Lê Tự Do
(VNTB) – Đừng quên Vũ Đức Đam, ngài “tư lệnh tối cao” khi đó của Bộ Y tế và của “trận chiến Covid”.
Một số cán bộ vi phạm đến mức phải xem xét kỷ luật vì liên quan đến kit xét nghiệm Việt Á.
Theo đó, ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số lãnh đạo bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.
Các ông: Chu Ngọc Anh – ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư Thành ủy, bí thư Ban cán sự đảng, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên bí thư Ban cán sự đảng, cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ; Nguyễn Thanh Long – ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Ban cán sự đảng, bộ trưởng Bộ Y tế; Phạm Công Tạc – ủy viên Ban cán sự đảng, thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ; Nguyễn Trường Sơn – ủy viên Ban cán sự đảng, thứ trưởng Bộ Y tế và một số lãnh đạo, cán bộ Bộ Khoa học và công nghệ và Bộ Y tế cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nêu trên; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Không biết rằng với danh sách những cán bộ bị xem xét kỷ luật này, liệu chăng, có đủ nếu thiếu đi cựu trưởng ban phòng chống dịch Covid-19 quốc gia Vũ Đức Đam – người từng được gọi là “theo dõi toàn diện Bộ Y tế” lúc bà Nguyễn Thị Kim Tiến rời ghế Bộ trưởng Y tế?
Theo phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, phó thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác, trong đó có khoa học công nghệ; Y tế, dân số, gia đình và trẻ em….
Ông còn được thay mặt Thủ tướng Chính phủ theo dõi và chỉ đạo: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Thiết nghĩ, nếu cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Y tế đương nhiệm Nguyễn Thanh Long bị truy tố trách nhiệm thì phó thủ tướng đảm nhiệm khoa học – công nghệ lẫn y tế, nên chăng, cũng nên được đưa ra xem xét?
Đó là chưa kể đến, kit xét nghiệm được duyệt nếu không có sự chỉ đạo trực tiếp từ phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong đợt bùng dịch ở miền Nam, thì liệu chăng, sẽ có những đợt truy vết thần tốc, xét nghiệm diện rộng? Nếu không có những điều đó, liệu rằng các địa phương có cần phải mua kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á?
“Nhắc đến đợt bùng dịch ở các tỉnh phía Nam, đúng là không thể không nói đến ông Đam. Ở nhà giãn cách mà, ngoài ăn và ngủ ra, thì tôi theo dõi tin tức rất nhiều. Hình ảnh phó thủ tướng Đam “tả xung hữu đột” chống dịch như chống giặc ở các địa phương gần như xuất hiện thường xuyên. Rồi những phát ngôn “nổi tiếng” của ông Đam thời điểm đó.
Nếu truy trách nhiệm vụ Việt Á, theo tôi nghĩ, nên xem xét cả phó thủ tướng Đam, vì sao ông lại để xảy ra sự việc như thế? Nhất là thời điểm dịch, là trưởng ban phòng chống dịch Covid-19 quốc gia khi đó, ông liên hệ mật thiết với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, làm sao mà nói ông không biết được?
Nếu ông kêu không biết vì không có thời gian. Vậy có phải ông đang tắc trách trong phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng chính phủ?” – một nhà báo truyền hình thắc mắc.
Tựu trung lại, nếu truy cứu trách nhiệm vụ Việt Á, mà không nhắc ngài phó thủ tướng Vũ Đức Đam, dường chừng như là một sự thiếu sót đầy cố tình thời điểm này…