Việt Nam Thời Báo

VOA – Phim ảnh và Chỉ thị 24: Xã hội phân mảnh trong một chính thể ‘lá mặt, lá trái’

Trần Đông A

 

Chỉ thị 24 là chủ trương không mấy minh bạch về quá trình ngăn chặn dân chủ hóa Việt Nam. Nhưng ‘dậy sóng’ về sự phát hiện ra nó cũng chẳng làm cho Mỹ và phương Tây nản lòng trong việc thúc đẩy các mối bang giao chiến lược với Hà Nội. 

 

Ngồi bất kỳ các quán cà-phê Hà Nội nào những ngày này vào giờ đông khách, câu chuyện đều râm ran quanh hai đề tài: Phim ‘Đào, phở và piano’ cùng với ‘Chỉ thị số 24 – CT/TW’.

Hai chủ đề thật ra chẳng liên quan gì đến nhau, thời gian xuất hiện cũng ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên nhưng lại dẫn tới những ‘rối loạn nhân cách’ của xã hội và phần nào gây ra ‘sự rạn vỡ’ trong nền chính trị chuyên chế.

‘Đào, phở và piano’ là sản phẩm điện ảnh của thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước Việt Nam đã bỏ ra hơn 20 tỷ VND đặt hàng làm một phim để nhắc lại các trận chiến đấu ở Hà Nội đông xuân 1946 – 1947. Sản phẩm điện ảnh này tuy gặt hái được một ít về thương mại, nhưng như TS. Nguyễn Phương Mai từ Sydney bình luận, nó bị chê bai không ngớt do tính giả trân như sân khấu kịch, non tay về kỹ xảo, gượng ép về kịch bản…

Hẳn nhiên cũng không thiếu lời tung hô ngợi ca về khả năng lấy nước mắt, về cơ hội học sử của đất nước, đặc biệt là về một dạng chủ nghĩa dân tộc cực đoan (1). Còn ‘Chỉ thị số 24 – CT/TW’ lại là câu chuyện nói về một tài liệu ‘Mật!’ của Bộ Chính trị, do Thường trực Ban bí thư ký và ban hành cách đây hơn tám tháng (2).

Nền chính trị ‘lá mặt lá trái’

Đánh giá về tổng thể, ‘Chỉ thị 24’ nói lên não trạng ‘lá mặt, lá trái’ quen thuộc xưa nay của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).

‘Dự án 88” là tổ chức đã công bố ‘Chỉ thị 24’ và báo cáo phân tích do Ben Swanton và Michael Altman-Lupu thực hiện, đánh giá văn bản này là cuộc tấn công toàn diện vào quyền lợi của 100 triệu công dân Việt Nam.

Nội dung của Chỉ thị là nhằm chấm dứt các ảnh hưởng của nước ngoài vào quá trình hoạch định chính sách, ngăn chặn các tổ chức nước ngoài và Việt Nam tăng cường sử dụng hợp tác quốc tế như một phương tiện để thúc đẩy xã hội dân sự và các nhóm chính trị đối lập trong nước. Về bản chất, chính sách này nhằm mục đích củng cố chế độ độc đảng… Chỉ thị này cũng viện dẫn ‘an ninh quốc gia’ để biện minh cho việc cấm người dân hội họp, lập nhóm, biểu tình, cấm xuất nhập cảnh và ngăn chặn tài trợ quốc tế cho các dự án của các tổ chức xã hội dân sự. ‘Chỉ thị 24’ cũng đặt dấu chấm hết cho hy vọng, theo đó, Mỹ và Liên minh châu Âu cho rằng tăng cường mối quan hệ với Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy nhân quyền của nước này (3).

Tuy nhiên, ‘Chỉ thị số 24 – CT/TW’ chẳng thuộc loại văn thư bí mật gì của ĐCSVN. Cái ‘tuýt’ cô đọng từ bạn Minh Đức (trên VOA) ngày 1/3/2024 đã bắt đúng ‘thóp’ khi viết rằng: ‘Chỉ thị 24 được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đàn áp mạnh tay các nhà hoạt động, giới bất đồng chính kiến và xã hội dân sự, một chiến dịch bắt đầu từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên nắm quyền vào năm 2016’ (4) Nghĩa là tinh thần của ‘Chỉ thị số 24’ từng tồn tại khá lâu, ngay từ thời kỳ Nguyễn Phú Trọng lên nắm quyền năm 2016.

Còn theo tờ ‘Le Monde’ (Pháp) ngày 2/3/2024, ‘Chỉ thị 24’ thực chất là một bản sao nguyên mẫu từ ‘Chỉ thị số 9’ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nói về các nguy cơ mỗi khi các nước cộng sản còn rơi rớt lại buộc phải hội nhập, mở cửa làm ăn với phương Tây vì sự sinh tồn. Trung Quốc từ lâu vốn đã thay thế vị trí của Liên Xô, nghiễm nhiên trở thành ‘người anh Cả’ của ĐCSVN, từng nhiều lần nhắc đi nhắc lại cái thông điệp nhàm chán là, Việt Nam muốn phát triển bao nhiêu tùy sức, vấn đề là không được buông bỏ ngọn cờ ‘Chủ nghĩa xã hội’ (5).

Nguyên ủy của Chỉ thị số 24 vốn là như vậy. Các nội dung chủ yếu được nhấn mạnh trong Chỉ thị hướng dẫn các cấp ủy đảng thực hiện việc hạn chế và đi đến cấm hẳn các quyền ghi trong ‘Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị’ (ICCPR). Hoa Kỳ và các nước dân chủ đều tường minh việc Việt Nam chưa bao giờ tôn trọng các điều cam kết trong ICCPR. Nhưng vì chiến lược toàn cầu của họ nhằm ‘be bờ’ Trung Quốc để bảo vệ Trật tự dựa trên luật pháp, nên các chính phủ chấp nhận sự thỏa hiệp với Việt Nam. Vì thế, dù VOA, RFA từ Hoa Kỳ, BBC từ Anh quốc, RFI (France 24) của Pháp… đồng loạt chạy tít lớn, Mỹ và phương Tây vẫn sẽ không cắt cầu với Việt Nam, vì các lý do chiến lược.

Giới thạo tin nội chính trong nước khẳng định với người viết bài này, cái gọi là ‘Chỉ thị Mật – 24/TW’ chẳng có nội dung gì là ‘Mật!’ cả. Từ trung ương xuống các tỉnh thành, mọi đảng viên đều đã được quán triệt văn bản này từ mùa hè năm 2023. Mục tiêu tối hậu của Chỉ thị số 24 – CT/TW ký ngày 13/7/2023 của Bộ Chính trị là đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, được các Giám đốc Công an mỗi tỉnh đích thân phổ biến, chỉ đạo học tập (6).

Một xã hội phân mảnh và chia rẽ

Một nền chính trị độc tài, độc đảng như Việt Nam hiện đang đối diện với khối mâu thuẫn lớn. Một mặt, hiện nay Mỹ và Việt Nam đang xúc tiến tập trung vào hợp tác công nghệ và đổi mới. Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ và Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petro VietNam) đã thỏa thuận cùng khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh, Cảng Vân Phong, đất hiếm (Việt Nam có trữ lượng sau Trung Quốc) và băng/đá cháy (natural hydrate hoặc gas hydrate trữ lượng dưới BĐ 19,4 tỉ m³)… Bên cạnh kinh tế, hai nước ngày càng có nhiều lợi ích chiến lược tương đồng. Không gian Ấn Thái Dương tự do và rộng mở của Mỹ (FOIP) cũng như các nỗ lực chống tham vọng hàng hải của Trung Quốc đa phần phù hợp với lợi ích của Việt Nam (7).

Mặt khác, càng hợp tác sâu rộng với thế giới dân chủ, ĐCSVN càng lo sợ dân chúng sẽ có những giác ngộ mới, nhu cầu mới đối với dân chủ, nhân quyền và tôn giáo… Cho nên Đảng đã quyết định ‘đánh chặn’ trước bằng chỉ thị 24 nói trên. Điều này Đảng thấy không cần phải giấu giếm, còn Mỹ cùng các nước phương tây cũng ‘chấp nhận’ Đảng trong chuyện này, vì những lợi ích chiến lược của họ.

Việc lôi cuốn dân chúng, nhất là thế hệ trẻ vào các cuộc tranh luận về phim ảnh, nghệ thuật hay các trò tiêu khiển khác cũng là một trong những ‘thủ pháp’ để Đảng ‘phân tâm xã hội’. Đúng như TS. Nguyễn Phương Mai phân tích, việc những người chê phim ‘chống Pháp’ bị ‘dư luận viên’ của Đảng chửi bằng các diễn ngôn thời ‘chống Mỹ cứu nước’ và chống ‘ngụy quân – ngụy quyền’ là một trò tiêu khiển nguy hiểm. Tệ hại hơn nữa, sự chửi bới đó phần lớn đến từ giới trẻ. Nó cho thấy công cuộc hòa hợp hòa giải dân tộc không những vẫn còn dang dở với các thế hệ đi trước, mà di chứng đã kịp di truyền đến các thế hệ hôm nay (8). Nhưng một xã hội phân mảnh và chia rẽ như vậy là có lợi cho Đảng, vì dân chúng sẽ không quên ‘mài sắc căm thù’ đối với ‘thực dân Pháp’ và ‘đế quốc Mỹ’, vốn là những ‘đối tác chiến lược’ và ‘đối tác chiến lược toàn diện’ của Việt Nam trong sự nghiệp cứu nền kinh tế đang tụt dốc và ngăn cản Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Đây chính là thuộc tính ‘lá mặt lá trái’ trong chính sách của Đảng.

Và trong khi Đảng ‘đánh chặn’ dân thì Trung Quốc lại ‘đánh chặn” Đảng. Thấy bang giao Việt – Mỹ đơm hoa kết trái, tờ ‘Global Times’ từ Bắc Kinh khóc mướn: ‘Chưa bao giờ việc Washington lợi dụng Việt Nam và thiếu tôn trọng Việt Nam lại bị vạch trần một cách triệt để như gần đây… Không thể đánh đồng vị thế của Hà Nội với cách đối xử thiếu tôn trọng. Không thể gắn vị thế của Việt Nam với ý đồ ẩn dấu, biến Việt Nam thành công cụ cho mục tiêu chiến lược của mình. Hành động như thế, về cơ bản là đã không tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi trong quan hệ giữa hai nước’ (9).‘Làm rùm beng’ về Chỉ thị 24, vốn là một chủ trương không mấy minh bạch về quá trình ngăn cản dân chủ hóa của Việt Nam, tuy nhiên, cũng chẳng thể nào khiến Washington và phương Tây nản lòng trong việc thúc đẩy CSP Mỹ –Việt.

Từ ‘Chỉ thị 24’ chúng ta liên hệ đến bộ phim và chia sẻ với sự thất vọng của TS. Nguyễn Phương Mai: Thật tiếc cho một bộ phim có tiềm năng hàn gắn, nhưng sự miệt thị và tôn vinh quá đà đã khiến cảm xúc cực đoan tiếm ngôi trở thành áp đảo (10). Nhưng đấy chính là ý đồ của Đảng. Đảng cần một xã hộ phân mảnh. Vì đấy là môi trường thuận lợi để bản chất ‘lá mặt lá trái’ của Đảng phát huy tối đa ảnh hưởng.

_______________

Tham khảo:

(1) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ced0wjvqgy1o

(2) https://www.bbc.com/news/world-asia-68443392

(3) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz9z6y2e73lo

(4) https://www.voatiengviet.com/a/project88-to-cao-chi-thi-24-cua-bo-chinh-tri-viet-nam-vi-pham-nhan-quyen/7509360.html.

(5) https://www.lemonde.fr/international/article/2024/03/01/au-vietnam-le-parti-communiste-cherche-a-se-premunir-de-tout-risque-de-subversion-occidentale_6219451_3210.html.

(5) http://tapchiqptd.vn/vi/quan-triet-thuc-hien-nghi-quyet/tiep-tuc-day-manh-thuc-hien-chi-thi-so-24cttw-cua-bo-chinh-tri-khoa-xi-trong-giai-doan-moi/20586.html

(6) https://congan.hatinh.gov.vn/bai-viet/quan-triet-trien-khai-kip-thoi-cac-chu-truong-nghi-quyet-cua-trung-uong-cua-tinh_1699253618.caht

(7) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vietnam-us-strategic-partnership-not-only-for-diplomacy-08302023093908.html

(8) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ced0wjvqgy1o

(9) https://www.globaltimes.cn/page/202309/1297950.shtml

(10)https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ced0wjvqgy1o


 

 

Tin bài liên quan:

VOA – Ai đã mở chiếc hộp Pandora trong Đảng?

Do Van Tien

Vì sao Thống đốc Bình ‘quyết liệt’ giấu nợ xấu?

Phan Thanh Hung

VOA – Mỹ và EU nêu quan ngại về bản án phúc thẩm đối với nhóm Hiến pháp

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo