VNTB – Xét tuyển học bạ: có hợp lý?

VNTB – Xét tuyển học bạ: có hợp lý?
Diệp Chi

 

(VNTB) – Xét tuyển học bạ đúng là một phương thức nhẹ nhàng, nó giống như mở cửa cho sinh viên vào đại học vậy.

 

Là một trong những “con đường” để vào đại học, xét tuyển học bạ là phương thức tuyển sinh đại học dựa trên kết quả điểm của 3 năm học trung học phổ thông hoặc điểm trung bình lớp 12 theo tổ hợp môn để xét tuyển. Việc xét học bạ giúp giảm bớt áp lực thi cử cho thí sinh. “Đây đúng là một phương thức nhẹ nhàng, nó giống như mở cửa cho sinh viên vào đại học vậy. Như bản thân em, câu chuyện cách đây vài năm, đăng ký nguyện vọng 1 là trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, kết quả là rớt. Và trường cũng không nhận học bạ của hệ giáo dục thường xuyên. Dự tính năm sau thi lại, nhưng rồi, một năm bỏ, nói thiệt là em cũng chẳng còn nhớ kiến thức được bao nhiêu. Cuối cùng nhờ vào cái gọi là nghĩa vụ công dân, đã giúp em quyết tâm nộp hồ sơ vào một trường đại học. Không khó như đại học quốc gia, trường này nhận học bạ trung học hệ giáo dục thường xuyên. Và giờ em là sinh viên, cũng cảm ơn phương thức xét tuyển học bạ”, một sinh viên giấu tên đang theo học tại một trường đại học có 1 cơ sở ở quận 3 chia sẻ.

“Cá nhân mình thì thấy dùng học bạ xét tuyển chưa chắc thể hiện được năng lực của sinh viên. Đơn giản, điểm số trong học bạ, có thể can thiệp chính đạo được mà. Như cái thời mình còn đi học cấp 3, ở một số môn, nếu muốn được điểm cao trong lớp, bạn chỉ cần đi học thêm là xong. Ở đó, bạn sẽ được luyện “gà” trước những bộ đề thi mà sáng mai bạn kiểm tra. Và thế là bạn được điểm cao. Điều đó là không công bằng với những học sinh không đi học thêm. Đó là chưa kể đến vấn đề giữa thi trong lớp, thậm chí là thi học kỳ nó cũng sẽ khác so với những kỳ thi tầm cỡ như đại học. Đại học được canh gác nghiêm ngặt hơn nhiều, nếu muốn sử dụng phao hay hỏi bài người khác cũng sẽ khó khăn hơn”, anh Minh, cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM chia sẻ suy nghĩ.

Cũng từng là sinh viên, với Huy, cựu sinh viên trường Bách Khoa thì: “Đúng là thêm phương thức xét tuyển, cánh cửa đại học sẽ mở rộng hơn cho các bạn. Cái phổ cập kiến thức cũng sẽ được rộng hơn. Nhưng việc quá nhiều người vào, rồi quá nhiều người ra, sẽ dẫn đến tình trạng thầy nhiều hơn thợ. Đó là chưa nói đến cái việc, theo kinh nghiệm cũng như mình quan sát, có bạn sinh viên mới ra trường, nghĩ mình có tấm bằng đại học, đòi này đòi nọ, trong khi thực tế thì chưa bằng người khác. Góp ý thì tự ái, khăng khăng mình đúng. Mình thì thiên về đào tạo chất lượng nhiều hơn số lượng”.

“Kết quả học bạ phụ thuộc vào cách đánh giá của giáo viên, nhà trường. Mỗi nơi đánh giá mỗi kiểu. Xét tuyển học bạ là phương thức giúp các em vào đại học dễ hơn nhưng đúng là nó không thể hiện đúng hết với năng lực của các em”, là một phụ huynh, ông Tài (đã đổi tên), chia sẻ suy nghĩ. 

Theo thông tin ghi nhận ở một số trường đại học công lập đã công bố phương án tuyển sinh 2024, phương thức xét kết quả học bạ dần “hẹp” lại, khi các trường đặt ra thêm điều kiện, giảm chỉ tiêu hoặc bỏ hẳn cách xét tuyển này. Một số trường đại học thu hẹp xét tuyển bằng học bạ vì cho rằng kết quả này không đồng đều, khó tuyển chọn thí sinh giỏi.

Theo thông tin từ báo chí, thay vì giảm chỉ tiêu hay đặt thêm điều kiện, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) năm nay bỏ tuyển sinh bằng học bạ. Các năm trước, trường thường dành 10-15% chỉ tiêu cho phương thức này, áp dụng với học sinh giỏi ở trường chuyên.

“Điều này thì không có mới, năm mình thi không có xét học bạ gì cả. Kỳ thi cũng được chia ra rạch ròi là tốt nghiệp và đại học. Tuy phải thi hai lần, nhưng mình nghĩ nó xác định đúng hơn về chất lượng, về vấn đề sinh viên có phù hợp với cái ngành đăng ký học hay không! Bởi vì có 1 thực tế, nếu không đủ sức, không đủ đam mê thì khi bước vào năm 1, đã phải đổi ngành đổi trường như nhiều người bạn của mình. Làm vậy rất mất thời gian và tiền bạc”, anh Minh nói tiếp:

“Cũng mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có biện pháp nào đó để các trường không phải chịu sức ép dưới hai chữ học bạ…”.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)