Các thành viên của Nghị viện châu Âu vừa nêu lên những quan ngại về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội từ ngày 4/4 đến ngày 6/4, sau hơn hai năm Việt Nam thực thi Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA).
Trong thông cáo báo chí hôm 6/4, phái đoàn gồm 6 nghị viên Liên hiệp Châu Âu (EU) ghi nhận những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam, nhưng đồng thời bày tỏ “quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam”.
Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti hôm 7/4 viết trên Twitter: “Phái đoàn quan trọng của Tiểu ban Nhân quyền Quốc hội châu Âu tới Việt Nam để thảo luận về cách thức phát triển hơn nữa sự hợp tác của chúng ta về các vấn đề nhân quyền và đảm bảo thực hiện đầy đủ các cam kết”.
Thông cáo của các nghị viên EU đặc biệt quan ngại về không gian dành cho xã hội dân sự bị thu hẹp, việc lạm dụng “các quy định mơ hồ” của bộ luật hình sự để đàn áp những tiếng nói phản biện, sách nhiễu các nhà hoạt động, đàn áp về quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là trong không gian trên mạng, và quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
Các nghị viên nhấn mạnh niềm tin mạnh mẽ của họ rằng quyền tự do của các cá nhân là nền tảng cho sự thịnh vượng chung, và rằng các tổ chức xã hội dân sự độc lập và mạnh mẽ là rất quan trọng để vượt qua các thách thức cả ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
“Phái đoàn tái xác nhận đề nghị của EU về tăng cường hợp tác với Việt Nam để cải thiện tình hình nhân quyền ở nước này”, thông cáo viết.
Phái đoàn cũng kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm ở Việt Nam, bao gồm cả lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ, các nhà báo và các nhà hoạt động môi trường. Ngoài ra, liên quan vấn đề này, phái đoàn nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo quyền được xét xử công bằng cho họ.
“Họ nhấn mạnh rằng là một phần quan trọng của thỏa thuận này, Việt Nam đã cam kết cải thiện tình hình nhân quyền và nhấn mạnh sự thất vọng của họ vì điều đó vẫn chưa được thực hiện”, thông cáo viết.
Các nghĩa vụ của EVFTA, có hiệu lực từ tháng 8/2020, cũng bao gồm việc phê chuẩn và thực hiện các công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Các thành viên phái đoàn lưu ý rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam có kế hoạch trình Quốc hội phê chuẩn công ước 87 của ILO trong năm 2023.
Phái đoàn đã nhắc lại quan điểm phản đối chính của EU đối với hình phạt tử hình và kêu gọi hoãn thi hành án tử hình như là bước đầu tiên dẫn đến việc cuối cùng là bãi bỏ hình phạt tử hình ở Việt Nam.
Các thành viên của phái đoàn cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng buôn bán người, lao động cưỡng bức và luật pháp hiện hành hạn chế quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, vẫn theo thông cáo của Quốc hội EU.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị cho ý kiến về các phát biểu trên của phái đoàn nhân quyền nghị viên EU, nhưng chưa được phản hồi.
Tại Việt Nam, đoàn đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (NAFAC) cùng với đại diện lãnh đạo Ủy ban Tư pháp và Xã hội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện trưởng và các thành viên Viện Nhân quyền, Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản, cũng như các tổ chức phi chính phủ.
Từ Đức, ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc Điều hành của tổ chức nhân quyền VETO! Mạng lưới Những người Bảo vệ Nhân quyền, nêu nhận định với VOA về sự quan tâm của phái đoàn EU về tình hình nhân quyền Việt Nam:
“Sau khi ký Hiệp định thương mại EVFTA phía EU hoàn toàn thất vọng. Thí dụ, người có nhiều đóng góp ý kiến cho Quốc hội EU là ông Phạm Chí Dũng, bị kết án 15 năm tù, cũng như vẫn chưa có người nào trong danh sách 11 tù nhân chính trị mà Uỷ ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội EU trao cho Việt Nam năm 2019 được thả”.
“Các tổ chức ở Việt Nam muốn thúc đẩy cho việc đối thoại các định chế xã hội dân sự của hai bên bị bắt và bị kết án tù, các tổ chức lo về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cũng bị đàn áp nặng nề…”
“Danh sách về những thiếu sót thì rất là dài… cho nên việc Tiểu ban Nhân quyền Quốc hội Âu châu đến Việt Nam lần này là rất cần thiết”.
Từ Anh Quốc, ông Sơn Trần, Phó Giám đốc Hội bảo vệ Người Lao động Việt Nam, chia sẻ với VOA ý kiến đề xuất liên quan đến quyền của người lao động:
“Chúng tôi đề nghị rằng ILO nên tư vấn và tạo áp lực để chính phủ Việt Nam ban hành các văn bản cho phép công nhân được thành lập những nghiệp đoàn độc lập, không lệ thuộc vào chính phủ. Chúng tôi cũng đề nghị Quốc hội Âu châu nên kêu gọi Việt Nam thả những nhà bất đồng chính kiến mà họ hoạt động cho môi trường, họ hoạt động cho việc tuân thủ Hiệp định EVFTA giữa EU và Việt Nam”.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng nước này tôn trọng các quyền căn bản của con người, chỉ bắt giam và xét xử “những ai vi phạm pháp luật”.
Hồi cuối tháng 3/2023, bà Phạm Thu Hằng, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với báo giới: “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước… Tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn”.
Phái đoàn nghị sĩ EU đến Việt Nam do Dân biểu người Đức Udo Bullmann, Trưởng ban Nhân quyền, dẫn đầu. Các dân biểu khác bao gồm Isabel Wiseler-Lima (Luxembourg), Cheorghe-Vlad Nistor (Rumania) và Leopoldo Lopez Gil (Tây Ban Nha), Nacho Sanchez Amor (Tây Ban Nha), Isabel Santos (Bồ Đào Nha), và Urmas Paet (Estonia).
Nghị sĩ Bullmann viết trên Twitter hôm 6/4: “Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi chính phủ Việt Nam dọn đường cho các quyền tự do công dân mà họ đã cam kết và trở thành tiếng nói tiến bộ toàn cầu mà chúng tôi mong muốn”.