Việt Nam Thời Báo

VNTB – Xử bắn Tạ Vinh

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Tạ Vinh còn sống hay thực sự đã chết cho đến nay vẫn chưa có lời đáp

 

Việt Nam hiện nay dường như cũng có những nhóm tài phiệt đảng viên đang chi phối một nhóm lãnh vực nào đó như vụ y tế hồi đại dịch Covid. Thế nhưng đã không có một vụ án nào tương tự như Tạ Vinh hồi năm 1966.

Tư liệu báo chí ở Sài Gòn cho biết, để ổn định tình hình, ngay sau khi được cử đứng đầu Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã thành lập một “nội các chiến tranh” với nhiều quyết định táo bạo cứng rắn, trong đó nổi bật là việc xử tử hình gian thương Tạ Vinh, một Hoa kiều can tội đầu cơ tích trữ, lũng đoạn thị trường gạo vào tháng 3 năm 1966.

Việc xử tử Tạ Vinh đã diễn ra tại một “pháp trường cát” được dựng lên ở ngay tại trung tâm thủ đô Sài Gòn. Việc hành quyết này cùng với pháp trường cát đã bị truyền thông quốc tế lên án mạnh mẽ khiến cho nó sau đó đã bị dẹp bỏ vào cuối năm 1966.

Việc xử tử Tạ Vinh tại pháp trường cát đã làm cho nhiều người nghĩ rằng pháp trường cát là sản phẩm do Tướng Kỳ lập ra không chỉ để xử tử Tạ Vinh mà còn nhằm để răn đe những tên cộng sản nằm vùng hoạt động khủng bố, phá hoại và cả những tên gian thương đang lũng đoạn kinh tế miền Nam.

Theo báo cáo của “Tổng Đoàn Thanh Niên Trừ Gian”, một tổ chức do Tướng Kỳ thành lập cùng với “nội các chiến tranh” để bài trừ gian thương, tham nhũng; các “xì thẩu” người Hoa là thủ phạm của sự rối loạn thị trường giá cả từ trên xuống dưới. Các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường sữa, vải, xi măng, sắt thép, phân bón,… đều bị họ lũng đoạn mà chính phủ hầu như bất lực không thể kiểm soát.

Nổi giận vì nguồn tin này, Tướng Kỳ ra lệnh cho Tổng Đoàn phải tìm cho ra những nhân vật cụ thể cùng với những hành vi cụ thể về việc lũng đoạn nền kinh tế quốc gia. Báo cáo của Tổng Đoàn sau đó đã nêu ra tên Tạ Vinh, 37 tuổi, một người Hoa gốc Triều Châu, người từng thầu xây dựng các doanh trại cho quân đội Mỹ đã làm giàu bằng cách ăn bớt sắt thép, vật liệu xây dựng bán ra ngoài thị trường, đồng thời còn tích trữ lúa gạo để chờ thời cơ lên giá làm giàu bất chính. Vì báo cáo đó, Tạ Vinh đã bị bắt và số phận của y đã bị định đoạt.

Ngay sau khi tin Tạ Vinh bị bắt loan ra, các “xì thẩu” người Hoa Chợ Lớn mới hiểu rằng không thể đùa với Tướng Kỳ. Ngày 6/3/1966, Tòa án Quân sự Mặt trận Vùng 3 Chiến thuật mở phiên tòa khẩn cấp xét xử chớp nhoáng kết án tử hình Tạ Vinh khiến cho các xì thẩu khác ai nấy đều nơm nớp lo sợ sẽ đến lượt mình.

Vì vậy, họ đã tổ chức họp khẩn cấp 5 bang hội người Hoa và ra quyết định phải hạ ngay giá gạo. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau buổi họp đó, giá gạo đang từ 7,5 đồng/kg đã hạ xuống còn 4 đồng. Mặt khác, họ tìm cách “chạy” cho Tạ Vinh thoát khỏi pháp trường cát nhưng đã không thành công.

Có một đồn đoán rằng khoảng cuối năm 1974, cơ quan Interpol Vietnam của chính phủ đệ nhị cộng hòa có nhận được một văn thư của Interpol Nhật Bản yêu cầu xác minh một người tên Tạ Vinh. Người này là một người Việt gốc Đài Loan liên can đến một vụ lường gạt bán một thửa đất cho hai người khác nhau tại Nhật.

Người Nhật cũng từng biết vụ xử tử Tạ Vinh ở Sài Gòn năm 1966, nên họ muốn biết Tạ Vinh này có phải là Tạ Vinh pháp trường cát năm xưa hay chỉ là một sự trùng tên.

Nhận được lời yêu cầu của Interpol Nhật Bản, Interpol Vietnam đã phối hợp với Cảnh sát Quốc gia Quận 5 – Sài Gòn mở một cuộc hành quân ở Chợ Lớn. Trong lúc giả vờ khám xét tờ khai gia đình nhà vợ con Tạ Vinh, cảnh sát đã thấy có một điểm bất thường là trên bàn thờ của gia đình ở trong nhà đã không có trưng ảnh thờ Tạ Vinh.

Một viên cảnh sát đã làm bộ tò mò hỏi bà vợ “sao nị không để ảnh thờ chồng nị trên bàn thờ”, nhưng bà này xua tay trả lời “đừng có hỏi”. Tiếp tục cuộc điều tra, Cảnh sát Quốc gia đã liên lạc với người cựu Trưởng Toán Hành Quyết để xác minh xem người bị hành quyết tại pháp trường cát năm xưa có đúng là Tạ Vinh hay không. Theo người sĩ quan này, lúc đó trời quá tối và người bị xử tử lại bị bịt mắt nên ông cũng không thể quả quyết; hơn nữa ngay sau khi hành quyết xong thì xác tử tội đã bị di chuyển mang đi ngay.

Rất tiếc, cuộc điều tra của Interpol Vietnam về nghi vấn Tạ Vinh còn đang tiếp diễn thì biến cố ngày 30/4/1975 đã đến khiến cho việc hoài nghi tử tội pháp trường cát Tạ Vinh còn sống hay thực sự đã chết cho đến nay vẫn chưa có lời đáp.

Về sau, khi Tướng Nguyễn Cao Kỳ (1930 – 2011) trở lại Sài Gòn, lúc trà dư tửu hậu, giới báo chí có hỏi Tướng Kỳ về sự thật vụ Tạ Vinh, ông từ chối với lời giải thích, đại khái là, “Tôi đã viết trong hồi ký. Mà thôi, bỏ qua đi”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Thẩm phán phiên toà quyền uy đến đâu?

Do Van Tien

VNTB – Bắt để…

Phan Thanh Hung

VNTB – Phiên tòa giả định… trật chìa

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.