Nhiệm vụ chống buôn lậu là của ngành Công an, các cơ quan hải quan biên giới chứ không phải công việc của Bộ Tài chính.
Làm thay việc Công an
Việc nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít của Bộ Tài chính đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Trả lời báo chí, ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định, việc đưa ra đề xuất này nhằm ứng phó với việc thuế nhập khẩu xăng dầu giảm, không thể để giá xăng thấp hơn các nước đồng thời tránh tình trạng buôn lậu.
Trao đổi với Đất Việt, nhiều Hiệp hội Vận tải các tỉnh, thành phố cho rằng lời giải thích trên chưa hợp lý và không thuyết phục.
Ông Phan Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Tĩnh khẳng định, nhiệm vụ chống buôn lậu là của ngành công an, các cơ quan hải quan biên giới chứ không phải của Bộ Tài chính. Việc đại diện Bộ Tài chính sợ buôn lậu xăng dầu nên đề nghị tăng thuế môi trường lên là không phù hợp.
“ Tăng lên như thế thì dẫn đến lạm phát, hết sức vô lý. Không chỉ riêng tôi mà người dân đều không bằng lòng trước lời giải thích trên. Doanh nghiệp vận tải hiện đang đóng rất nhiều khoản thuế: thuế vận tải, thuế cầu, đường, thuế bảo trì đường bộ… Chúng tôi không hề mong muốn tăng thuế môi trường.
Nhiệm vụ chống buôn lậu là của ngành công an, các cơ quan hải quan biên giới chứ không phải của Bộ Tài chính. |
Trước đây thuế môi trường khoảng 3.000 đồng/lít xăng giờ tăng thêm 5.000 đồng lên 8.000 đồng thì chắc chắn rằng phí vận tải tăng lên đến 1.000 đồng. Khi cước vận tải tăng thì kéo theo lạm phát và ảnh hưởng đến tất cả. Và khi tăng thuế thì doanh nghiệp vận tải bắt buộc phải tăng giá. Nếu không tăng thì sẽ không đủ để khấu hao”, ông Sơn khẳng định.
Đồng quan điểm với ông Sơn, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng những lý lẽ mà Bộ Tài chính đưa ra không thuyết phục.
Theo ông Thanh, thu thuế môi trường với xăng là cần thiết nhưng tác nhân gây ra biến đổi khí hậu, thay đổi môi trường không chỉ có mỗi ô tô.
“Giải thích kiểu như Bộ Tài chính thì chắc chắc không ai đồng tình cả. Mức thuế bao nhiêu thì cần phải tính toán cho đúng. Chứ không phải tăng lên để ngang bằng với giá xăng các nước hay chống buôn lậu.
Việc nào đi việc đấy. Anh là cơ quan quản lý phải đưa ra các chính sách chứ việc chống buôn lậu lại là chuyện khác”, ông Thanh nhấn mạnh.
Thuế môi trường sử dụng vào đâu?
Một vấn đề khác được ông Thanh quan tâm đến, đó là việc sử dụng các số tiền thu được từ thuế môi trường đối với xăng.
Là một trong những đối tượng phải đóng thuế môi trường nhiều nhất, ông Thanh khẳng định, ông không hài lòng với lời giải thích của đại diện Bộ Tài chính: “thuế môi trường là để góp phần bảo vệ môi trường tuy nhiên không thể nói Thuế bảo vệ môi trường là trực tiếp chi cho môi trường”.
Theo ông Thanh, tiền thuế môi trường thu được phải quay lại phục vụ môi trường chứ không thể hòa chung vào túi ngân sách rồi véo chỗ nọ cấu chỗ kia.
“Hiện nay làm ăn như vậy là không được. Thuế bảo vệ môi trường hiện nay được sử dụng ra làm sao? Cần phải công khai, minh bạch để người dân biết chứ không phải tù mù, dân đóng góp rồi sử dụng sai mục đích”, ông Thanh bức xúc nói.
Ông Phan Thanh Sơn khẳng định đóng thuế môi trường để xử lý ô nhiễm môi trường thì người dân sẵn sàng tham gia. Tuy nhiên phải sử dụng đúng mục đích, không thể giải thích như đại diện Bộ Tài chính.
“Không chỉ riêng tôi mà người dân đều không bằng lòng trước lời giải thích trên. Chúng ta phải nhìn nhận lại xem môi trường bây giờ đã được cải thiện gì chưa hay vẫn vậy. Thực tế là dân đóng thuế môi trường nhưng không biết tiền đó được sử dụng như thế nào. Theo tôi, Chính phủ phải quy định hết sức rõ ràng, năm nay thu được bao nhiêu tiền, dùng để làm những việc gì”, ông Sơn nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM nói thẳng: “Tôi thấy quá bất hợp lý. Ai cũng mong muốn công khai minh bạch hết. Nhưng mà việc này cơ quan quản lý chưa làm được. Giờ phí môi trường thu để làm gì? Thu xử lý cái gì, tiền chi ra đâu không ai biết rõ được.
Chúng tôi có gửi văn bản kiến nghị thì cũng có ai nghe đâu. Việc tăng thuế môi trường lên hậu quả rất nghiêm trọng và khó lường”.
Về biện pháp lâu dài, ông Nguyễn Văn Thanh kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần phải lập 1 quỹ riêng về môi trường giống như quỹ bảo trì đường bộ.
“Thu thuế người dân về bảo vệ môi trường thì phải phục vụ cho môi trường chứ không phải dùng để phục vụ những thứ khác. Cần phải có 1 quỹ riêng để quản lý. Cơ quan quản lý nhà nước xử thủy điện, nhà sản xuất ra chất độc hại rồi đưa vào quỹ riêng cho môi trường. Quỹ này khác hẳn với thuế buôn bán, thuế thu nhập, thuế tài nguyên… được đưa chung vào ngân sách nhà nước.
Các nước khác đều làm rất tốt, công khai minh bạch tất cả. Việt Nam cũng có thể làm được, quan trọng chúng ta có muốn hay không? Bây giờ thống kê cụ thể bán ra bao nhiêu lít dầu, bao nhiêu lít xăng là biết rõ. Tổng công ty xăng dầu và 1 số đơn vị khác thực hiện rồi chuyển vào quỹ. Sử dụng như thế nào thì công khai lên và có cơ quan giám sát. Nếu cứ tù mù như vậy thì rất dễ xảy ra tình trạng tham nhũng”, ông Thanh kiến nghị.
Theo Báo Đất Việt