Hoài Nguyễn
(VNTB) – Một trong những nguyên do đã góp phần đẩy bác sĩ phẫu thuật tim Nguyễn Quang Tuấn vào lao lý, là chính sách từ phía cơ quan quản lý.
Về lý do chỉ định bốn gói thầu thay vì đấu thầu tập trung, cựu giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn giải thích là do “trong tình thế cấp bách bệnh viện có nguy cơ đóng cửa vì thiếu vật tư”.
Gác qua cảm xúc của tâm lý cá nhân, cần thẳng thắn nhìn nhận một trong những nguyên do đã góp phần đẩy bác sĩ phẫu thuật tim Nguyễn Quang Tuấn vào lao lý, là chính sách từ phía cơ quan quản lý.
Phiên tòa đang diễn ra theo trình tự sơ thẩm.
Cơ quan truy tố cáo buộc ông Tuấn cho chủ trương sử dụng trước vật tư của các nhà thầu, không báo cáo Sở Y tế Hà Nội về việc này, chỉ đạo cấp dưới hợp thức việc thanh toán bằng việc chỉ định thầu rút gọn với lý do cấp bách, áp đơn giá vật tư trúng thầu ấn định theo giá đấu thầu năm 2016.
Hành vi của ông Tuấn bị kết luận là “can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu” tạo điều kiện cho hai doanh nghiệp “có mối quan hệ quen biết” cung cấp vật tư y tế cho bệnh viện.
“Nếu đợi kết quả đấu thầu tập trung thì cả năm 2017, bệnh viện coi như không có vật tư, như thế bệnh viện có nguy cơ phải đóng cửa, không thể cấp cứu, chữa bệnh cho bệnh nhân”, ông Tuấn lý giải về chủ trương “vay” vật tư y tế của hai công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát.
Toàn bộ trình tự, thủ tục đề xuất chỉ định thầu khẩn cấp được ông Tuấn gửi văn bản báo cáo Sở Y tế, Sở Tài chính Hà Nội và Trung tâm mua sắm công. Giá thầu áp dụng theo kết quả đấu thầu năm 2016. Cựu giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội cho biết trong các văn bản đều thống kê chi tiết số lượng vật tư còn trong kho, số vật tư “vay tạm” hai công ty, số lượng đã sử dụng, dự kiến cần mua…
“Cho dù vật tư thiếu, đồng thời cũng đã báo cáo về việc mượn vật tư thì có đúng quy định không?”, luật sư hỏi.
“Cho dù vật tư thiếu, nhu cầu chữa bệnh cấp thiết, nhưng việc mượn vật tư của doanh nghiệp để dùng trước là sai quy định”, ông Tuấn trả lời và một lần nữa khẳng định “tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm”.
Trong một diễn biến liên quan, ông Tuấn thừa nhận vào các dịp Tết Nguyên đán 2016 – 2017 có được các doanh nghiệp “biếu quà Tết” là 10.000 USD, chai rượu và hộp xì gà. Ông Tuấn cũng thừa nhận các doanh nghiệp này có “hỗ trợ thêm” cho bệnh viện nhưng không nhớ là bao nhiêu.
Ông Tuấn cho biết thêm đã nộp lại toàn bộ số tiền được doanh nghiệp biếu, tổng cộng là 250 triệu đồng. Vợ cựu giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội cũng đã nộp hơn 6 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
Trước đó khi còn được tự do, ông Nguyễn Quang Tuấn từng chia sẻ với báo chí, đại khái rằng, thời điểm 2016, theo phân cấp quản lý, việc giám đốc là người trực tiếp ký các văn bản thủ tục đấu thầu là đúng với chức trách và nhiệm vụ…
“Tôi hoàn toàn tin tưởng giao phó cho những người có chức năng nhiệm vụ cung ứng trang thiết bị vật tư cho bệnh viện thực hiện những công việc liên quan tới công tác đấu thầu, xác định giá…
Do không trực tiếp tham gia điều hành các công việc liên quan tới hoạt động đấu thầu, tôi tự nhận thấy thiếu sót của mình trong trách nhiệm người đứng đầu, đã không hiểu rõ và nắm được hết các sai phạm có thể xảy ra trong quá trình xây dựng giá, kế hoạch, quy trình lựa chọn nhà thầu của cấp dưới.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh các quy định mà theo tôi vẫn còn nhiều khoảng trống về hướng dẫn thực hiện, các bệnh viện vẫn vừa làm vừa học hỏi và vận dụng theo một cách chung mà sau này mới nhận thức ra đó là cách làm chưa chuẩn xác”.
Ông Tuấn đã bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, sau khi chuyển từ bệnh viện Tim Hà Nội sang làm Giám đốc bệnh viện Bạch Mai chưa đầy 2 năm.
Trước tòa, ông Nguyễn Quang Tuấn thừa nhận không có báo giá các mặt hàng, thiết bị và mua sắm chỉ dựa trên việc “đối chiếu giá năm sau với năm trước và đối chiếu các bệnh viện khác, thấp hơn thì mua”. Ông Tuấn thừa nhận việc “chỉ định thầu là sai nhưng bị cáo không còn cách nào khác”. Ông Tuấn nói đến đây thì chủ tọa ngắt lời yêu cầu bị cáo chỉ trả lời “đúng, sai” theo câu hỏi, phần trình bày sẽ dành ở phiên tranh luận sau.
Khi được hỏi có ý kiến gì với kết quả thẩm định giá, ông Tuấn ngập ngừng một lúc rồi trả lời “rất khó nói”. Cựu giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội trần tình rằng nếu coi kết quả thẩm định giá là giá thị trường “thì không hợp lý”, vì rất thấp so với giá mua thời điểm đó.
Tuy nhiên ông Tuấn cũng thừa nhận, khi thực hiện các gói thầu, nếu bệnh viện so sánh giá vật tư với bảng giá thị trường thì “sẽ không phát sinh sai phạm”. Bởi thế ông Tuấn nói mình “có trách nhiệm chính cao nhất trong vụ án này”…
“Việc tự chủ tự thu tự chi, tổ chức đấu thầu theo những quy chế phức tạp nếu không làm tốt, không nắm vững các quy định có thể mắc phải sai lầm. Bên cạnh đó, các công ty dịch vụ, bán trang thiết bị có nhiều mánh khóe nếu người lãnh đạo không tỉnh táo, không am hiểu về quản lý tài chính thì có thể xảy ra vi phạm quy chế đấu thầu”, một chuyên viên của Bộ Y tế nhìn nhận như vậy.
…Đồng ý là với pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng. Nhưng điều gì đã khiến ngành y tế mất đi một bác sĩ giỏi?