Trần Thành – Nguyễn Phúc (VNTB) Hình ảnh người dân cả 3 miền Bắc Trung Nam đang ăn dầm nằm dề suốt 20 năm qua tại các trụ sở tiếp dân của các cơ quan chính phủ và cơ quan đảng ở Hà Nội, cho thấy dường như hệ thống pháp luật của Việt Nam mấy mươi năm qua trầy trật trong tìm kiếm một thể chế thích hợp – như lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài viết “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức-Hành động của chúng ta” được báo chí đăng tải hôm 15-2, là: “Nhiều nghiên cứu và từ thực tiễn các nước đều khẳng định rằng, thể chế quản trị quốc gia là yếu tố quyết định nhất đến sức cạnh tranh vĩ mô và sự phát triển của một nền kinh tế. Phát triển nhanh và bền vững hay trì trệ, tụt hậu chủ yếu là do chất lượng thể chế”.
Hình ảnh minh họa. |
Thể chế chính trị của VN suốt 86 năm qua là “quan đầu tỉnh” về mặt “thủ tục hành chính” là ông, bà chủ tịch tỉnh, thành phố. “Quan đầu tỉnh” về mặt “toàn quyền sinh sát” lại thuộc về người đang ngồi ghế bí thư tỉnh, thành phố. Do đó nhiều vụ khiếu nại, tố cáo về đất đai của người dân khi đã cù nhầy rồi, thì nó sẽ tiếp tục là chiếc đèn cù đưa qua, đẩy lại giữa các cơ quan thuộc hai “quan đầu tỉnh” này.
Các loại khiếu nại thường gặp
Thứ nhất, là khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Với lý do để thực hiện chính sách phát triển kinh tế, xã hội đất nước, Nhà nước – thực chất là các doanh nghiệp thuộc nhà nước, hay cơ quan đảng, đã tiến hành thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ cho các dự án phát triển. Văn bản luật ban hành có nói về vấn đề bồi thường và hỗ trợ và tiến hành tái định cư cho những diện bị thu hồi nhiên trên thực tế một số dự án chưa có khu tái định cư hoặc chưa giải quyết tái định cư nhưng vẫn được ông nhà nước quyết định thu hồi đất ở.
Đã vậy, những trường hợp bị thu hồi đất ở thì tiền bồi thường không đủ để mua nhà ở mới tại khu tái định cư. Giá đất bồi thường thấp hơn giá đất cùng loại trên thị trường, đặc biệt là đối với đất nông nghiệp trong khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn. Tiền bồi thường đất nông nghiệp thường không đủ để nhận chuyển nhượng diện tích đất nông nghiệp tương tự, hoặc không đủ để nhận chuyển nhượng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp để chuyển sang làm ngành nghề khác.
Do các công việc đền bù này đều đến từ bài toán lợi nhuận của những con buôn quốc doanh – tức các công ty thuộc bộ, ngành, nên nhìn chung các địa phương cũng lơ là chưa coi trọng việc lập khu tái định cư chung cho các dự án trên cùng địa bàn. Một số khu tái định cư đã được lập nhưng không bảo đảm điều kiện tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, giá nhà ở tại khu tái định cư còn tính quá cao nên tiền nhận bồi thường không đủ trả cho nhà ở tại khu tái định cư.
Thứ hai, là khiếu nại về việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là dạng khiếu nại rất phổ biến hiện nay. Dạng khiếu nại này phát sinh một phần từ sai sót của cơ quan có thẩm quyền, như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai sót về tên chủ sử dụng, sơ đồ thửa đất, diện tích… Có những trường hợp, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không có lý do chính đáng, hoặc lý do không rõ ràng. Các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết lại không giải thích rõ cho dân hiểu lý do tại sao không cấp giấy. Quá trình giải quyết hồ sơ diễn ra chậm, gây phiền hà, sách nhiễu… gây khó khăn cho người sử dụng đất. Một nguyên nhân khác là do quy hoạch treo, hoặc do người dân không chấp nhận dù lý do không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chính đáng theo cách hiểu của chính quyền rằng “đất đai là sở hữu toàn dân”!….
Thứ ba, là khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm chế độ quản lý, sử dụng đất đai. Nội dung khiếu nại này cũng có nhiều dạng. Một số bộ phận người dân không nắm rõ về Luật Đất đai và Luật Khiếu nại, Tố cáo nên phát sinh tình trạng vi phạm pháp luật, hoặc các trường hợp lấn chiếm, vi phạm quy tắc xây dựng.
Một số người mặc dù khá am hiểu pháp luật nhưng vẫn cố tình vi phạm, khi bị phát hiện và xử phạt thì kiên trì khiếu nại. Cũng nói thêm, chuyện cố tình vi phạm này có lý do là những trường hợp vi phạm tương tự của các quan chức vẫn được cho qua – như vụ các biệt phủ, biệt điện ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng, nên “án lệ” này phải được thực hiện trong những trường hợp tương tự. Bên cạnh đó cũng có phần trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết, như: ra quyết định xử phạt sai đối tượng, bị nhầm lẫn, sai tên chủ sử dụng; việc thi hành quyết định xử phạt có sai sót hoặc sai pháp luật; việc ra quyết định không đúng căn cứ pháp luật; việc ra quyết định quá nhẹ hoặc quá nặng (về mức phạt hoặc hình thức phạt) hoặc thiếu trách nhiệm, thiếu khách quan.
