Diên Vỹ dịch
(VNTB) – Gia đình ông Khảm cho rằng những lời buộc tội là vô lý và không đúng.
Ông Châu Văn Khảm vượt biên tới Úc vào năm 1982. Bốn năm sau đó ông kết hôn và có hai con trai, Daniel, 31 và Dennis, 29 tuổi.
Ông Khảm mở một cửa hàng giặt ủi ở Sydney và sau đó là một tiệm bánh và làm việc đến khi nghỉ hưu năm năm trước, và từ đó trở thành người hăng hái ủng hộ dân chủ.
Nguyên nhân đã khiến ông Khảm- 69 tuổi, thành viên của Việt Tân – trở lại quê hương là “tìm hiểu thực tế” về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trước khi bị bắt vào ngày 15 tháng 1 năm 2019.
Tài liệu mà SBS News thu thập được cho thấy một trong những tội danh mà ông Châu đang bị điều tra là lật đổ chế độ cộng sản theo điều 109 của bộ luật hình sự, một tội danh có thể lãnh án tù chung thân hoặc thậm chí là tử hình trong những trường hợp nghiêm trọng nhất.
Ông Khảm cũng đang bị điều tra vì cáo buộc vi phạm điều 341, liên quan đến việc in ấn tài liệu.
Chính quyền Việt Nam cho rằng anh ta đã sử dụng chứng minh nhân dân giả để vào nước từ Campuchia.
Theo giáo sư Ben Kerkvliet tại Đại học Quốc gia Úc, người đã nghiên cứu các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam từ giữa những năm 1950, chính quyền ít khi sử dụng điều khoản 109.
“Chỉ có 11% bị buộc tội danh đó, hầu hết bị buộc tội tuyên truyền chống phá nhà nước, nếu so ra thì tội danh này nhận hình phạt nhẹ hơn.”
Gia đình ông Khảm cho rằng những lời buộc tội là vô lý và không đúng.
“Thật là kỳ cục – ba tôi đã 69 tuổi có một mình ở Việt Nam… Họ cáo buộc những điều mơ hồ để có được một cái gì đó từ ba tôi,” con trai ông Khảm, Dennis Chau nói với SBS News từ London, nơi ông đang sống.
Bà Trang vợ ông Khảm đã lên tiếng công khai lần đầu tiên với hy vọng chính phủ Úc sẽ vận động chính phủ Việt Nam thúc đẩy vụ việc và trả tự do cho ông Khảm.
“Là vợ, không ai muốn chồng mình phải ngồi tù lâu hoặc có thể bị kết án tử hình vậy. ” bà nói.
“Ảnh có mẹ già 95 tuổi. Bà nhớ anh…Ngày nào bà cũng hỏi khi nào anh về, nhưng chúng tôi không biết khi nào. Chúng tôi hy vọng chính phủ sẽ làm nhiều hơn nữa.”
Bon Nguyen, chủ tịch Hiệp hội Cộng đồng Việt Nam liên bang Úc cũng đang kêu gọi chính phủ làm nhiều hơn.
“Chính phủ chắc chắn có thể làm nhiều hơn để giúp đỡ vì ông Khảm là công dân Úc,” ông nói.
“Úc và Việt Nam là đối tác chiến lược năm 2018 và chúng tôi nghĩ rằng Úc có thể làm nhiều hơn nữa để đưa ông Khảm trở lại Úc.”
Theo Báo cáo từ Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT) mà SBS News được xem cho thấy ông Khảm đang bị giam giữ trong thời gian điều tra bốn tháng và có thể gia hạn theo yêu cầu của công an.
Ông Khảm không được phép có luật sư và gia đình tin rằng ông không thể nói chuyện thoải mái trong các cuộc gặp mặt với lãnh sự do sự hiện diện gắt gao của nhân viên trại giam.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết theo số liệu mới nhất có ít nhất 120 tù nhân chính trị hiện đang bị giam giữ tại Việt Nam.
“Việt Nam có một hồ sơ nhân quyền tồi tệ đặc biệt là quyền dân sự và chính trị.” giám đốc người Úc Elaine Pearson nói.
“Những gì chúng ta đã thấy trong những năm gần đây là sự gia tăng về bản án của các tù nhân này, và cả về các cuộc hành hung trấn áp người tham gia biểu tình, và đôi khi trấn áp các nhà hoạt động.”
Chính phủ Việt Nam đã gán cho Việt Tân cái nhãn một nhóm khủng bố – một khẳng định mà ông chủ tịch Đỗ Hoàng Điềm bác bỏ quyết liệt.
“Việt Tân là một đảng chính trị cam kết thay đổi ôn hoà ở Việt Nam,” ông nói.
“ Chúng tôi sử dụng các biện pháp phi bạo lực để mang lại những thay đổi xã hội ở Việt Nam; chúng tôi thách thức chính phủ Việt Nam đưa ra bằng chứng rằng chúng tôi là một tổ chức khủng bố.”
Ông Điềm ở Mỹ và sẽ đến Úc vào tháng Tư để gặp mặt các nghị sĩ và người Việt để thu hút sự chú ý về trường hợp của ông Châu.
Giáo sư Ben Kerkvliet, một nhà khoa học chính trị tại ANU, nói rằng Việt Tân đã phát triển trong vài thập kỷ qua.
“Vào thập niên 70, đầu thập niên 80, Việt Tân không phải là mối đe dọa nghiêm trọng đối với chính phủ Việt Nam … đã có những nỗ lực của họ để tạo một cuộc nổi dậy quân sự nhưng điều đó không kéo dài quá lâu.”
“Việt Tân sau đó đã sử dụng các phương pháp ôn hoà và lâu dài để mang lại sự thay đổi trong chính phủ.”
Trong một tuyên bố cung cấp cho SBS News, DFAT cho biết họ không bình luận liệu họ sẽ làm gì để giải quyết vụ của ông Khảm ngoài việc cung cấp hỗ trợ lãnh sự hay không.
Phát ngôn viên cho biết của Bộ Ngoại giao và Thương mại cho biết họ đang hỗ trợ lãnh sự cho một người Úc ở Việt Nam mà không thể cung cấp thêm chi tiết vì lý do riêng.”