếu phương tiện đi lại lúc mưa lũ. Tới mức người dân phải soạn sẵn phương án cứu trợ để tự giúp nhau.
Cũng trên Facebook Hà Thị Hồng Nhung, chị này phân tích tình hình lũ lụt sẽ tác động lên người dân thành 3 giai đoạn:
“Giai đoạn 1 là giai đoạn khẩn cấp, nước đang ngập mênh mông. Người dân đang còn mắc kẹt ở những vùng trũng thấp, ưu tiên quan trọng của giai đoạn này là giải cứu người và cấp đồ ăn. Giai đoạn này cần lượng lớn đồ ăn liền, áo phao, áo mưa, đèn pin. Gạo mắm muối cũng cần nhưng cho ít thôi vì giờ chỗ đâu mà nấu, nhà đâu mà cất phần. Ai ở khu tập trung tránh lũ thì họ thực hiện chế độ chia sẻ thời chiến rồi.
Tin mình đi, bà con vùng lũ họ thương nhau lắm, đi ở tập trung thì nửa cục lương khô cũng nhìn nhau mà chia. Bởi vậy chở nhiều gạo, dầu ăn, mắm muối, áo quần lúc này không hiệu quả mà còn ảnh hưởng tới công tác cứu hộ. Các đoàn cứ chở lũ lượt ra đó rồi không phát được, rồi mưa thấm vào bị hư, bị mốc. Xót của, xót công lắm cả nhà ạ.
Giai đoạn 2: là giai đoạn nước rút. Khi nước rút xong thì sẽ thế nào? Bốn bề là bùn đất, đổ nát, rác và dịch bệnh. Lúc này sẽ thiếu nước sạch, thiếu điện, thiếu đồ dùng, thiếu thuốc men, thiếu rất nhiều thứ để làm lại cuộc sống. Lúc này lại cần một lực lượng lớn nhân lực hỗ trợ dọn dẹp, khắc phục hậu quả. Và tới khúc này mới bắt đầu cần lượng lớn quần áo, chăn mền, nồi niêu xoong chảo, bếp nấu, gạo, mắm muối để ai về nhà nấy thổi cơm riêng nè. Lúc này các đoàn muốn đi bao nhiêu cũng được, các bạn nữ đi đông cũng tốt vì phụ nữ rất giỏi trong việc động viên tinh thần, an ủi khích lệ nhau.
Giai đoạn 3: là trở lại cuộc sống bình thường (kiểu tái hòa nhập cộng đồng vậy đó).Lúc này mới tính tới phương án trẻ con đi học, ba mẹ đi làm. Lúc này mới cần tới sách vở, cần con giống trâu, bò, lợn, gà. Và cần nhất là tiền mặt”.
Chị nhắn nhủ rằng: “Nhờ Facebook mà công cuộc thiện nguyện của các nhóm tự phát dễ dàng có được thông tin nhanh chóng, chính xác. Mong các đoàn tiếp tục nghe ngóng tình hình và chọn thời điểm phù hợp để ra tay tương trợ. Nhưng hãy bình tâm lại, hãy nghĩ kĩ, bạn biết bơi không, bạn say tàu xe không, ra tới đó bạn nhắm bạn cứu được người ta không? Nghĩ kĩ để phát huy sức mạnh của mình. Vì đồng hành cùng người dân bị lũ cũng cần lắm lắm những kế hoạch dài hơi, những ứng cứu phù hợp với thời điểm họ cần”.
Mùa mưa bão lũ lụt ở Việt Nam sẽ còn kéo dài tới tháng 11. Và năm nào cũng vậy. Dân vẫn khổ, lũ vẫn gây sạt lở và quan chức vẫn quan liêu, tham nhũng, chậm trễ. Cho nên những lưu ý này là kinh nghiệm hết sức thiết thực và quan trọng cho những lần cứu trợ tiếp theo.
___________________
Tham khảo:
https://www.facebook.com/share/p/F8K2btnAZnzfhCCs/?