Thứ tư, là khiếu nại việc giải quyết các tranh chấp về đất đai của các cơ quan nhà nước. Khiếu nại trong lĩnh vực này cũng rất phức tạp và đa dạng, như: khiếu nại việc giải quyết tranh chấp đòi lại đất cũ, đòi lại đất, tài sản của dòng họ, của người thân trong các giai đoạn khác nhau, qua các cuộc điều chỉnh đã giao cho người khác sử dụng.
Đòi lại đất cũ do trước kia thực hiện chính sách “nhường cơm sẻ áo” (tên gọi khác của dùng áp lực chính trị) của Nhà nước trong những năm 1981 – 1986, đã “nhường đất” cho người khác sử dụng nay họ đòi lại. Đòi lại đất khi thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp, theo mô hình sản xuất tập thể quản lý tập trung.
Các loại đơn giản hơn là khiếu nại việc giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, thừa kế tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất; tranh chấp ranh giới sử dụng đất; tranh chấp nhà đất do đã cho mượn, cho thuê, cho ở nhờ; giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất; giải quyết tranh địa giới hành chính.
Những ai thường xuyên bị tố cáo?
Thứ nhất, tố cáo cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lợi dụng các chương trình, dự án của nhà nước để bao chiếm ruộng đất, chia chác đất đai, nhất là đối với chương trình trồng rừng, các dự án phát triển khu dân cư, các dự án tái định cư.
Thứ hai, tố cáo cán bộ cửa quyền, nhũng nhiễu trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, như: giao đất; cho thuê đất; cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không thực hiện đăng trình tự, thủ tục thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ.
Thứ ba, tố cáo chủ tịch UBND tỉnh, thành phố giao đất trái thẩm quyền; giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng, không đúng quy hoạch; sử dụng tiền thu từ quỹ đất công ích (5%) trái quy định của pháp luật.
Thứ tư, tố cáo hành vi gian lận trong việc lập phương án bồi thường về đất đai để tham ô, như lập hai phương án bồi thường cho người có đất bị thu hồi riêng, để thanh toán với Nhà nước riêng.
Thứ năm, tố cáo hành vi trục lợi về đất đai thông qua việc lập phương án hoặc điều chỉnh phương án quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn không phù hợp với thực tế, gây xáo trộn không cần thiết đối với đời sống nhân dân.
Không thay đổi thể chế đừng mong hết “dân oan”
Lịch sử khẩn hoang vùng đất Nam bộ cho thấy, đất đai có được như ngày hôm nay hoàn toàn là do những người dân khai phá theo dòng di dân nhiều dân Việt ở Đàng Trong bỏ dải đất miền Trung khắc nghiệt, vào khai khẩn đất làm ruộng ở Bà Rịa, Đồng Nai, Sài Gòn vốn là đất của Chân Lạp, nhưng không gặp phản kháng gì đặc biệt. Năm 1623 chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhân quan hệ hữu hảo với vua Chân Lạp Chey Chetta II (cha vợ – con rể), đã mượn vùng đất Prey Nokor (Sài Gòn ngày nay) của Chân Lạp đặt trạm và quan chức thu thuế lưu dân Việt đang sinh sống xung quanh ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bà Rịa…
Như vậy, với các phong tục, tập quán truyền thống, hương ước, luật tục với quan niệm đất đai là của ông cha, tổ tiên để lại nên không thể nói đất đai là của nhà nước. Hơn nữa cụm từ “nhà nước” rất khó thuyết phục người dân trong vấn đề sở hữu đất đai, vì lịch sử của Việt Nam loạn lạc chiến tranh, hễ thế lực nào đó lên cầm quyền lại nhân danh “nhà nước” để quốc hữu hóa đất đai của người dân.
Nhà nước CHXHCN Việt Nam không chấp nhận quyền sở hữu đất đai của tư nhân. Do đó, các luật liên quan như Luật Đất đai, Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Khiếu nại tố cáo, Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính… khi vận dụng trong xử lý những khiếu nại, tố cáo về đất đai còn chồng chéo, mâu thuẫn. Ngay cả nếu chấp nhận quyền sở hữu đất đai là của toàn dân (một cách gọi khác của đất đai thuộc sở hữu Nhà nước, vì có quyền sở hữu nên Nhà nước mới ban hành được các loại văn bản “thu hồi đất đai”!), thì chính sách, pháp luật về đất đai cũng chưa theo kịp cơ chế kinh tế thị trường. Đặc biệt là chính sách tài chính đất đai chưa điều tiết hoặc đã điều tiết, phân phối nhưng chưa hợp lý phần giá trị tăng thêm mang lại từ đất khi sử dụng đất cho các dự án đầu tư như trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi…
Từ yêu cầu phải thay đổi thể chế để phù hợp với các cam kết quốc tế mà TPP là một đơn cử, cho thấy để Luật Nông trại mà Hoa Kỳ đặt ra trong một đàm phán với Việt Nam về TPP có thể thực thi, Việt Nam cần thay đổi trước tiên là thể chế chính trị, phải công nhận và không được hạn chế quyền sở hữu đất đai là của tư nhân. Khi ấy, hàng loạt vấn đề liên quan đến khiếu nại, tố cáo về đất đai như nêu ở trên mới cơ bản giải quyết.