VNTB – Vụ án SCB

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Vụ án mà báo chí gọi tắt là “vụ án Vạn Thịnh Phát” đang xét xử phiên hình sự sơ thẩm đúng ra phải là “vụ án ngân hàng TMCP Sài Gòn, SCB”.

 

Tất cả vi phạm của Vạn Thịnh Phát đều từ hoạt động ngân hàng. Vi phạm đến mức nghiêm trọng như thế, nhưng lại không thấy quan chức nào có trách nhiệm quản lý ngân hàng phải ra tòa cả.

Bị cáo đầu vụ Trương Mỹ Lan bị xét xử về 3 tội danh: tham ô tài sản hơn 304.000 tỷ đồng của ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB); tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại cho SCB hơn 64.000 tỷ đồng; và tội đưa hối lộ 5,2 triệu USD cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (Trưởng đoàn thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước tại SCB).

Theo cáo trạng, trong 10 năm, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm lập lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống, tham ô hơn 304.000 tỷ đồng nợ gốc và hơn 129.000 tỷ đồng lãi suất phát sinh từ nợ gốc; vi phạm quy định cho vay gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 64.000 tỷ đồng. Tất cả đều xảy ra tại SCB.

Cáo trạng cho biết, từ năm 2012 – 2022, với việc nắm gần như tuyệt đối cổ phần tại SCB (chủ tịch Vạn Thịnh Phát sở hữu 91,5% cổ phần ở SCB dưới danh nghĩa của 27 pháp nhân trong và ngoài nước cùng các cá nhân đứng tên giúp), bị cáo Trương Mỹ Lan thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, để rút 1 triệu tỷ đồng tại ngân hàng. Thiệt hại này đã được cơ quan tố tụng tính theo hướng có lợi cho các bị cáo, sau khi trừ đi giá trị đảm bảo tài sản cho các khoản vay.

Về dòng tiền đã giải ngân, SCB ghi nhận số tiền giải ngân cho các cá nhân, pháp nhân theo các phương án vay vốn đã được chuyển qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân (F1 nhận tiền). Dòng tiền của 1.284 khoản vay/483.917 tỷ đồng dư nợ gốc – chưa trừ giá trị tài sản đảm bảo (khi giải ngân là 525.480 tỷ đồng) của bị cáo Trương Mỹ Lan xác định được như sau: trả nợ khoản vay cũ tại SCB 57.029 tỷ đồng; tổ chức, cá nhân chuyển khoản ra ngoài hệ thống SCB 381.303 tỷ đồng; tổ chức, cá nhân chuyển khoản nội bộ trong SCB 5.275 tỷ đồng; tổ chức, cá nhân rút tiền mặt 81.873 tỷ đồng.

“Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần, chi phối điều hành hoạt động ngân hàng thông qua các lãnh đạo chủ chốt, Trương Mỹ Lan đã sử dụng SCB như một công cụ tài chính huy động tiền gửi và vốn từ các hoạt động khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách lập khống nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân”, Viện kiểm sát cáo buộc.

Cũng theo cáo trạng, hầu hết hồ sơ vay được đưa cho những người do Vạn Thịnh Phát thuê đến đều là giấy trắng đã được đánh dấu sẵn vị trí cần ký. Sau đó nhóm lãnh đạo SCB sẽ “phù phép” các giấy tờ ký khống này thành hồ sơ vay vốn rồi giải ngân tiền cho Vạn Thịnh Phát. Những người này đều không được sử dụng tiền, không biết mình vay và nợ SCB số tiền đặc biệt lớn. Đa phần các khoản vay của Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát tại SCB đều được giải ngân trước và thực hiện hợp thức sau.

Trong gần 1.300 khoản vay thuộc trách nhiệm của Trương Mỹ Lan, có gần 700 khoản vay dư nợ hơn 382 ngàn tỷ chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân, số còn lại thì tài sản đảm bảo chủ yếu là cổ phần, quyền tài sản.

Vụ việc đã có thể được “ra ánh sáng” sớm hơn nếu như không xảy ra chuyện bà Đỗ Thị Nhàn – khi ấy là cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II – Ngân hàng Nhà nước – đã không nhận khoản hối lộ số tiền đặc biệt lớn lên đến 5,2 triệu USD từ tay bà chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Khi đó bà Nhàn nói SCB phải đưa vào diện “kiểm soát đặc biệt” và muốn gặp bà Trương Mỹ Lan để yêu cầu làm rõ.

Kết quả của quá trình SCB bị thanh tra này, ngoài hối lộ 5,2 triệu USD cho nữ cục trưởng thuộc Ngân hàng Nhà nước, chủ tịch Vạn Thịnh Phát còn chỉ đạo chi tiền “lót tay” cho các thành viên trong đoàn thanh tra để được che giấu thực trạng đặc biệt yếu kém và sai phạm của nhà băng này. Những người có thẩm quyền trong đoàn thanh tra sau khi nhận “quà” đã không báo cáo trung thực, không kiến nghị đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt. Thậm chí còn kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho ngân hàng này được tiếp tục tái cơ cấu…

“Trong quá trình giám sát từ năm 2016 đến tháng 9-2022, các thành viên Tổ giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã có trên 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về việc kiểm tra, thanh tra SCB, đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt nhưng không được cấp trên chấp thuận! Chỉ triển khai 2 cuộc thanh tra đột xuất vào năm 2020 và 2022, nhưng phạm vi thanh tra bị thu hẹp, không đúng đề xuất của Tổ Giám sát và ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước” – trích cáo trạng.

Như vậy nội bộ Ngân hàng Nhà nước thấy rõ bất ổn và nguy cơ ở SCB nhưng bị “lờ” đi! Lãnh đạo các cấp là ai và cấp trên không chấp thuận gọi tên vị nào? Nếu họ đồng ý liệu mất mát có khủng khiếp và thiệt hại kinh hoàng như vậy?

Lẽ đó nên đúng nhất ở đây cần phải gọi tên vụ án này là “vụ án SCB”, với vai trò chủ chốt liên quan đến toàn bộ quá trình quản trị của SCB, và trách nhiệm liên đới của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước giai đoạn tương ứng lúc thanh tra ngân hàng này.

Ngoài ra nếu mang so với các vụ án tương tự, cơ chế kiểm soát còn phải chịu trách nhiệm chính là lãnh đạo địa phương, cấp tỉnh thành phố. Như vụ Minh 3-2 ở Bình Dương bắt Trần Văn Nam, bí thư Bình Dương và Trần Thanh Liêm, chủ tịch Bình Dương; vụ Sài Gòn Đại Ninh bắt bí thư chủ tịch Lâm Đồng; vụ mỏ cát An Giang bắt Nguyễn Thanh Bình chủ tịch An Giang… Còn vụ Trương Mỹ Lan kéo dài nhiều năm, có dư luận về việc thâu tóm bất động sản rồi để đó không làm gì, có lời khai hối lộ triệu đô… một mình Trương Mỹ Lan và sự tiếp tay của một số cán bộ ngân hàng cũng không thể vô hiệu hóa định chế kiểm soát mang tính Nhà nước, mà thực thể đại diện là chính quyền  TP.HCM.

 


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)