Việt Nam Thời Báo

VNTB – Xáo trộn tên gọi, địa giới hành chính là theo lệnh của Bộ Chính trị

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Nghị quyết số 18-NQ/TW được xem là căn cứ pháp lý cho hàng loạt xáo trộn ranh giới và tên gọi hành chính ở các địa phương trên phạm vi toàn quốc.

 

Cái tên đất, tên làng gắn chặt với truyền thống gia đình, dòng tộc, vùng miền; là sợi dây liên kết và hình thành văn hóa làng qua bao đời; và sức mạnh của làng xã hợp thành sức mạnh quốc gia, dân tộc.

Lệnh ban hành của Tổng bí thư

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017, về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Văn bản này được xem là căn cứ pháp lý cho hàng loạt xáo trộn ranh giới và tên gọi hành chính ở các địa phương trên phạm vi toàn quốc.

Tiếp sau nghị quyết trên là Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030. Văn bản này do Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành.

“Ở cấp độ tổ dân phố và khu phố, nghe qua tưởng rất đơn giản nhưng thực tế có rất nhiều băn khoăn. Đặc biệt, việc sắp xếp này kéo theo việc chúng ta phải sắp xếp lại các chi bộ hoặc là đảng bộ tại các cơ sở. Quá trình thực tế, chúng tôi đi cơ sở, có rất nhiều cô chú, các đồng chí đảng viên bày tỏ tâm tư. Qua khảo sát, tỷ lệ đồng ý của người dân cũng chỉ vào khoảng 70%. Mặc dù trên 50% nhưng mà cũng có những người không đồng tình, chưa đồng tình hoặc còn băn khoăn”, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, đã nhìn nhận như vậy.

Thiếu tướng Trần Đức Tài – Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho rằng, sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn có thuận lợi là không thay đổi địa giới hành chính, nhưng sẽ có thay đổi về cơ cấu dân cư, từ đó ít nhiều làm xáo trộn đời sống, sinh hoạt của người dân.

Theo quy định, việc sắp xếp căn cứ vào số hộ và số khẩu ở từng khu phố, ấp, song theo Thiếu tướng Trần Đức Tài, cần tính toán thêm số người thực tế lưu trú, tránh sắp xếp khu phố, ấp một cách cơ học. Bởi, thực tế có những địa bàn như huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn hay quận Bình Tân và một số địa bàn có khu công nghiệp, lượng người lưu trú nhiều hơn thường trú.

“Dân số có biên độ dao động nhất định. Cho nên từng nơi, từng địa bàn tùy thuộc vào nhân khẩu thực tế cư trú, chứ không chỉ lấy tiêu chí nhân khẩu thường trú để sắp xếp, bố trí nhân sự. Để làm sao, ban điều hành của trưởng khu phố, ấp đủ sức cùng với lực lượng công an đảm bảo an ninh trật tự”, Thiếu tướng Trần Đức Tài phân tích.

Một vấn đề khác là giải quyết công sản và cán bộ, nhất là thành phần không chuyên trách, dôi dư sau sắp xếp cũng đang là vấn đề lớn. Nhiều nơi đã vướng phải chuyện này, rất lúng túng. Ví dụ như tại Quảng Ngãi, sau khi sáp nhập huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng vào năm 2020, nhiều công sở bị bỏ phế hơn 3 năm qua, ước tính trị giá ban đầu 516 tỷ đồng, nay đã xuống cấp, hư hỏng, không bán đấu giá được; đời sống của người dân huyện miền núi Tây Trà cũ vẫn khó khăn, khoảng 40 nhân sự dôi dư không biết bố trí vào đâu.

Hẳn là 56 tỉnh – thành trên toàn quốc cũng đã nhìn thấy trước vấn đề, nhưng làm cách nào để không phải nếm “bài học Quảng Ngãi” thì không dễ tìm đáp án cho nan đề này.

Bế tắc về tên gọi khi sắp xếp

Góc nhìn khác, theo ý kiến của luật gia Nguyễn Thị Sơn (Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý & Kinh doanh Quốc tế – IBLA International Business & Law Academy) thì, “Đọc trên mạng xã hội và các trang FB đang nói về tỉnh nọ, tỉnh kia tách và nhập. Không chỉ là thay đổi tên, thay đổi làm mất đi vẻ đẹp văn hóa một thời (càng cổ kính, càng có giá trị), mà nó tạo ra nhiều sự nhiêu khê, phức tạp trong quản lý kinh tế xã hội và cũng làm tốn kém thời gian, tiền bạc của người dân…”.

Một đơn cử cho sự xáo trộn này, ghi nhận từ giới truyền thông cho biết người dân xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho rằng việc lấy tên địa danh sau sáp nhập chưa phù hợp và ảnh hưởng đến cuộc sống bà con. Trước đó ngày 4-4-2024, tại Kỳ họp thứ 12 (chuyên đề) – Hội đồng nhân dân huyện Trấn Yên khóa XXI đã “nhất trí cao việc sáp nhập xã Đào Thịnh với xã Việt Thành thành xã Thành Thịnh”.

Một giáo viên đã nghỉ hưu tại xã Đào Thịnh cho biết: “Gia đình chúng tôi hoàn toàn tán thành đề án của UBND huyện Trấn Yên đưa ra ngày 4-2 khi để tên hai xã sau khi sáp nhập là Đào Thịnh và trụ sở làm việc đặt tại xã Việt Thành. Nhưng đến ngày 31-3, chúng tôi lại được họp báo và nghe quán triệt việc lấy tên mới là Thành Thịnh. Chúng tôi thấy lạ là sao việc đổi tên xã lại diễn ra nhanh vậy trong khi dân chưa được biết và thảo luận mà đã yêu cầu phải đồng ý với tên xã mới”.

Theo ý kiến của người dân xã Đào Thịnh, địa phương là nơi phát hiện “Thạp đồng Đào Thịnh” có niên đại hàng ngàn năm. Bảo vật này gắn liền với lịch sử và văn hóa của đất nước. Vì vậy, người dân chỉ muốn giữ lại tên xã, giữ lại một phần lịch sử để thế hệ sau được biết.

Ở chiều ngược lại, ông Trần Ngọc Thư – Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: “Lúc trước, chúng tôi thử dự thảo giữ nguyên tên là Đào Thịnh, rất nhiều người dân xã Việt Thành đã không đồng thuận. Tuy nhiên khi để là Việt Thành thì người dân Đào Thịnh cũng không đồng ý…”.

Tình cảnh tương tự cũng xảy ra ở huyện Quỳnh Lưu, xã Quỳnh Đôi, tỉnh Nghệ An khi sáp nhập xã Quỳnh Hậu, dự kiến tên xã mới là Đôi Hậu; sáp nhập xã Quỳnh Mỹ và Quỳnh Hoa, dự kiến tên xã mới là Hoa Mỹ; sáp nhập xã Quỳnh Lương và Quỳnh Minh, dự kiến tên xã mới là Minh Lương; sáp nhập xã Sơn Hải và Quỳnh Thọ, dự kiến tên xã mới là Hải Thọ; sáp nhập xã Quỳnh Long và Quỳnh Thuận, dự kiến tên xã mới là Thuận Long…

“Quỳnh Đôi là tên làng, tên xã đã có từ cách đây hàng trăm năm, gắn liền với truyền thống văn hóa, khoa bảng của nhiều thế hệ, đã trở thành một địa chỉ nổi tiếng, do đó người dân muốn giữ lại tên xã này. Tuy nhiên, người dân Quỳnh Hậu cũng có nguyện vọng giữ lại tên xã hiện nay, nên huyện đã chọn phương án… dung hòa là Đôi Hậu”, ông Hồ Bảo Thông – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), giải thích.

Nhiều người dân phản ứng tên xã mới Đôi Hậu, cho rằng không phù hợp, có tính chất hài hước…

Thậm chí chọn giải pháp trung dung hơn bằng việc kết nối hai địa danh sau khi nhập một phần như ở Hà Nội, phường Trung Tự vào Phương Liên, phường mới có tên là Phương Liên – Trung Tự. Sau khi nhập Quốc Tử Giám và Văn Miếu thành phường mới, tên đơn vị hành chính mới là Văn Miếu – Quốc Tử Giám…, được cho là khi ghép quá dài, sẽ gây khó cho người dân lúc ghi địa chỉ trên các giấy tờ thủ tục hành chính.

Thị trấn Diên Khánh của thành phố biển Nha Trang cũng hăm he bị xóa tên bất chấp lịch sử hình thành đã 230 năm.


Tin bài liên quan:

VNTB – Trước khi tôn trọng sự thật, hãy tôn trọng thông tin (*)

Phan Thanh Hung

VNTB – Chính khách Võ Văn Thưởng thiếu thận trọng ngoại giao?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Thiên hạ luận: Ới ông Phúc ơi…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo