Việt Nam Thời Báo

VNTB – Xét xử độc lập để công bằng trong tranh tụng

Trần Thành

 

(VNTB) – Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng.
Nhóm Tư vấn Luật của Hội Nhà báo độc lập, trong phạm vi bài viết này, xin đề cập đến Điều 20 “Đảm bảo tranh tụng, công bằng trong xét xử” trong dự thảo BLTTHS. Và để có được “công bằng trong xét xử”, thì cần đến “Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, như đề cập ở Điều 16 của dự thảo BLTTHS.
Ai bảo vệ “sinh mạng chính trị” cho thẩm phán?
“Điều 16: Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Đây là một quy định nhằm đảm bảo sự vô tư, khách quan của Hội đồng xét xử; nhằm loại bỏ sự can thiệp của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác xét xử của Thẩm phán Hội thẩm.


Khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Để cụ thể hóa rõ hơn, về quy định này của Hiến pháp, đề nghị cần bổ sung vào Điều 16 quy định: “Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào”.

Mặt khác, các hành vi can thiệp thô bạo vào công tác xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm phải được coi là tội phạm và cần phải được quy định trong Bộ luật hình sự.
Để bảo vệ Thẩm phán, Hội thẩm, điều luật cũng cần có quy định xử lý nghiêm những hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, đe dọa, khủng bố tinh thần hoặc gây sức ép, cản trở hoạt động xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm. Các hành vi lăng mạ, xúc phạm, không tôn trọng Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa cần phải bị xử lý nghiêm khắc.
Tranh tụng không chỉ ở phiên tòa
Tranh tụng có nghĩa là sự kiện cáo lẫn nhau giữa các bên có quan điểm đối lập. Đây là một thuật ngữ được ghép bởi hai thuật ngữ “tranh luận” và “tố tụng”.
Tranh tụng tại phiên tòa là việc đối đáp, đưa ra những chứng cứ để phản đối, không đồng tình hay bác bỏ quan điểm buộc tội hoặc gỡ tội của bên kia, đồng thời bảo vệ quan điểm của mình là có căn cứ, đúng pháp luật. Tranh tụng tại phiên tòa được bắt đầu từ khai mạc phiên tòa vì ngay trong phần thủ tục phiên tòa đã có sự đối đáp, đặt ra các yêu cầu của các bên. Ví dụ như yêu cầu Tòa án triệu tập thêm người tham gia tố tụng, đưa vật chứng ra phiên tòa, hoãn phiên tòa hoặc có thể xuất trình cho Tòa án những tài liệu, chứng cứ có thể làm cho phiên tòa phải hoãn hoặc Tòa án phải quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Chẳng hạn, tại phiên tòa, luật sư xuất trình một giấy khai sinh mà theo đó bị cáo chưa đến tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Giấy khai sinh này và giấy khai sinh có trong hồ sơ vụ án tuy cùng một nơi cung cấp nhưng có sự khác nhau về độ tuổi. Không có căn cứ để Tòa án làm rõ tại phiên tòa nên trường hợp này, Tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Như vậy, tranh tụng tại phiên tòa không đồng nghĩa với tranh luận tại phiên tòa. Tranh luận chỉ là một phần của tranh tụng tại phiên tòa và có nghĩa hẹp hơn.
Trong Hiến pháp chỉ quy định bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa (nguyên tắc tranh tụng trong xét xử), nhưng không có nghĩa là nguyên tắc này không thực hiện trong các giai đoạn khác của quá trình tố tụng.
Tranh tụng phải diễn ra suốt quá trình tố tụng
Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam là mô hình tố tụng “pha trộn” giữa xét hỏi và tranh tụng. Khi đã xác định nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự thì phải được hiểu là không chỉ Tòa án mà các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng phải bảo đảm thực hiện nguyên tắc này.
Hiểu theo nghĩa rộng như nói trên thì tranh tụng được bắt đầu từ khi bắt, tạm giữ người vì từ thời điểm này đã có sự tham gia “tranh cãi” của người bào chữa. Tranh tụng được thực hiện trong suốt quá trình tố tụng, tức là từ khi bắt giữ đến xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và cả trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm.
Với những lập luận nêu trên, chúng tôi đề nghị cần bổ sung trong phần chung một điều luật quy định về “Nguyên tắc tranh tụng”:
“Điều… Nguyên tắc tranh tụng
Các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải bảo đảm tranh tụng trong hoạt động tố tụng của mình”.
Cần đoạn tuyệt tư tưởng “án tại hồ sơ”
Trong dự thảo BLTTHS, Điều 20 cũng cần quy định rõ hơn về quyền tranh tụng tại Tòa án là gì và bao gồm những nội dung nào hay Tòa án phải bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa như thế nào.
Căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét toàn diện, đầy đủ, khách quan các chứng cứ, tài liệu, các ý kiến của bên buộc tội, bên gỡ tội, những người tham gia tố tụng và những người được Tòa án triệu tập đến phiên tòa (Điều tra viên, đại diện nhà trường, tổ chức xã hội…) Tòa án ra quyết định hoặc bản án.
Quyết định hoặc bản án của Tòa án phải dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa chứ không phải dựa trên hồ sơ vụ án, vì vậy điều luật này cần có quy định vấn đề này như một nguyên tắc để xóa đi, đoạn tuyệt với tư tưởng “án tại hồ sơ”.

Với những lập luận nêu trên, chúng tôi đề nghị sửa khoản 4 Điều 20 dự thảo BLTTHS thành: “4. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”; không cần phải thêm quy định “Chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa”, hoặc “trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện, khách quan các chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa…”, vì tất cả những vấn đề này đều đã được gói trong “tranh tụng tại phiên tòa” rồi.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo