Nguyễn Nam (lược thuật)
(VNTB) – Ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Ban Tôn giáo Chính phủ, cho biết Giáo hội phật giáo Việt Nam xác định “Tịnh Thất Bồng Lai” không phải là cơ sở hợp pháp, có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo.
Tin tức cho biết, Vụ Công tác tôn giáo phía Nam Ban Tôn giáo Chính phủ, địa chỉ số 44 Chu Mạnh Trinh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng, Tổ trưởng Tổ Công tác của Bộ Nội vụ, đã có các cuộc thăm và làm việc với đại diện các tổ chức tôn giáo để nắm tình hình, tổng hợp, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét giải quyết các kiến nghị chính đáng, khả thi của các tôn giáo trong thời gian sớm nhất.
Liên quan đến vụ việc gọi là “Tịnh Thất Bồng Lai”, ông Nguyễn Tiến Trọng cho biết đang tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Long An xác minh những việc xảy ra tại đây.
Rộng đường dư luận, và như một ý kiến tham khảo cần thiết đối với Ban Tôn giáo Chính phủ, trang Việt Nam Thời Báo xin trích giới thiệu tóm lược tham luận của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trình bày tại hội thảo: “Phật giáo vùng Nam bộ: Sự hình thành và phát triển”, do Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM tổ chức, với sự phối hợp của trường Đại học Khoa học, xã hội và Nhân văn TP.HCM.
Biên tập viên Nguyễn Nam lược thuật.
Thứ nhất, về phương pháp nghiên cứu, Phật giáo vùng Nam bộ không chỉ được tiếp cận từ góc độ tôn giáo, lịch sử và khảo cổ học mà cần được khai thác qua phương diện văn hóa học, dân tộc học và nhân học để thấy rõ quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo vùng Nam bộ cũng như những tác động và ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống xã hội, văn hóa và tinh thần của các cộng đồng Việt Nam, Trung Quốc và Khmer ở vùng Nam bộ.
Cách tiếp cận liên ngành này sẽ giúp chúng ta phác họa bức tranh toàn cảnh về Phật giáo vùng Nam bộ.
Thứ hai, về trường phái Phật giáo, vùng Nam bộ là sự tiếp biến, dung hợp của Phật giáo Bắc tông người Việt, Phật giáo Bắc tông người Hoa, Phật giáo Nam tông người Việt và Phật giáo Nam tông người Khmer. Trong quá trình mở rộng cương thổ ở Nam bộ, cộng đồng người Việt, người Hoa, người Khmer đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng đặc thù.
Trong lịch sử khẩn hoang Nam bộ, ba cộng đồng người nêu trên đã mang Phật giáo đến vùng đất mới. Điều này góp phần tạo nên diện mạo của Phật giáo vùng Nam bộ, hội đủ các truyền thống Phật giáo Đại thừa (Việt Nam và Trung Quốc) và Phật giáo Thượng tọa bộ (Việt Nam và Khmer).
Các nền tảng triết lý, đạo đức và văn hóa của Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Thượng tọa bộ đã ảnh hưởng tích cực đến đời sống tinh thần của người dân vùng Nam bộ gồm văn hóa, phong tục tập quán, lối sống, tín ngưỡng và các sinh hoạt xã hội.
Nói cách khác, sinh hoạt văn hóa và đời sống tinh thần của người dân Nam bộ phản ánh diện mạo văn hóa Phật giáo dưới hình thức tiếp biến, dung hợp, cộng tồn như một chỉnh thể bất khả phân ly.
Thứ ba, về giáo phái Phật giáo, Phật giáo vùng Nam bộ còn là mảnh đất trù phú, nơi ươm mầm, phát sinh các hệ phái Phật giáo. Hệ phái Phật giáo Hoa tông được hình thành vào nửa cuối thế kỷ XVII theo dấu chân của Trần Thượng Xuyên và Mạc Cửu cùng nhóm di thần phản Thanh, phục Minh Trung Hoa đến tị nạn chính trị ở Chân Lạp, đã mang Phật giáo Trung Hoa đến mảnh đất mới này.
Trong quá trình kế thừa và phát triển, các tổ chức Giáo hội, tổ chức hội và các hệ phái, sơn môn thể hiện sự phong phú, đa dạng đáp ứng được các giá trị và nhu cầu tu học, tín ngưỡng tâm linh cho đa số bộ phận cư dân vùng đất Nam bộ. Đặc biệt là tinh thần yêu nước, đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc bảo vệ tổ quốc qua các giai đoạn của lịch sử.
Thứ tư, vùng Nam bộ là tiền đề phát sanh các tôn giáo mới. Vùng Nam bộ với bối cảnh đa văn hóa và đa tín ngưỡng, làm nơi phát sinh các phong trào tôn giáo mới gồm các tôn giáo có nguồn gốc từ Phật giáo và các tôn giáo chịu ảnh hưởng từ Phật giáo.
Nếu học thuyết phương tiện, tinh thần khai phóng và tự do tư tưởng của Phật giáo làm phát sinh các trường phái, hệ phái giáo phái Phật giáo thì sự tiếp biến văn hóa và tính dung thông trong đạo Phật đã tạo tiền đề cho sự ra đời của một số tôn giáo nội sinh ở vùng Nam bộ.
Nói cách khác, chính văn hóa Phật giáo đã trở thành mảnh đất tinh thần phì nhiêu cho sự hình thành, phát triển và đóng góp của các phong trào tôn giáo mới tại vùng Nam bộ. Thực tế này cho thấy Phật giáo là mạch sống của vùng Nam bộ cần phải duy trì như một di sản văn hóa, mặt khác, cần tiếp tục đổi mới cách hành đạo nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của con người thời đại.
Thứ năm, về phong trào Phật giáo dấn thân. Một trong các đặc điểm quan trọng của Phật giáo vùng Nam bộ là Phật giáo dấn thân (engaged Buddhism), còn gọi là “Phật giáo nhân gian” (人間佛教) theo cách gọi của người Trung Hoa. Sự ra đời của các phong trào Phật giáo dấn thân tại vùng Nam bộ bắt nguồn từ nhu cầu cải cách toàn diện phương thức tổ chức và hành đạo nhằm phát triển Phật giáo, đáp ứng nhu cầu hiện đại của quần chúng nhân dân.
Thứ sáu, các đặc điểm của Phật giáo vùng Nam bộ bao gồm tính tự do tư tưởng, tính thực tiễn, tính cộng tồn, tính dung hợp, tính dân tộc, tính quần chúng, tính hội nhập nhưng không làm mất đi bản chất giác ngộ, giải thoát của Phật giáo truyền thống.
Nhờ tính tự do tư tưởng và thoáng mở, Phật giáo vùng Nam bộ trở thành tôn giáo có nhiều trường phái, hệ phái, giáo phái với các pháp môn tu tập đa dạng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các cộng đồng dân tộc và thành phần xã hội khác nhau.
Nhờ tính thiết thực hiện tại, cách hành đạo của các Tăng Ni ở vùng Nam bộ đạt được tính khế lý, khế cơ, lấy con người làm trọng tâm, lời giảng sát sườn với cuộc sống, giúp người nghe dễ áp dụng trong cuộc sống.
Nhờ tính dung hợp và tích hợp, Phật giáo vùng Nam bộ dễ dàng thích ứng với bối cảnh xã hội, chính trị, văn hóa ở vùng đất mới trong quá trình Nam tiến của dân tộc, nhờ đó, có thể cộng tồn trong hòa bình với các tôn giáo có trước và tôn giáo mới.
(…)
Như vậy, với tóm lược như trên ở tham luận của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho thấy phía cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Ban Tôn giáo Chính phủ cần có cái nhìn phù hợp thực tiễn hơn về cái gọi “thờ tự bất hợp pháp”, qua việc tu chỉnh quy định về công nhận pháp nhân của tổ chức tôn giáo; đơn cử như bên cạnh pháp nhân Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì cũng cần công nhận pháp nhân Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.