Ngân Bình dịch
(VNTB) – Hàng chục nghìn công dân Trung Quốc đã đi đến Nam Mỹ, theo tuyến đường bộ rất nổi tiếng xuyên qua Colombia và Panama để đến Hoa Kỳ
Họ đến Mỹ vì những lý do khác nhau. Có người đang tìm kiếm cơ hội kinh tế. Người khác thì vỡ mộng với cách cai trị của Tập Cận Bình. Người ta xem video trực tuyến về những người di cư Trung Quốc khác đang đi bộ xuyên qua rừng rậm vô luật pháp giữa Colombia và Panama để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hàng chục nghìn công dân Trung Quốc đã đi đến Nam Mỹ, bước đầu tiên trong hành trình nguy hiểm đến nước Mỹ. Tuyến đường này rất nổi tiếng đến nỗi Trung Quốc đặt cho nó một biệt danh: zouxian, hay tuyến đường đi bộ.
Trong hai năm qua, người di cư Trung Quốc là nhóm tăng trưởng nhanh nhất vượt biên giới phía nam của Mỹ. Hơn 37.000 người đã bị Tuần tra Biên giới Mỹ phát hiện vào năm 2023, tăng từ 3.813 người vào năm 2022 và 689 người vào năm 2021. Thêm 21.000 người nữa đã đến trong tám tháng đầu năm 2024. Họ chỉ là một phần nhỏ trong số 2 triệu người di cư trên toàn thế giới cố vượt biên vào Mỹ vào năm 2023. Nhưng vì Mỹ và Trung Quốc đang bị kẹt vì cạnh tranh về kinh tế, ý thức hệ và địa chiến lược, nên những người di cư Trung Quốc đã phải hứng chịu mọi chỉ trích về mặt chính trị.
Theo lời Donald Trump, những người mới đến từ Trung Quốc chủ yếu là những nam giới trong độ tuổi quân sự. “Họ có đang muốn xây dựng một đội quân nhỏ ở nước Mỹ chúng ta chăng?” Trump đã đặt câu hỏi. Các chính trị gia Cộng hòa khác đã gọi những người di cư Trung Quốc là những điệp viên tiềm năng. Kamala Harris và đảng Dân chủ ít gây hoang mang hơn, nhưng họ cũng lo lắng về tình trạng biên giới. Trong bối cảnh chiến dịch tranh cử tổng thống mà vấn đề nhập cư là mối quan tâm hàng đầu đồng thời Trung Quốc là một nhân vật phản diện, hầu như không có nỗ lực nào để tìm hiểu điều gì đang thúc đẩy phong trào di cư và tình trạng này nói lên điều gì đó về mỗi quốc gia.
The Economist đã dành ba tháng để đưa tin tại Colombia, Mexico và Mỹ. Chúng tôi đã phỏng vấn hàng chục người di cư, cũng như những kẻ buôn lậu, lính biên phòng và chuyên gia. Một số người đã cho phép chúng tôi theo dõi hành trình đi bộ của họ.
Một số người đã đến Mỹ sau nhiều tuần đi thuyền, xe buýt, đi bộ và máy bay. Những người khác đã mất tất cả mọi thứ trên đường. Hầu hết họ đều bị thu hút với lời hứa về một tương lai tốt đẹp hơn và tuân theo một chiến thuật nhằm khai thác hệ thống nhập cư đang lỏng lẻo của Mỹ. Nhưng hành trình của họ cũng cho chúng ta thấy Trung Quốc, với sự cai trị ngột ngạt của Tập Cận Bình và tình trạng kinh tế tồi tệ hơn đang đẩy mọi người bỏ nước ra đi.
Phần 1: Necoclí
Đối với nhiều người di cư Trung Quốc, điểm dừng chân đầu tiên ở châu Mỹ là Ecuador, nơi cho đến gần đây vẫn miễn thị thực cho họ. Nhưng họ nhanh chóng đi đến Colombia. Đó là nơi chúng tôi gặp cô Huang, một người phụ nữ ngoài 40 tuổi mặc một chiếc váy hồng tươi. Cô đã thách thức các chuẩn mực bảo thủ của quê hương mình, một ngôi làng nghèo ở tỉnh Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc. Hầu hết phụ nữ trong làng dành cả cuộc đời để làm nông và nuôi con. Tuy nhiên, cô Huang đã rời đi đến những thị trấn lớn hơn, nuôi hai đứa con và ly hôn với một người chồng nghiện cờ bạc.
