VNTB – Vụ chai Numbre One có ruồi: những bài học sai lầm sơ đẳng

Thiên Điểu (VNTB) Dư luận sau vụ xét xử ông Võ Văn Minh mức án 7 năm tù liên quan việc đòi bồi thường 500 triệu từ nhà sản xuất là Công ty Tân Hiệp Phát gây nên một cơn bão chưa từng có về vấn đề pháp lý và quan hệ nhà sản xuất – người tiêu dùng ở Việt Nam.

Làn sóng tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát bùng nổ không chỉ giáng một đòn thiệt hại nặng nề, thậm chí có khả năng đẩy Tân Hiệp Phát tới phá sản hoàn toàn mà còn cho thấy quan điểm của người về mặt luật pháp liên quan vụ án và bản chất vụ việc khác hẳn với quan điểm, cách thức hành xử của chính quyền.

Hành pháp thiên lệch dẫn tới vi phạm luật pháp

Tòa án Tỉnh Tiền Giang căn cứ vào quan điểm của cơ quan điều tra (CQĐT) và Viện kiểm sát (VKS) đã xử tù ông Võ Văn Minh với tội danh “cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 3, điều 135 Luật Hình sự mức án 7 năm tù – mức xử dưới khung liền kề trong khung xử cao hơn bị đề nghị do có “tình tiết giảm nhẹ” từ đại diện Tân Hiệp Phát đã “thể hiện thiện chí kiến nghị” với Tòa trong phiên xử sơ thẩm ngày 18/12/2015.

Nhìn lại sự việc, nếu ngay từ đầu CQĐT, VKS Tỉnh Tiền Giang thực sự nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc “suy luận có lợi” cho bị cáo trong vụ án này thì vấn đề đã khác hoàn toàn. Cụ thể:

Khi tiếp nhận yêu cầu từ Tân Hiệp Phát, nếu CQĐT nhìn vấn đề đơn giản, đúng với bản chất của nó bắt nguồn từ việc THP có sản phẩm nhiễm bẩn bị phát hiện tức là đã bán hàng không đúng cam kết, gây thiệt hại cho ông Võ Văn Minh và tất cả những người tiêu dùng khác để thu lợi. Đương nhiên ông Minh có quyền đòi bồi thường và THP phải có trách nhiệm thương lương mức bồi thường thỏa đáng cho ông Minh cũng như những người tiêu dùng khác. Vấn đề còn lại là mức bồi thường thế nào hợp lý, giảm thiểu thiệt hại cho cả hai bên thì có cần phải can thiệp hay không.
Mình họa DAD. Nguồn: Tuổi Trẻ
Tuy nhiên, ngay từ đầu CQĐT đã nhìn nhận bằng quan điểm của bên có lỗi là Công ty THP rằng: “một chai nước giá 10 ngàn mà đòi 500 triệu là không thể chấp nhận”, xem nó là dấu hiệu phạm tội để lập tức phối hợp với THP ra tay bắt giữ ông Võ Văn Minh – khách hàng và là chủ thể bị hại trước, lập hồ sơ theo hướng tội phạm. Phải chăng lực lượng CSĐT thật sự nhìn vấn đề theo kiểu “nhìn đâu cũng thấy kẻ thù”? Tại sao lại nôn nóng kết tội tới mức bỏ qua các nguyên tắc cơ bản, vi phạm pháp luật khi để THP can thiệp cả vào quá trình điều tra mà việc Luật sư của THP có mặt trong quá trình hỏi cung là minh chứng rõ ràng không thể chối cãi? Mức giá 500 triệu có thực sự là quá lớn đối với một doanh nghiệp đã thu lợi hàng ngàn tỷ đồng?

Thay vì nếu nhìn nhận vấn đề theo hướng hợp lý để đảm bảo an ninh trật tự xã hội. CQCSĐT Tiền Giang đã làm vụ việc chuyển sang hướng khác hẳn. Thay vì chuyển vấn đề cho Tòa dân dự. Trọng tài kinh tế, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng… để làm trung gian hòa giải, thương lượng, giúp THP thương lượng, giải quyết với ông Minh về mức bồi thường hợp lý cho cả hai bên. Hay thậm chí là chuyển thông tin tới các cơ quan kiểm tra chất lượng, quản lý thị trường kiểm tra, xem xét theo đúng chức trách của mình, có thể xem xét xử phạt THP nếu xác định sản phẩm thật sự có vấn đề. Như vậy đã không xảy ra hệ lụy và không có gì để bàn cãi.

Từ một cách nhìn thiên lệch – tạm thời bỏ qua khả năng CSĐT cố ý bắt tay với THP để làm sai lệch vấn đề – vụ tranh chấp quyền lợi trở thành một vụ án hình sự. Kết quả cả hệ thống hành pháp của Tỉnh Tiền Giang đẩy người bị thiệt hại thành tội phạm, đẩy nhà sản xuất từ doanh nghiệp lớn rơi vào nguy cơ phá sản chỉ vì một suy diễn ích kỷ và thói coi thường, thiếu trách nhiệm với khách hàng. 

Trên khía cạnh xã hội, làn song tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát lan rộng và độ nóng của dư luận trên truyền thông cho thấy qua vụ án này là quan điểm của đa số người dân trái ngược với quan điểm luật pháp. Đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng chứ không đơn giản bó hẹp trong ý nghĩa đúng sai của phạm vi một vụ án cụ thể. Chỉ riêng liên quan bê bối sản phẩm của Tân Hiệp Phát, đã có tới ít nhất ba người tiêu dùng trước ông Võ Văn Minh bị xử tù cùng cách thức y hệt như nhau bởi ba hệ thống hành pháp của ba địa phương khác nhau. Nó là minh chứng hệ thống hành pháp được vận hành với cùng một cách thức thiên lệch, bất bình đẳng trong một vấn đề cụ thể. Là “giọt nước tràn ly” đối với tâm lý bị ức chế trước thái độ của THP và cả cách hành xử của luật pháp.

Từ chuyện THP từng bị thanh tra phát hiện sử dụng hóa chất Trung Quốc quá hạn đến nhiều khách hàng của THP vào tù vì liên quan tranh chấp quyền lợi vì sản phẩm kém chất lượng cho thấy quan điểm của THP là phủi tay, vô trách nhiệm với khách hàng. Mức đòi bồi thường từ vài ba chục triệu cũng bị tù chứ không phải chỉ 500 triệu như vụ ông Võ Văn Minh. Trải qua nhiều vụ việc với một khoảng thời gian dài nhưng không có bất cứ một xử lý nghiêm khắc nào đối với nhà sản xuất mà khách hàng – người bị hại – lại liên tiếp vào tù và ngày càng chịu mức án cao hơn. Việc tẩy chay sản phẩm của THP và nguy cơ phá sản là điều tất yếu, không thể có bất cứ lý do nào biện minh được.

Thiệt hại và hậu quả chưa dừng lại

Phiên xử sơ thẩm đã khép lại, ông Võ Văn Minh bị vào tù, THP gánh chịu thiệt hại từ làn song tẩy chay lớn hơn nhiều lần số tiền bồi thường theo yêu cầu của ông Minh và cả những người bị xử tù trước đó là điều ai cũng hiểu. Nhưng phiên phúc thẩm tiếp theo như thế nào để chấm dứt những hệ lụy là một kịch bản khó. Nếu tuyên hủy án sơ thẩm, bồi thường cho ông Minh đồng nghĩa phải xem lại cả ba bản án cho ba người trước đó. Trường hợp vẫn giữ nguyên quan điểm là có tội thì chắc chắn làn sóng phản đối, tẩy chay THP tiếp tục gia tăng. Thậm chí không loại trừ người dân – những khách hàng của THP – sẽ xuống đường biểu tình tẩy chay THP chứ không chỉ đơn thuần là phản đối trên truyền thông.

Kết cục phá sản của THP cũng không chỉ dừng lại là thất bại của một doanh nghiệp lớn vì sai lầm mà chắc chắn ảnh hưởng đến cả cái nhìn từ bên ngoài vào uy tín của cả các doanh nghiệp khác lẫn hệ thống luật pháp Việt Nam trước quốc tế.

Tất cả mọi hệ lụy phụ thuộc vào cấp hành pháp cao hơn có đủ can đảm nhìn thẳng vào cách vận dụng luật pháp thế nào hợp tình hợp lý hay không. Về phía THP, tồn tại hay phá sản phụ thuộc vào phản ứng của người dân tiếp theo thế nào. Nó đặt ra bài toán bắt buộc THP phải có một giải pháp, một kịch bản ứng phó đủ thuyết phục chứ không phải là dựa vào các công cụ đã từng sử dụng. Tiếp tục dung truyền thông để lấp liếm hay quyền lực để trấn áp đều phản tác dụng và con đường phá sản không còn bất cứ cơ hội để lựa chọn nào khác. 
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)