VNTB – Xử trí vụ án là trách nhiệm của cơ quan tố tụng?

VNTB – Xử trí vụ án là trách nhiệm của cơ quan tố tụng?

Đông Đô

 

(VNTB) – Tiến hành tố tụng thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra – Viện kiểm sát – Tòa án.

 

Thế nhưng trong làm việc vào chiều 13-6-2024 với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tin tức cho biết Thường trực Ban bí thư Lương Cường đã chỉ đạo ủy ban này tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến vi phạm của Công ty AIC và hệ sinh thái AIC, Vạn Thịnh Phát, Phúc Sơn, Thuận An và các vụ việc mới phát sinh.

“Bốn là, thực hiện nghiêm túc các Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đặc biệt xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến vi phạm của Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và hệ sinh thái AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An và các vụ việc mới phát sinh.

Việc xử lý kỷ luật phải đảm bảo nghiêm minh, kịp thời, không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”. Song, trên tinh thần nhân văn, “trị bệnh cứu người”, mục đích là làm cho tổ chức đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa, tiến bộ hơn, làm tốt hơn.

Phát huy các nhân tố mới, tích cực, bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” – trích lược thuật phát biểu chỉ đạo của Thường trực Ban bí thư Lương Cường.

Trao đổi nhanh về nguyên tắc tố tụng với nhóm luật sư thân hữu trang Việt Nam Thời Báo, được biết nhiều khả năng đây là lần công khai hiếm thấy về chuyện mà lâu nay công luận vẫn nhắc đến là “chỉ đạo án”.

Luật sư Ngô Ngọc Trai (Đoàn Luật sư Hà Nội) từng nêu ý kiến trên một diễn đàn, rằng, “Chẳng phải lâu nay chuẩn mực tư pháp vẫn là độc lập cho tư pháp hay sao? Đúng là như vậy, nhưng nên nhớ rằng tư pháp độc lập là một nguyên tắc đồng bộ trong bộ máy nhà nước được tổ chức theo mô hình tam quyền phân lập với đa nguyên đa đảng.

Đòi hỏi cho tư pháp độc lập mà vẫn dưới chế độ một đảng toàn trị thì cũng chẳng nghĩa lý gì. Và đòi hỏi là một chuyện, còn ở Việt Nam hiện nay mô hình nhà nước kiểu khác, người dân thì vẫn phải sống đã, vẫn phải cần có công lý đã, chứ không thể chờ cho đến khi có cái kia. Và như vậy thì hãy cứ phải chung sống với những chỉ đạo án”.

Vậy thì “chỉ đạo án” của giai đoạn hiện tại của Đảng là “pháp luật phải biết nương tay”, bởi xử trí vụ án không phải chỉ chuyện “thượng tôn pháp luật” mà cần hướng đến “mục đích là làm cho tổ chức đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa, tiến bộ hơn, làm tốt hơn” (!?).

Luật sư Trần Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng về hình thức thì Điều 103, Hiến pháp 2013 ghi thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm. 

Thế nhưng cũng Hiến pháp 2013, tại Điều 2.3 xác định “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”; và tiếp theo đó ở Hiến định tại Điều 4.1, thì Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Do đó việc “chỉ đạo án” như một mệnh lệnh phải thi hành của Thường trực Ban bí thư Lương Cường là lẽ đương nhiên của việc “định hướng” xét xử vụ án hình sự theo nguyên tắc Đảng.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)