Cô đã đến Necoclí, một thị trấn ven biển ở rìa vùng Caribe, và sắp bước vào khu rừng rậm nguy hiểm Darién Gap nằm giữa Colombia và Panama. Hai em gái của cô, đều ở độ tuổi 20 đi cùng cô. Cả hai đều chưa từng ra khỏi Trung Quốc trước đây. Cô Huang cho biết họ không biết biết gì về những nguy hiểm phía trước nhưng vẫn mơ ước đến được nước Mỹ. Kể từ khi xảy ra đại dịch, công ty của cô, một công ty giao hàng tạp hóa, đã cắt giảm lương và tăng giờ làm của cô. Cô đã xem các video về những người di cư Trung Quốc khác đã vượt biên thành công. Cô nói: “`Người chỉ sống một lần, đúng không?… Hoặc là có can đảm lên đường và chiến đấu vì nó, hoặc là chỉ cần bám sát đường cũ, chấp nhận địa vị của mình và cúi đầu xuống”.
Nhiều người di cư mà chúng tôi gặp ở Necoclí đi vì lý do kinh tế. Khi còn ở Trung Quốc, họ cảm thấy như những chiếc thang dẫn đến cuộc sống tốt đẹp hơn đang bị dỡ bỏ. Khủng hoảng bất động sản nhiều năm nay làm cho người tiêu dùng chán nản và có nguy cơ giảm phát kinh tế. Các biện pháp kích thích gần đây của chính phủ Trung Quốc đã dẫn đến một đợt tăng giá của thị trường chứng khoán, nhưng sự bi quan về nền kinh tế vẫn còn đó. Người dân Trung Quốc bình thường từng cảm thấy rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ, họ có thể tiến lên. Nhưng theo nghiên cứu mới, giờ đây họ tin rằng việc có nhiều mối quan hệ và lớn lên trong sự giàu có là chìa khóa thành công. Cô Huang cho biết: “Ở Trung Quốc, đối với những người thuộc tầng lớp thu nhập thấp, đối với những người lao động nhập cư bình thường như chúng tôi, thì không có lối thoát nào cả”.
Giữa tình trạng bất ổn này, Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thắt chặt quyền kiểm soát xã hội, tăng cường kiểm duyệt và đàn áp những người chỉ trích. Một số người di cư mà chúng tôi đã nói chuyện ở Necoclí đã tuyệt vọng và muốn thoát khỏi sự áp bức này. Ah Gan và Ah Zhen, một cặp vợ chồng ngoài 40 tuổi quê ở miền nam Trung Quốc, đã đưa cậu con trai 12 tuổi và cô con gái 10 tuổi đến thị trấn này. Họ đã chán ngán cuộc sống trong một ” cái tổ kén thông tin” và muốn con cái họ có nhiều tự do hơn, Ah Gan, người đã bị mù một phần, cho biết.
Những suy nghĩ tương tự thúc đẩy Sam Lu, một người đàn ông 36 tuổi quê Vũ Hán. Anh cho biết anh đã bị cảnh sát Trung Quốc đe dọa sau khi chỉ trích cách chính phủ Trung Quốc xử lý dịch Covid-19 vào năm 2020. Anh Lu đã nhiễm virus từ rất sớm, trong khi chính quyền phủ nhận mức độ nghiêm trọng của nó, sau đó anh đã lây nhiễm cho bà của anh, và bà đã tử vong. Đứng ở bến phà ở Necoclí, nơi những người di cư đang gói đồ đạc trong các túi rác trước khi lên thuyền đến Darién Gap, anh Lu cho biết anh đã bán nhà để trả tiền cho chuyến đi. Chính phủ Trung Quốc không còn cho phép công dân của mình lên tiếng nữa – anh nói rằng anh thà chết trên đường đến Mỹ còn hơn tiếp tục sống như vậy.
Thực tế là ở Darién Gap cũng có thể bị mất mạng, đây một trong những vùng hoang dã nguy hiểm nhất thế giới. Những người di cư trả tiền cho bọn buôn người của Gulf Clan, một băng đảng buôn bán ma túy, quản lý để được đi qua một phần của khu rừng rậm này. Họ phải đi qua những ngọn núi dựng đứng, lầy lội, những dòng sông cuồn cuộn và nguy cơ bị cướp có vũ trang bắt cóc, cướp bóc và hãm hiếp. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, một cơ quan của Liên hợp quốc, hơn 300 người di cư đã chết hoặc mất tích ở vùng rừng rậm này kể từ năm 2022. Năm 2023 Médecins Sans Frontières, một nhóm nhân đạo, đã điều trị cho gần 700 nạn nhân của bạo lực tình dục ở vùng này, trong số đó có nhiều trẻ em.
Bất chấp những nguy hiểm trên, hơn nửa triệu người di cư đã vượt qua Darién Gap vào năm 2023, nhiều gấp đôi năm 2022, theo nhà chức trách Panama. 238.185 người khác đã vượt qua vùng rừng này cho trong năm 2024. Người di cư Trung Quốc là nhóm lớn thứ tư sau những người từ Venezuela, Colombia và Ecuador. Số lượng người Trung Quốc đi qua đây tăng từ 2.000 vào năm 2022 lên hơn 25.000 vào năm 2023.
Người di cư Trung Quốc có cuộc sống dễ dàng hơn những người khác vì họ có thể chi trả cho “gói VIP” giúp rút ngắn thời gian đi ở trong rừng. Ở Necoclí, những người di cư và buôn lậu đã có ba lựa chọn: gói 300 đô la đi bộ một tuần; gói 700 đô la đi bộ hai ngày và đi thuyền hai ngày; và gói đi bằng ngựa có giá 1.500 đô la chỉ mất một ngày. Bọn buôn người chụp ảnh những người di cư tại nhiều trạm khác nhau và đăng lên WeChat để chứng minh rằng họ được đưa đến nơi an toàn. Hầu hết những người di cư Trung Quốc mà chúng tôi đã nói chuyện đều chọn gói 700 đô la. Sau khi ra khỏi rừng rậm, họ đi xe buýt qua Panama, Costa Rica, Nicaragua, Honduras và Guatemala, cho đến tận Mexico.
—–
Phần 2: Tapachula
Bất chấp những nguy hiểm của Darién Gap, nhiều người di cư Trung Quốc cho biết phần khó khăn nhất trong hành trình của họ là ở Mexico. Dưới áp lực từ Mỹ nhằm giảm số lượng người di cư tại biên giới của họ, Mexico đã thực hiện một chính sách dường như nhằm mục đích làm kiệt sức người di cư. Họ bị chính quyền Mexico tập hợp lại và sau đó bị bỏ lại ở các thành phố Tapachula và Villahermosa tại miền nam Mexico, cách xa Mỹ hàng nghìn dặm. Một số người di cư đã bị bắt và bị ép phải di chuyển nhiều lần. Chiến lược đó, cùng với các hạn chế mới nghiêm ngặt ở Mỹ, đã dẫn đến việc giảm 77% các cuộc chạm trán của Biên phòng Mỹ với những người di cư cố gắng vượt biên vào Mỹ từ Mexico vào tháng 8 so với tháng 12, khi con số này đạt đỉnh.
Những người di cư bị mắc kẹt ở Mexico trở thành mục tiêu của những kẻ buôn người và tội phạm có tổ chức. Điều đó rất rõ ràng ngay bên ngoài Tapachula, nơi chúng tôi thấy hàng trăm người di cư hy vọng lên được xe buýt để đi về phía bắc. Một số người từ Venezuela và Afghanistan cho rằng cách chính sách của chính phủ Mexico đã đẩy giá trả cho bọn buôn người lên cao ngất. Một người phụ nữ cho biết cô phải trả 300 peso cho mỗi 15 phút ngồi trên xe của bọn buôn người—tương đương với 1 đô la một phút. Đi bộ về phía bắc quá nguy hiểm vì chồng của cô đã bị những người đàn ông có vũ trang đi xe máy bắt cóc và yêu cầu 75 đô la tiền chuộc.
Những người di cư Trung Quốc nói riêng thường bị săn đuổi vì có nhiều tiền hơn. Trong khi cố vượt biên sang Mexico, Ah Gan và Ah Zhen đã bị một nhóm người di cư Trung Quốc khác bỏ rơi, sau đó bị một kẻ buôn người ép phải trả một khoản nợ hàng nghìn đô la của nhóm. Sau đó, họ bị nhốt trong một nhà nghỉ và bị bọn buôn người lừa lấy thêm tiền, chúng nói rằng tiền đó là để hối lộ tại các trạm kiểm soát. Hai vợ chồng này đã trốn thoát khi nói với những kẻ bắt giữ rằng họ cần đến một thị trấn gần đó để mua giày mới cho con vì giày cũ đã bị hỏng trong rừng. Sau khi mua được giày, họ chạy trốn đến Thủ đô Mexico.
Chính phủ Trung Quốc đã nói rằng họ đang hợp tác với các quốc gia khác để trấn áp nạn buôn người. Nhưng những người di cư tiềm năng dường như quan tâm nhiều hơn đến những thay đổi chính sách khác dọc theo tuyến đường zouxian. Ví dụ, vào ngày 1 tháng 7, Ecuador đã đình chỉ việc nhập cảnh miễn thị thực đối với công dân Trung Quốc. Kết quả là, số lượng người Trung Quốc vượt qua Darién Gap đã giảm từ hơn 1.000 người vào tháng 6 xuống còn 53 người vào tháng 8. Trong các nhóm thảo luận trực tuyến tại Trung Quốc, những người đang nghĩ đến việc thực hiện chuyến đi đã bắt đầu tìm kiếm những lối vào khác, chẳng hạn như Bolivia (nơi người mang hộ chiếu Trung Quốc có thể xin thị thực khi đến nơi) hoặc Suriname (nơi họ không cần thị thực).
Tại Tapachula, một người di cư Trung Quốc có họ Chen đang lo lắng về con đường phía trước. Vào tháng 6, chính quyền của Joe Biden đã buộc những người nhập cảnh lậu vào Mỹ khó xin tị nạn hơn và phải ở lại Mexico lâu hơn. Vào tháng 7, hai tháng sau khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý nối lại hợp tác về các vấn đề di cư, Mỹ đã gửi 116 công dân Trung Quốc về nước trên chuyến bay trục xuất lớn đầu tiên kể từ năm 2018. “Tất cả các chính sách đều đang thay đổi”, bà Chen cho biết. “Tất cả những gì tôi quan tâm là phải nhanh lên, tiến về phía trước, đi nhanh hơn nữa”.
Phần 3: Jacumba Hot Springs
Những người di cư Trung Quốc đến được biên giới phía bắc của Mexico phải đi qua bức tường biên giới của Mỹ. Ở đây, họ cũng có nhiều lựa chọn. Có người bắc thang của bọn buôn lậu trèo qua. Có người tìm hàng rào và chỉ cần cắt một lỗ [để chui qua]. Ở những khu vực gồ ghề hơn thì chỉ có một sợi dây thép thay vì hàng rào nên có thể chui phía dưới hoặc nhảy qua. Họ thường vượt biên vào ban đêm. Khi mặt trời mọc, những người di cư vượt biên được sẽ đi bộ qua bãi cát theo hướng Jacumba Hot Springs, một thị trấn có chưa đến 1.000 cư dân ở miền nam California. Khi chúng tôi đến thăm vào tháng 7, mỗi ngày có hàng chục người di cư Trung Quốc đi qua đây.
Khi đã đến Mỹ, những người di cư tìm đến Biên phòng để tự nộp mình và xin tị nạn. Sau đó, họ được đến một trung tâm giam giữ. Luật tị nạn của Mỹ cho phép bất kỳ ai có mặt tại quốc gia này nộp đơn xin bảo vệ nếu họ có nguy cơ bị đàn áp. Bước đầu tiên thường là sàng lọc “nỗi sợ đáng tin cậy” nhằm đánh giá xem họ có sợ trở về quốc gia quê hương hay không. Những người di cư không vượt qua được sẽ bị đưa vào danh sách trục xuất và bị giam giữ tới sáu tháng. Nhưng sau đó, nhiều người được thả cho đến khi chính phủ có thể thuyết phục Trung Quốc tiếp nhận họ trở về, điều mà Trung Quốc vẫn còn ngần ngại cho đến gần đây.
Những người vượt qua vòng sàng lọc ban đầu sẽ được cấp ngày xét xử và được thả ra. Theo Bộ Tư pháp, những người Trung Quốc nộp đơn đã được cấp quyền tị nạn với tỷ lệ 55% trong 12 tháng tính đến tháng 10 năm 2023. Nhưng Bộ này được cho là có số lượng tồn đọng hơn một triệu hồ sơ với hơn 32.000 trường hợp liên quan đến người di cư Trung Quốc. Trung bình, những người xin tị nạn phải chờ hơn ba năm rưỡi để được xét xử. Trong thời gian chờ đợi, họ có thể ở lại Mỹ. Sau sáu tháng, họ có thể xin giấy phép lao động.
Nhiều cư dân của Jacumba Hot Springs không hài lòng về tình hình này. Kali Kai Braun, người trông coi một câu lạc bộ bắn súng gần biên giới, cho biết ông đã thấy xe tải của những kẻ buôn người thả người di cư xuống gần như mỗi ngày kể từ giữa năm 2023. The Economist đã chứng kiến hàng chục người di cư trong số này đã chạy qua khuôn viên của câu lạc bộ. Ông Braun tin rằng nhiều người di cư Trung Quốc không phải là người xin tị nạn hợp pháp. Ông đã vẽ dòng chữ “Fukk you, Chinese Communist Party” bằng tiếng Quan Thoại trên một con sư tử đá nhỏ. Ông nói rằng đó là một thông điệp gửi đến những người lính hoặc điệp viên Trung Quốc.
Không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đang gửi quân đội đến Mỹ như ông Trump tuyên bố. Một lời phàn nàn hợp lý hơn là nhiều người xin tị nạn Trung Quốc thực chất là những người di cư kinh tế. Nhưng một số người thực sự lo lắng về việc bị đàn áp. Wang Jun, một nhà bất đồng chính kiến 34 tuổi, từng bị giam giữ hơn ba năm tại Trung Quốc vì “chống phá nhà nước” sau khi gia nhập một nhóm ủng hộ dân chủ. Anh được thả vào năm 2020 nhưng vẫn bị giám sát. Năm 2023, anh nghe nói về Darién Gap và quyết định đi thử. Sau khi bị chặn tại một số sân bay ở Trung Quốc, anh đã trốn thoát qua biên giới đường bộ ở phía nam. Ở miền bắc Mexico, anh bị những kẻ buôn người, quan chức và thậm chí cả những người di cư khác tống tiền. Anh vô cùng vui mừng khi đến được Mỹ.
Tuy nhiên, Wang đã không vượt qua được cuộc phỏng vấn. Anh cho biết viên chức tị nạn không muốn xem các tài liệu chứng minh anh đã ngồi tù vì quan điểm chính trị. Wang đã bị giam mấy tháng, nhưng sau đó anh đã có thể kháng cáo lệnh trục xuất với sự giúp đỡ của các nhà hoạt động và các tổ chức phi chính phủ. Mei Zhou, một luật sư di trú tại Los Angeles, cho biết bà đã gặp nhiều người di cư Trung Quốc bịa ra những câu chuyện về sự đàn áp. Điều đó làm tổn thương những người xin tị nạn chính trị thực sự. Bà cho biết các thẩm phán di trú gặp quá nhiều “người kể chuyện bịa” sẽ trở nên hoài nghi hơn và từ chối những người thực sự cần được bảo vệ.
Phần 4: Công viên Monterey
Anh Wang cuối cùng đã định cư tại một khu vực gần Monterey Park, một vùng ngoại ô của Los Angeles rất phổ biến với người di cư Trung Quốc. Fatty Ding Plaza ở đây nổi tiếng trên mạng xã hội vì là một cửa hàng đáp ứng cho tất cả các nhu cầu của người mới đến. Trung tâm thương mại xuống cấp này có các nhà hàng, nơi mua thẻ SIM và khách sạn cung với giá phòng chỉ 15 đô la một đêm. Quan trọng nhất là nơi này có các công ty môi giới việc làm trong các nhà kho và xây dựng. Không cần giấy phép lao động. Nhưng những người di cư thường kiếm được số tiền dưới mức lương tối thiểu.
Một người tự xưng là Tom (theo tên diễn viên yêu thích của anh ta là Tom Cruise) nói với The Economist rằng anh đã thử ba công việc trong vòng 40 ngày kể từ khi anh đến Mỹ. Công việc mới nhất của anh là làm thợ máy phụ và được trả 100 đô la một ngày cho mười hai giờ lao động không nghỉ. Tuy nhiên, Tom không hối hận khi đến Mỹ. “Miễn là làm việc chăm chỉ thì sẽ có cơ hội”, anh nói. “Ở Trung Quốc, sẽ không có cơ hội ngay cả khi làm việc chăm chỉ”. Anh hy vọng sẽ xin được giấy phép lao động sau sáu tháng và cuối cùng đưa vợ con đến Mỹ.
Ah Gan và Ah Zhen cũng có cảm giác tương tự. Họ đã đi từ Mexico City đến Tijuana, họ thuê một kẻ buôn người ở đó để đưa hai vợ chồng cùng hai con qua biên giới. Vào tháng 8, họ đến California, đúng ba tháng sau khi rời Trung Quốc—và nghèo hơn nhiều so với khi họ bắt đầu cuộc hành trình. Khi chúng tôi gặp họ vào tháng 9, họ đang thuê một ngôi nhà nhỏ ở San Jose. Trong khi chờ đợi phiên điều trần xin tị nạn, Ah Zhen nhận việc giao bưu kiện, một công việc không chính thức mà cô tìm được thông qua một ứng dụng của Trung Quốc. Ah Gan đang tìm một bác sĩ để kiểm tra thị lực. Và họ đang cố gắng thu xếp cho con vào học ở một trường học địa phương. Không dễ dàng gì và cũng không rõ cuộc sống mới này ở Mỹ sẽ kéo dài được bao lâu. Nhưng cả bốn người đều nói rằng chuyến đi là “đáng giá”.
Trong số tất cả những người di cư mà The Economist gặp trên đường, chỉ có một số ít đến được Mỹ. Ba chị em nhà Huang vẫn giữ liên lạc từ tháng 6 đến giữa tháng 7, khi họ nói rằng họ đang trên đường đến Tijuana. Sau đó, họ ngừng trả lời tin nhắn. Anh Lu, chàng trai trẻ đến từ Vũ Hán, đã vượt biên giới Mỹ -Mexico, theo một người bạn cho biết họ đã bị giam cùng nhau tại nhà tù Mỹ. Nhưng anh Lu vẫn chưa được thả. Anh Wang hiện đang sống trong một ngôi nhà với năm người bất đồng chính kiến khác, tất cả đều đã vượt qua Darién Gap vào năm ngoái và có phiên điều trần xin tị nạn được lên lịch vào năm 2025 hoặc 2026.
Những gì đang diễn ra giống với tình hình cách đây hơn một thế kỷ, khi tiền thân của lực lượng tuần tra biên giới Mỹ được thành lập. Vào thời điểm ban đầu, các tuần tra viên chủ yếu truy đuổi những người di cư từ Trung Quốc đang tìm cách lách Đạo luật Loại trừ Người Trung Quốc, đạo luật quan trọng đầu tiên hạn chế nhập cư vào Mỹ. Vào thời điểm đó, hành trình từ Trung Quốc đến Mỹ cũng nguy hiểm và tốn kém. Nhưng những người di cư thời đó cũng tin rằng họ sẽ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn ở California và những nơi khác.
Sự khác biệt lớn là bây giờ Trung Quốc không còn là một quốc gia nghèo đói, bất ổn như trước đây nữa. Ngày nay, Trung Quốc tự hào có các phòng nghiên cứu tiên tiến, lực lượng vũ trang hùng mạnh và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sự trỗi dậy ngoạn mục của Trung Quốc lên vị thế siêu cường đã khiến lãnh đạo của nước này tràn đầy tự tin. Trong nhiều năm, Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang suy tàn. Ông ta tuyên bố rằng hệ thống kinh tế và chính trị của Trung Quốc vượt trội hơn so với hệ thống của Mỹ và các đồng minh của nước này.
Vậy thì, hàng ngàn người Trung Quốc bỏ nước đi Mỹ thì sao? Quyết định của họ phản ánh việc toan tính về tuyến đường zouxian: rằng, mặc dù nguy hiểm, nhưng có thể kiểm soát được nhờ vào kiến thức tích lũy được của những người đi trước, có cả một ngành công nghiệp đã phát triển xung quanh nó và việc dễ vượt biên giới phía nam nước Mỹ. Nhưng trong nhiều trường hợp, lựa chọn rời đi của họ cũng là một bản cáo trạng về sự cai trị của Tập Cận Bình. Trên con đường đến Mỹ, nhiều người di cư Trung Quốc đã nói về tham vọng chưa thành hiện thực. Họ đã từ bỏ giấc mơ Trung Hoa. Bây giờ họ muốn xem nước Mỹ có thể đem đến cho họ những gì.
_______________________
Nguồn: The Economist How to escape from China to America