Việt Nam Thời Báo

Xung quanh chuyện hoàn thuế của Formosa

Vũ Thành Tự Anh
TBKTSG



(TBKTSG) – Việc Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa), doanh nghiệp gây ra thảm họa môi trường ở miền Trung hồi tháng 4, đã được hoàn thuế hơn 13.000 tỉ đồng(*) đang thu hút sự chú ý của dư luận. Sự thật về khoản tiền hoàn thuế này là như thế nào?
Theo Công văn 3475/TCT-KK ngày 4-8-2016 của Tổng cục Thuế, từ tháng 4-2014 đến tháng 5-2016, Cục Thuế Hà Tĩnh đã hoàn tổng cộng 13.483 tỉ đồng thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho Formosa. Việc này hợp pháp vì theo Thông tư 205/2009/TT-BTC, đối với các máy móc, thiết bị… trong nước chưa sản xuất được thì doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế GTGT hàng nhập khẩu. (Xem thêm box Cơ sở pháp lý để hoàn thuế GTGT cho Formosa).
Tuy nhiên, có một số khe hở từ các quy định của Việt Nam đã bị Formosa lợi dụng triệt để.
Thứ nhất, nếu Formosa giữ công nghệ xử lý cốc khô như ban đầu thì việc hoàn thuế GTGT để khuyến khích nhập khẩu công nghệ thân thiện với môi trường là điều nên làm. Tuy nhiên, khi Formosa tự tiện đổi sang công nghệ xử lý cốc ướt, với nguy cơ gây ô nhiễm rất cao, thì chẳng nhẽ Chính phủ vẫn phải hoàn thuế cho công nghệ lạc hậu, chỉ vì công nghệ lạc hậu này trong nước chưa sản xuất được?!
Rõ ràng quy định của Việt Nam hiện nay quá lỏng lẻo khi việc hoàn thuế chỉ dựa vào năng lực sản xuất trong nước (vốn rất yếu) chứ không dựa vào trình độ công nghệ, do vậy vô hình trung mở đường cho công nghệ thải ngang nhiên vào Việt Nam.
Thứ hai, lấy lý do bị tổn thất vì “sự kiện 14-5-2014”, Formosa khai vống số thiệt hại, lấy đó làm đòn bẩy để gây sức ép. Cụ thể là Formosa khai báo tổng thiệt hại lên tới 5.533 tỉ đồng, cao gấp 75 lần so với kết quả đánh giá thiệt hại của cơ quan bảo hiểm và cơ quan chức năng Hà Tĩnh.
Tại sao mức thiệt hại do Formosa ước lượng lại cao ngất ngưởng như vậy?
Chính phủ đã có chủ trương không thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá. Chính phủ cũng không nên giữ chân FDI bẩn bằng mọi giá.
Lý do là công ty này tính cả các “thiệt hại trong tương lai”. Về mặt kinh tế, cách tính này hoàn toàn có lý. Song vô lý là ở chỗ khi Formosa trở thành thủ phạm thì họ lại không chấp nhận nguyên tắc do chính họ sử dụng, không đếm xỉa tới những thiệt hại gián tiếp và trong tương lai của người dân, doanh nghiệp, và môi trường mà họ đã làm tổn thương.
Đến nay Chính phủ chưa hề có một công bố chính thức nào về ước lượng tổng thiệt hại do Formosa gây ra, song nếu tính đúng, tính đủ những thiệt hại kể cả hiện tại và tương lai, cả trực tiếp và gián tiếp, chắc chắn con số thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với 500 triệu đô la Mỹ mà Formosa cam kết bồi thường.
Thứ ba, là trong hồ sơ nộp cho Cục Thuế và Hải quan Hà Tĩnh để nhận hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do “sự kiện 14-5-2014”, Formosa đã kê khai sai, lập hợp đồng xây dựng bổ sung không đúng quy định, kê khai bổ sung khấu trừ và hoàn thuế GTGT của 19.497 hóa đơn, chứng từ, với tổng số tiền khai man lên tới hơn 1.730 tỉ đồng!
Thứ tư, lợi dụng tư cách “nạn nhân”, công ty này đã đòi miễn giảm, miễn phạt và hoàn lại số tiền phạt cho cả những vi phạm xảy ra trước “sự kiện 14-5”?! Tổng số tiền Formosa trục lợi từ hành vi này lên tới 281 tỉ đồng!
Khi cấp giấy phép đầu tư cho Formosa, chính quyền Hà Tĩnh kỳ vọng dự án này sẽ làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của tỉnh, sẽ đem tới thay đổi cơ bản về cơ cấu kinh tế và lao động cho tỉnh. Tất cả những điều này đều đang xảy ra, chỉ có điều theo chiều ngược lại. Những bãi biển vắng hoe, ngư dân không thể bám biển, sống vất vưởng, còn diện mạo và môi trường kinh doanh – đầu tư của Hà Tĩnh thì xấu hơn bao giờ hết.
Khi cấp giấy phép đầu tư cho Formosa, chính quyền cũng nuôi hy vọng là dự án này sẽ trở thành động lực đột phá cho cả vùng Bắc Trung bộ. Giờ đây, người dân từ Nghệ An cho đến Huế chưa thấy quả ngọt đâu mà chỉ thấy trái đắng do vụ thảm sát môi trường mà Formosa gây ra. Không những thế, với 53 sai phạm lớn nhỏ, với chất thải rải khắp nơi, từ công viên cho tới trang trại hay rừng dự án, thậm chí vượt hơn 500 cây số ra tận Phú Thọ, Formosa đang trở thành một của nợ không ai muốn bị liên lụy.
Chính phủ đã có chủ trương không thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá. Chính phủ cũng không nên giữ chân FDI bẩn bằng mọi giá, nhất là khi cái giá phải trả là sinh kế của hàng vạn con người và sự tồn vong của hàng vạn héc ta hệ sinh thái ven biển.
(*) Các trích dẫn về thông tin và số liệu trong bài lấy từ Công văn 3475/TCT-KK ngày 4-8-2016 của Tổng cục Thuế.
Cơ sở pháp lý để hoàn thuế GTGT cho Formosa
Formosa đã tự tiện chuyển công nghệ xử lý cốc khô sang công nghệ xử lý cốc ướt, với nguy cơ gây ô nhiễm rất cao. Ảnh: hatinh.gov.vn
Việc hoàn thuế cho Formosa dựa trên cơ sở pháp lý là Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế và Luật Thuế giá trị gia tăng. Từ thời điểm Formosa được hoàn thuế đến nay, các luật này đã có những sửa đổi, bổ sung nhưng hai chính sách trong việc hoàn thuế ở giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản (chưa đi vào hoạt động) vẫn được giữ nguyên.
Thứ nhất, doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu là máy móc, thiết bị, dây chuyền… trong nước chưa sản xuất được dùng làm tài sản cố định. Điều đó có nghĩa, doanh nghiệp thực hiện đóng thuế nhập khẩu và thuế GTGT với cơ quan hải quan ngay ở khâu thông quan. Sau đó, cơ quan thuế nội địa sẽ hoàn lại thuế GTGT trên cơ sở những chứng từ, hồ sơ doanh nghiệp nộp. Và đây là trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau.
Thứ hai, doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế GTGT đầu vào 10% trong quá trình xây dựng cơ bản. Ví dụ, để xây dựng nhà xưởng, doanh nghiệp sẽ phải mua sắt thép từ doanh nghiệp trong nước và trong giá mua có 10% thuế GTGT. Số thuế GTGT này cũng sẽ được cơ quan thuế xem xét hoàn lại từ những hồ sơ, chứng từ doanh nghiệp nộp.
Trao đổi với TBKTSG, một cán bộ thuế làm việc lâu năm ở TPHCM cho biết, không chỉ doanh nghiệp FDI, như trường hợp của Formosa mới được hoàn thuế GTGT như vậy mà các doanh nghiệp trong nước có hoạt động đầu tư cũng được hưởng chính sách tương tự.
Tuy nhiên, ông này cũng cho rằng, vẫn có thể có những kẽ hở mà doanh nghiệp lợi dụng. Chẳng hạn như việc khai tăng giá trị của thiết bị máy móc nhập khẩu làm tài sản cố định, kiểu giá trị thực một đồng nhưng khai mười đồng. Mục đích là để nâng tiền thuế GTGT lên cao (để nhận lại số tiền hoàn thuế lớn sau đó) cũng như tăng giá trị khấu hao sau này (nhằm đẩy chi phí hoạt động tăng).
Đây là cách mà không ít doanh nghiệp FDI đã làm trong thời gian vừa qua, là lý do lý giải tại sao báo lỗ liên tục (nhằm không phải đóng thuế cho Nhà nước Việt Nam) nhưng “lỗ hoài không chết”! Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan hải quan, cơ quan chức năng về khoa học công nghệ với cơ quan thuế trong việc xác định giá trị thật của máy móc, dây chuyền nhập khẩu làm tài sản cố định. Mục tiêu là đảm bảo số tiền hoàn thuế doanh nghiệp được nhận là đúng.
Minh Tâm
Xem thêm:

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo