Những tuyên bố về chính sách của Washington vừa qua thể hiện rõ hơn cam kết của Mỹ về duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, và Washington sát cánh với Hà Nội để bảo vệ quyền chủ quyền và lợi ích của Việt Nam nhất quán với luật pháp quốc tế, cũng như để bác bỏ tư duy “chân lý thuộc về kẻ mạnh” tại Biển Đông.
Đó là quan điểm của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink thể hiện trong một bài viết đăng trên báo Thanh Niên hôm 20/7.
Đại diện ngoại giao của Mỹ tại Hà Nội nhắc lại sự kiện vào tháng 7/2016, một tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết rằng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982, không có cơ sở pháp lý cho bất cứ quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán nào của Trung Quốc trong khu vực được gọi là “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh vẽ ra trên bản đồ về Biển Đông, ngoài những điều được quy định tại UNCLOS.
Nhưng trong 4 năm qua, Trung Quốc phớt lờ phán quyết, đẩy mạnh chiến dịch hăm dọa nhằm làm suy yếu quyền chủ quyền và lợi ích của Việt Nam cũng như các nước ven biển khác ở Đông Nam Á, đại sứ Mỹ viết.
Hoa Kỳ ngày càng quan ngại khi Bắc Kinh lợi dụng việc thế giới tập trung đối phó đại dịch Covid-19 để đẩy các yêu sách của họ ở vùng biển đi xa hơn, thay thế luật pháp quốc tế bằng tư duy “chân lý thuộc về kẻ mạnh”, người đứng đầu phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam bày tỏ.
Trước những hành động của Trung Quốc nhằm bác bỏ luật pháp quốc tế và dần xóa bỏ quyền chủ quyền và lợi ích của Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/7 tuyên bố thay đổi chính sách của Washington đối với các yêu sách hàng hải, đại sứ Kritenbrink viết.
“Mỹ phản đối bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối với vùng biển ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo nước này đưa ra yêu sách ở quần đảo Trường Sa hoặc từ bãi cạn Scarborough”, nhà ngoại giao Mỹ nêu rõ.
Điều này bao gồm cả sự bác bỏ rõ ràng yêu sách của Trung Quốc đối với bãi Tư Chính, nơi Bắc Kinh đã tiến hành “một chiến dịch cưỡng bức và quấy rối hoạt động dầu khí lâu nay của Việt Nam”, vẫn lời của Đại sứ Kritenbrink. Ông viết tiếp rằng Ngoại trưởng Pompeo và Mỹ coi sự bắt nạt này “không chỉ mang tính khiêu khích và gây bất ổn, mà còn là bất hợp pháp”.
Nhận xét về các quan điểm của Mỹ do các nhà ngoại giao hàng đầu nước này đưa ra gần đây, tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, nói với VOA:
“Tuyên bố của ngài Ngoại trưởng Mike Pompeo và ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội là lập trường có thể nói là rất rõ ràng, rất cương quyết, rất mạnh mẽ so với trước đây. Những nội dung đấy hoàn toàn phù hợp với những quan điểm của Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN. Một lần nữa, chứ không phải là lần đầu tiên, phía Hoa Kỳ lại ủng hộ, đứng về các nước trong khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam để mà đấu tranh chống lại các hành động sai trái để mà nhằm thượng tôn pháp luật”.
So sánh cách hành xử của hai cường quốc hàng đầu thế giới đối với UNCLOS, Đại sứ Kritenbrink nhấn mạnh trên tờ Thanh Niên hôm 20/7 rằng mặc dù Mỹ không phải thành viên của công ước này, nhưng mọi chính quyền Mỹ trước giờ đều “công nhận và tuân thủ” những điều khoản của công ước.
Trong khi đó, ngược lại, Trung Quốc đã ký và phê chuẩn UNCLOS, nhưng “ngang nhiên phớt lờ” các nghĩa vụ hiệp ước của mình được quy định tại công ước, nhà ngoại giao Mỹ viết.
“Những tuyên bố về chính sách của Mỹ vừa qua thể hiện rõ hơn cam kết duy trì thượng tôn pháp luật của chúng tôi ở Biển Đông qua việc ủng hộ luật pháp quốc tế được phản ánh trong UNCLOS. Đây là cam kết Mỹ chia sẻ với Việt Nam, một trong những thành viên chủ động nhất của UNCLOS”, lãnh đạo phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam khẳng định.
Đề cập đến quan hệ ngoại giao song phương kéo dài 25 năm mà hai nước vừa kỷ niệm, và quan hệ Đối tác toàn diện có từ tháng 7/2013, Đại sứ Kritenbrink chỉ ra rằng những tuyên bố của Mỹ cũng là “minh chứng cho sức mạnh” của mối quan hệ này, đồng thời bình luận thêm:
“Lập trường của Mỹ về Biển Đông cho thấy Mỹ sát cánh với Việt Nam để bảo vệ quyền chủ quyền và lợi ích của các bạn nhất quán với luật pháp quốc tế – bao gồm cả quyền đối với các nguồn dầu khí ngoài khơi, và quyền đánh bắt cá, là những điều sống còn cho sự thịnh vượng kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á”.
Đại sứ Mỹ Kritenbrink cũng khẳng định: “Mỹ sát cánh với Việt Nam để bác bỏ sự áp đặt tư duy ‘chân lý thuộc về kẻ mạnh’ tại Biển Đông”.
Tiến sĩ Trần Công Trục, người có hơn 30 năm gắn bó với công tác biên giới, lãnh thổ của Việt Nam, nhận định rằng tuy các tuyên bố của Mỹ có lợi cho Việt Nam và một số nước ASEAN song vẫn nhắm đến phục vụ lợi ích của Mỹ là trên hết.
Trong lúc nhiều người ở Việt Nam bày tỏ trên mạng xã hội sự phấn khích về các tuyên bố của Mỹ, cũng như mong muốn Việt Nam tiến xa hơn trong quan hệ với Mỹ, chuyên gia Trần Công Trục cho rằng vẫn còn quá sớm để nghĩ đến việc Mỹ liên minh với Việt Nam. Ông nói với VOA:
“Tôi không cho rằng Mỹ phát biểu như vậy và có những lời mạnh mẽ như vậy là để nhằm mục đích lôi kéo Việt Nam, không có nghĩa là làm như vậy để lôi kéo Việt Nam chống Trung Quốc. Bởi vì họ thừa biết là Việt Nam không bao giờ có chủ trương đứng về nước này để chống nước khác. Không liên minh liên kết, nhất là trong thời gian hiện tại. Còn sau này tình hình như thế nào là chuyện khác”.
Chuyên gia về biên giới, lãnh thổ của Việt Nam nói đất nước này lâu nay cố gắng đạt được sự cân bằng trong quan hệ với các nước lớn để tránh xung đột, chiến tranh, và ông cho rằng cách tiếp cận này “đạt được hiệu quả nhất định” trong cuộc đấu tranh cho lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông.