Việt Nam Thời Báo

VNTB – Xử kín nhưng tuyên án thì công khai

xử kín

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Ngày 11-12, dự kiến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và 3 đồng phạm trong vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”. Đây là phiên xử kín.

 

Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: “Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.

Trong vụ án này, ông Nguyễn Đức Chung cùng các bị cáo bị truy tố về tội danh liên quan đến tài liệu bí mật nhà nước. Việc tòa quyết định xử kín có lẽ xuất phát từ yêu cầu cần giữ kín các bí mật này.

Ngoài Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng cần thiết khác, không một ai được ở lại phòng xét xử để dự thính, theo dõi diễn biến phiên tòa trong thời gian xét xử kín, mà chỉ có thể trở lại phòng xét xử để nghe tuyên án công khai nếu là xét xử kín toàn bộ vụ án; hoặc được trở lại phòng xét xử sau khi kết thúc phần xét xử kín của vụ án, để tiếp tục dự thính, theo dõi việc xét xử công khai.

Tuy quá trình xét xử phải kín nhưng mà bản án phải được công khai cho mọi người. Song, bản án cũng thường chỉ được công khai phần quyết định bởi lẽ, việc công bố toàn bộ bản án sẽ trình bày hết các tình tiết vụ án.

Cụ thể, tại Điều 327 – Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã quy định:

“Điều 327. Tuyên án

Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử đọc bản án. Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo”.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ông Chung và vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án xảy ra tại công ty Nhật Cường. Đây cũng là vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Để nắm được thông tin, tài liệu điều tra của vụ án, ông Chung liên hệ và đề nghị Phạm Quang Dũng cung cấp thông tin, tài liệu liên quan. Trong khoảng thời gian từ tháng 07-2019 đến tháng 6-2020, thực hiện đề nghị của ông Chung, Phạm Quang Dũng đã năm lần chiếm đoạt chín tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật” liên quan đến vụ án Nhật Cường.

Trong đó, ông Dũng đã chuyển cho ông Chung hai lần gồm sáu tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật”. Đối với Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc, hai bị cáo này tham gia in, chỉnh sửa ba tài liệu “Mật” cho ông Chung.

Ông Chung và ông Dũng cùng bị truy tố về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, theo khoản 3 điều 337 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 10 đến 15 năm tù. Trong đó, ông Chung được xác định có vai trò chủ mưu.

Hai bị cáo còn lại là Trung và Ngọc bị truy tố cùng tội danh trên, nhưng ở khoản 1 điều 337 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.

Bên lề vụ án với phần xử kín này, ghi nhận ý kiến là các phiên tòa liên quan đến các cáo buộc ở nhóm tội “Xâm phạm an ninh quốc gia”, tuy không thông báo “xử kín”, song diễn biến lại gần như với “xử kín”, trong đó quyền tham dự phiên tòa công khai của thân nhân các bị cáo đã bị xâm phạm, tước đoạt thô bạo.

Đây là hiện tượng hết sức phổ biến xảy ra ở hầu hết các tòa án khi xét xử những án “tù chính trị”. Chánh án tòa án nhân dân các cấp biết rất rõ, nhưng bỏ mặc không có biện pháp xử lý.

Các ông bảo vệ cổng tòa án, lực lượng công an dẫn giải tội phạm giữ gìn trật tự phiên tòa, ngăn cản người dân tham dự phiên tòa thường đưa ra lý do là để giữ gìn an ninh trật tự phiên tòa. Dĩ nhiên đó là bao biện không thể chấp nhận được. Trách nhiệm của những lực lượng này là giữ an ninh trật tự, không được tước bỏ đi quyền của công dân đã được pháp luật quy định.

Quy định phiên tòa xét xử công khai để bất cứ người dân nào cũng có quyền tham dự, đây là một phương thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật sinh động, quan trọng. Và là cách thức để dân chúng kiểm tra giám sát việc tuân thủ pháp luật, áp dụng pháp luật của tòa án.

Rất nhiều người dân có con em là các bị cáo trong vụ án hình sự, nhưng không được tham dự phiên tòa để xem xét tòa án xét xử như thế nào, rất nhiều người dân đành phải đứng ngoài cổng tòa án nhòm ngó vào trong. Họ hiểu rất rõ rằng việc đã bị tước đoạt quyền tham dự phiên tòa, song lại chẳng có nơi nào giải quyết cho việc tước đoạt quyền này.

Còn tệ hơn cả xử kín, lúc gọi là ‘tuyên công khai’, thân nhân của những người bị cáo buộc này cũng vẫn không được quyền dự khán…

Tin bài liên quan:

VNTB – Hồ sơ: Ổ tham nhũng ở Bộ Y tế Việt Nam?

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao vẫn là 2% phí công đoàn?

Phan Thanh Hung

VNTB – Cần có luật về hoạt động của đảng chính trị

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo