Thới Bình
(VNTB) – Chiều rộng lòng sông Sài Gòn dành cho lưu thông hai chiều còn lại rất ít, chỉ vừa đủ sát nút cho khoảng cách an toàn giữa các phương tiện
Giới trung chuyển hàng container bằng sà lan phản đối ý kiến xây dựng các đảo nổi trên sông Sài Gòn, đoạn kết nối với Thủ Thiêm.
Sà lan container là một phương thức vận chuyển hàng hóa bằng cách sử dụng phương tiện sà lan trên tuyến đường thủy nội địa. Điều này có nghĩa là container chứa hàng hóa được nâng lên, và di chuyển trên sà lan để vận chuyển trên các con sông, kênh, hồ lớn và các đoạn nước nông.
Vận chuyển container bằng sà lan được ghi nhận là một phương thức quan trọng trong lãnh vực vận tải hàng hóa, giúp tối ưu hóa quá trình vận tải trên đường thủy nội địa. Với công suất lớn và hiệu suất cao, sà lan có khả năng xử lý một lượng lớn container nhanh chóng. Từ đó cải thiện tốc độ và hiệu quả của ngành vận tải.
Hạn chế của sà lan là nếu mang so sánh với xe tải và tàu biển, thì sà lan có tốc độ di chuyển chậm hơn. Do kích thước lớn và tốc độ chậm, sà lan gặp hạn chế khi tương tác với các phương tiện thủy khác. Điều này làm cho việc điều khiển và đối phó với tình huống khẩn cấp có thể khó khăn.
“Chính thực tế đó nên khi gặp nhiều chướng ngại nổi trên sông, việc điều khiển sà lan container dễ đối mặt rủi ro về va chạm luồng lạch. Tôi nghĩ cần hết sức thận trọng với ý tưởng xây dựng các đảo nổi trên sông Sài Gòn vì mục tiêu làm đẹp cảnh quan Thủ Thiêm. Hãy để không gian nước và tăng diện tích trồng cây hai bên bờ sông Sài Gòn thì tốt hơn làm các đảo nổi”, một tài công sà lan của cảng Cát Lái, ý kiến.
Theo phân tích của vị tài công này thì giới quy hoạch cần hiểu rõ rằng sà lan có ba loại chính, thứ nhất là sà lan không động cơ, tức một loại sà lan không có động cơ riêng, và thường phải được kéo bởi tàu kéo hoặc đẩy tàu đẩy. Với đặc tính ấy nên thường được sử dụng để vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường thủy nội địa và kênh.
Thứ hai là sà lan tự hành, còn được gọi là ponton. Loại này được trang bị động cơ riêng, cho phép sà lan tự di chuyển, và thường không cần phụ thuộc vào tàu kéo hoặc tàu đẩy. Sà lan động cơ thường được sử dụng cho các quãng đường vận chuyển ngắn và tải trọng nhẹ hơn.
Thứ ba là sà lan há miệng. Loại này có thiết kế cho phép mở phần trên của sà lan. Nhằm tạo điều kiện xếp dỡ hàng hóa lớn và cồng kềnh dễ dàng hơn. Sà lan há miệng thường được sử dụng cho các mặt hàng có kích thước lớn hoặc không thể đặt trong container. Ví dụ như hàng hóa cồng kềnh máy móc công nghiệp, thiết bị xây dựng, hàng rời cát, đá, than, ngũ cốc,…
Hiện tại đang có đề xuất làm đảo vườn, một ý tưởng được nêu tại báo cáo quy hoạch phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn – TP.HCM do Viện Quy hoạch vùng Paris (Pháp) cùng Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đồng tác giả.
Theo nhóm nghiên cứu, bến Bạch Đằng, Khánh Hội và ven sông Thủ Thiêm sẽ trở thành những địa điểm hàng đầu trong khu vực đô thị này.
Nhóm đề xuất phát triển ở đây một số loại “bậc thang kiểu Nhật” dưới dạng “đảo vườn” nổi hoặc cố định, được liên kết với nhau và nối với bờ bằng cầu dành cho người đi bộ. Quá trình tái tạo đô thị tích hợp được cho rằng sẽ không chỉ mang lại các hoạt động mới, mà còn cung cấp không gian mới cho cây xanh và người đi bộ, cùng với tuyến xe điện chạy dọc bờ sông. Điều này không chỉ làm khu vực lõi của đô thị trở nên hấp dẫn và đáng sống hơn, mà còn giúp ứng phó với các đợt nắng nóng và thủy triều cao trong tương lai.
Ngoài chuyện của giới vận tải sà lan container, thì luồng ý kiến phản đối khác cho rằng đảo nổi xây tại khu vực sông này không mang lại nhiều giá trị về môi trường mà thậm chí còn mang tác dụng ngược, trở thành nguồn ô nhiễm mới cho dòng sông. Những hoạt động bán hàng quán, sinh hoạt của con người chắc chắn sẽ gây nguồn phát thải. Đồng thời, thu hẹp lòng sông thì giao thông đường thủy ngược sông Sài Gòn đi lên sẽ ảnh hưởng.
Thực tế chiều rộng lòng sông Sài Gòn dành cho lưu thông hai chiều còn lại rất ít, chỉ vừa đủ sát nút cho khoảng cách an toàn giữa các phương tiện. Đó là còn chưa kể tới khoảng cách cần thiết để tàu thủy tránh những phao định vị trên sông.
Xin nhớ, sông Sài Gòn trong lịch sử 300 năm nay vốn là con sông nhộn nhịp tàu thuyền, nổi bật với hoạt động bến cảng cũng là nhờ lòng sông rộng, thoáng. Đó mới là giá trị nhận diện của Sài Gòn.