Việt Nam Thời Báo

“84 năm Mặt trận”: Chỉ còn ca ngợi độc tôn chính trị


Hòa Cầm
* Tác giả gửi bài cho VNTB

Vào ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng Minh – hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất (ngày nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

Từ đó đến nay, Mặt trận đã tròn 84 tuổi. Quãng đường đi của Mặt trận, là sự chứng kiến thăng trầm của tình đoàn kết dân tộc.

Sự vẻ vang của những ngày đoàn kết dân tộc trong cuộc chiến tranh chống Pháp, đại diện tiếng nói của những con người hướng về lý tưởng cộng sản trong thời kỳ chống Mĩ, và sau đó, là sự chìm vào im lặng sau những năm thống nhất đến nay.

Bởi, Mặt trận ngày càng trở thành tiếng nói của Đảng, tập hợp những sự gượng ép về “đồng thuận cao trong xã hội”. Do đó, Mặt trận có thể là sự sáng tạo độc đáo của ông Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng nó lại được kế thừa một cách quá cẩu thả, và gần như là khô cứng.

Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc từ thôn bản, xóm làng cho đến những kỳ đại hội cấp TƯ trở nên xa lạ trong mắt người dân, với những tham luận, báo cáo dài nhưng quen thuộc về lịch sử vẻ vang, về chủ trương, đường lối của Đảng thay vì nhiệm vụ sát cánh, tập hợp lòng dân trong các vấn đề nóng của xã hội đương đại. Ở Mặt trận, vừa thừa tính Đảng, nhưng lại thiếu tính lý luận cuộc sống và thực tiễn cuộc sống. Đại đoàn kết dân tộc, vốn là chất keo cho sự tồn tại của Mặt trận, thì nay đã trở thành một thứ cực kỳ xa xỉ, vì ngày càng đi ngược lại với lời dặn dò của người sáng lập – ông Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết”. Ở một khía cạnh nào đó, Mặt trận trở thành một bình phong để che chở cho sự bất đồng thuận bên trong xã hội.

Thế nên, người ta coi Mặt trận như là một điểm đến của sự sa cơ thất thế, chứ không phải là một điểm tựa tập hợp lòng dân, nói lên tiếng nói của dân. Và vì vậy, Mặt trận trở nên thừa thãi trong một xã hội mà quyết định của Đảng là “đúng đắn, sáng tạo, văn minh, đạo đức”. Và Mặt trận tự biến mình thành nơi tuyên truyền các Nghị quyết của Đảng, giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng. Từ Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW (27/3/1990) trong Hội nghị 8 – BCH TƯ Đảng (khoá VI) về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”; cho đến Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày (12/3/2003) của Hội nghị 7 BCH TƯ Đảng (khóa IX) về “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Sự ra đời ý nghĩa bao nhiêu, thời kỳ đầu hoạt động vẻ vang bao nhiêu thì bây giờ lại ngược lại bấy nhiêu. Và bản thân Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam bây giờ không còn đủ để xứng đáng với vai trò, vị trí và cả cái tên mà nó mang theo. Bởi ngay khía cạnh tốt nhất mà Mặt trận có thể làm là “phản biện xã hội” đã chuyển thành “tuyên truyền tích cực”.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trở thành một tổ chức ca ngợi độc tôn chính trị thay vì tổ chức liên minh chính trị, do đó “tính liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài” [1] gần như là điều không tưởng về mặt thực chất. Bởi Mặt trận tồn tại một thành viên và cũng là lãnh đạo – Đảng Cộng sản Việt Nam [2].

Cũng phải cảm thông, có lẽ vậy. Vì thành viên kiêm lãnh đạo, đã – đang thao túng, độc quyền đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn và tiến hành công tác tuyên truyền vận động, thuyết phục, tổ chức kiểm tra và bằng sự gương mẫu của đảng viên trong sinh hoạt và hoạt động của Mặt trận. Và tất nhiên, sẽ không thể thiếu cấp ủy Đảng với quyền lực gắn với mệnh lệnh là số 1, buộc mọi cá nhân, tổ chức tham gia Mặt trận phải nghe và theo. Nhiệm vụ duy nhất Mặt trận cần làm là, “đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng”, trong đó có việc “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”. Nói một cách văn vẻ thì Mặt trận vẫn mải mê trong công tác xây dựng Đảng thay vì “giám sát hoạt động” của các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, cán bộ trên cơ sở “phản biện xã hội”.

Ngay cả các thành viên trong liên minh chính trị của Mặt Trận cũng chỉ là những đại diện cho cánh tay nối dài của Đảng, vì không có bất kỳ tổ chức nào mang tính độc lập về thực chất. Do đó, “các thành viên tham gia Mặt trận đều tự giác thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.”

Chủ đề của Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VII (Nhiệm kỳ 2009 – 2014) là “Nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, và còn vài tháng nữa sẽ hết nhiệm kỳ. Nhưng sao, “phát huy” vẫn chưa thấy dân chủ, “tăng cường” nhưng bất đồng xã hội ngày tăng, “xây dựng khối đoàn kết” hoài nhưng chỉ thiểu số giàu lên, nước ngày càng mất thế và lực, xã hội ngày một bất công, dân chủ là hiếm thấy, văn minh là sự xa lạ.

Tại sao?

Ai cũng hiểu, chỉ vài một nhóm người là không chịu hiểu!

—–

[1] Khoản 1, Điều 9, Hiến pháp 2013.
[2] Khoản 2, Điều 1, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1999).

Tin bài liên quan:

Phủ bỏ giám sát: Đảng hóa nhà nước?

Phan Thanh Hung

VNTB – Bộ Công an muốn làm từ thiện?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Quyền không tham gia Mặt trận Tổ quốc

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.