Hoài Nguyễn
(VNTB) – Phía Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tiếp tục đưa ra yêu cầu “kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”.
Theo quy định của ILO (Công ước số 98), một trong những yếu tố tiên quyết cần được đặt lên hàng đầu để công đoàn hoạt động hiệu quả là sự độc lập về tài chính với người sử dụng lao động.
Tổ chức đại diện tập thể người lao động do người lao động tự lập nên, tự chi trả kinh phí hoạt động, vậy nên chỉ khi nào công đoàn được tồn tại, được hưởng lợi từ người lao động thì tổ chức đại diện mới sống với cuộc sống của người lao động mới toàn tâm toàn ý phục vụ người lao động.
Như vậy, vấn đề không phải là chăm chăm quanh con số 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và 1% tiền lương của người lao động, mà cần sửa đổi quy định của pháp luật hiện hành sao cho đảm bảo tổ chức và thành viên của công đoàn độc lập về tài chính, qua đó công đoàn mới có thể hoạt động hiệu quả. Khi ấy, việc tự nguyện thành lập các loại tổ chức công đoàn cơ sở, quyền tự do lựa chọn, gia nhập bất kỳ một tổ chức công đoàn nào của người lao động sẽ không còn là điều quá xa lạ. Đó cũng chính là việc đáp ứng đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn cuộc sống, một trong những động lực của sự phát triển xã hội.
Tuy nhiên với thực tế ở Việt Nam tiếp tục là thể chế độc đảng chính trị, thời gian tới, cần hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan theo yêu cầu dung hòa, để bảo đảm cho Việt Nam có thể vẫn thực hiện tốt các cam kết quốc tế liên quan đến lao động, phát triển bền vững, đồng thời vẫn đảm bảo được mục tiêu ổn định thể chế chính trị của đất nước.
Theo đó, các quy định về vai trò, địa vị pháp lý của tổ chức công đoàn sẽ phải thay đổi cho phù hợp, tránh để trùng lặp, mâu thuẫn với tổ chức của người lao động sẽ được thành lập tới đây theo các cam kết quốc tế. Hoặc sẽ phải được sửa đổi theo hướng tăng cường khả năng cạnh tranh lành mạnh giữa hai loại tổ chức này, để qua đó có thể thu hút được nhiều hơn sự tham gia tự nguyện của người lao động. Đây là một vấn đề rất khó, đôi khi cần cả sự dũng cảm và linh hoạt trong quan niệm về vai trò, chức năng, bản chất của các thiết chế chính trị, chính trị – xã hội, cũng như cơ chế vận hành của nó ở Việt Nam.
Và từ biện giải kể trên, cho thấy nếu đã gọi là quyền tự do công đoàn, thì dựa trên sự tham gia “tình nguyện” của người lao động, thế thì tại sao phía Tổng liên đoàn lao động Việt Nam vẫn bảo thủ tiếp tục đưa ra yêu cầu bắt doanh nghiệp phải đóng kinh phí bằng 2% quỹ lương cho việc này? Công đoàn bảo vệ người lao động chứ có phải bảo vệ người sử dụng lao động đâu?
Việc thu kinh phí như vậy gần như mang tính chất của một loại thuế/ phí đối với doanh nghiệp.
Nếu lý luận, công đoàn cũng bảo vệ doanh nghiệp là tổ chức trung gian giữa người lao động và doanh nghiệp (không có quy định trong chức năng). Vậy rõ ràng, phải chăng công đoàn phải là một cơ quan nhà nước thì mới có quyền thu phí một cách luật định như thế? Mà những chức năng này đã có một loạt các cơ quan khác như phòng, hội đồng trọng tài, hòa giải viên… lo rồi cơ mà (!?).
Cái phi lý khác là nếu có công đoàn thì đóng phí thì đã đành, song ở Việt Nam lâu nay quy định bất kể không có tổ chức công đoàn cũng phải đóng 2% cho công đoàn cấp trên trực tiếp. Vậy lý lẽ ở đây là gì?