Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ông Nguyễn Phú Trọng chính thức tái đắc cử TBT: ‘ông Trọng là người thận trọng’?

Lê Kiên (VNTB) Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử trong nhiệm kỳ mới, sau khi BCH T.Ư khóa XII họp và bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Trước đó, ông Nguyễn Phú Trọng được BCH T.Ư khóa XI coi là  trường hợp đặc biệt và giới thiệu BCH T.Ư khóa XII xem xét quyết định trong tái cử. 

Tổng bí thư là chức danh được trông đợi nhiều nhất, sau chức vụ Thủ tướng, nhất là khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu về mặt kinh tế và chính trị hiện nay.

Các đại biểu Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII – Ảnh: TTXVN
Trong một bài phỏng vấn bởi báo VNN, luật sư Lê Đức Tiết, nguyên Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ VN cho biết, ông kỳ vọng Tổng Bí thư trong nhiệm kỳ mới phải là “người cứng rắn, quyết liệt hơn trong vấn đề an ninh chủ quyền, phải rõ thái độ.”

Liên quan đến các vấn đề này, các nhà phân tích trên các trang truyền thông nước ngoài đề cập đến việc, không mong đợi sự thay đổi chính sách tổng thể của Việt Nam, bất kể ai nắm chức vụ Tổng Bí thư – vì tính chất chính trị thống nhất theo định hướng của đảng chi phối hoàn toàn chính sách kinh tế.

Việc ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức vụ, gián tiếp xác thực “thỏa hiệp chính trị”, theo đó, ông Trọng sẽ ở lại 2 năm để tăng cường tính lãnh đạo của Đảng trong bộ máy chính phủ với sự hỗ trợ của một Thủ tướng “trung lập” và một Chủ tịch nước “đồng minh”. Sau đó sẽ trao trả chức vụ này cho người khác tại hội nghị giữa nhiệm kỳ của đảng vào năm 2018. 

Trong một bài viết liên quan, Reuters dẫn nhận định của bà Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng đầu tư Natixis, cho rằng dù thế nào đi nữa, thì những tân lãnh đạo phải có những bước đi cần thiết để giúp Việt Nam tránh bẫy thu nhập trung bình.

Ông Trọng là người thận trọng

Việt Nam luôn tồn tại một mối quan hệ mâu thuẫn với Trung Quốc. Mặc dù là đối tác thương mại lớn nhất của mình, nhưng Bắc Kinh luôn là yếu tố gây mất an ninh, ổn định của Việt Nam, nhất là khi vấn đề chủ quyền giữa hai quốc gia gia tăng trong những năm gần đây. Trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được xem là cứng rắn với Bắc Kinh, thì Tổng bí thư Trọng lại được xem là mềm mỏng với Trung Quốc.

Vào trung tuần tháng 12/2015, trong buổi tiếp xúc cử tri ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định, dù có bất ổn trên Biển Đông liên quan đến dàn khoan HD-981, nhưng đến nay, Việt Nam vẫn giữ được ổn định, an sinh xã hội thậm chí nhiều mặt cải thiện, và theo đó Việt Nam sẽ “chơi với mọi người nhưng không phụ thuộc vào ai cả”. Điều đó đảm bảo được môi trường ổn định, hòa bình để phát triển.

“Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình thế nào? Giờ ta có ngồi đây mà bàn tổ chức Đại hội Đảng được không?,” ông Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề.

Còn đối với vấn đề nội bộ, vị Tổng bí thư này cũng cho hay, “không cẩn thận thì sự phá hoại đến từ bên trong chứ không phải bên ngoài”. Trong một bài phát biểu khai mạc ĐH XII, ông gián tiếp cáo buộc ông Nguyễn Tấn Dũng quản lý yếu kém về kinh tế và làm tham nhũng tràn lan.

“Tham nhũng, lãng phí vẫn còn vấn đề nghiêm trọng… gây bất bình trong công chúng, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước,” bài phát biểu khai mạc ĐH XII.

Tham nhũng, yếu kém quản lý kinh tế được người đứng đầu Đảng coi là yếu tố đe dọa trực tiếp sự tồn vong của chế độ. 

Năm 2011, khi ông Nguyễn Phú Trọng nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư, ông đã bị coi là người có xu hướng “thân Trung Quốc”, nhưng về sau này, những quan điểm đó đã trở nên không vững chắc vì ông đã có chuyến thăm lịch sử tới Mỹ vào năm ngoái, gặp Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. Cũng như ủng hộ ký kết TPP vào tháng 2/2016, và hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác với các nước khác.

The Straits Times (TST) cho hay, ông Trọng được xem như là một người bảo thủ về mặt lý luận, nhưng cũng đồng thời nó cũng hàm ý ông là tuýp người thận trọng đối với sự cải cách.

“Ông ấy không chống cải cách. Ông có một cách tiếp cận thận trọng để cải cách. Ông nghĩ rằng nó nên được thực hiện từ từ,” TS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore chia sẻ với TST. 

“Khi đứng đầu Đảng, ưu tiên của ông ấy sẽ là duy trì sự cầm quyền của đảng. Nếu cải cách này là quá rộng hoặc quá nhanh, nó có thể gây bất ổn cho các bên,” TS Hiệp nhấn mạnh.

Còn ông Miguel Chanco, một nhà kinh tế của Economist Intelligence Unit – có trụ sở tại Singapore, nói với The Straits Times: “Họ muốn sự ổn định. Bất kể sự thay đổi lãnh đạo nào, thì tự do hóa thị trường vẫn là yếu tố của 5 năm tới.”

Tin bài liên quan:

Đại hội XII: Không đề cử, ứng cử nhân sự ngoài danh sách

Phan Thanh Hung

VNTB – Biếm họa cuối năm: “mừng đảng, mừng Xuân”

Phan Thanh Hung

VNTB – Lãnh đạo tương lai của Việt Nam không đơn thuần là ‘thân Tây, thân Tàu’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo