Đỗ Đăng Bắc
(VNTB) – Dẫu cho phán quyết của quan tòa thế nào, thì trong lòng mọi người dân VN, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh không chỉ là người vô tội, mà còn là người có công với dân với nước.
Cuối cùng thì dư luận cũng không có gì phải ngạc nhiên về phiên tòa xử Anh Basam Nguyễn Hữu Vinh: Vẫn là một phiên tòa công khai, nhưng không phải ai cũng được vào dự, kể cả người đó có là phóng viên, người thân của bị cáo hay nhà ngoại giao nước ngoài.
Đảng có nhiều kinh nghiệm trong các phiên xử những đối tượng như Nguyễn Hữu Vinh. Trước Nguyễn Hữu Vinh đã có Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, LS Lê Quốc Quân, Trương Duy Nhất…cũng cùng phạm một “tội” như Ba Sàm, và hôm nay kịch bản đó lại được lặp lại…
Với các LS, dù không bảo vệ được thân chủ của mình, thiết nghĩ có một việc quan trọng không kém, ấy là phải làm sáng tỏ nền pháp chế XHCN đảm bảo tính dân chủ cỡ nào trong tranh tụng để buộc tội một công dân trước tòa.
Nếu Nguyễn Hữu Vinh bị kết tội, thì phải là “tội” chính trị. Nếu bị khép vào tội hình sự, thì đó là điều hết sức bất công. Tội hình sự, nghĩa là Nguyễn Hữu Vinh bị đánh đồng hạng với Dương Chí Dũng cùng các đồng chí của Y; bị cho vào cùng rọ với bọn giết người máu lạnh, dân đâm thuê chém mướn, bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân, nghĩa là bị xếp cùng hạng với những kẻ thực sự có tội…
Trong quá khứ, những người “một lòng một dạ đi theo cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo “sáng suốt” của đảng”, chính là những người thuộc giai cấp công-nông, những tầng lớp bần cùng của xã hội. Trong số những người theo đảng CSVN làm “cách mạng” còn có nhiều những nhà trí thức, những nhà tư sản hoặc con em tư sản. Họ thuộc tầng lớp thượng lưu của xã hội. Họ từ bỏ mọi quyền lợi, danh vọng để đi làm “cách mạng”. Họ đi theo đảng, bất chấp nhà tù hay máy chém. Không phải quyền lực hay danh lợi gì đang thôi thúc họ. mà là họ cảm thấy “Mặt trời chân lý chói qua tim…”.
Lý tưởng dành lại độc lập cho nước, ấm no hạnh phúc cho dân còn tinh khôi, trong sáng cảm biến họ nên những con người cách mạng… Nhiều người trong số họ đã bước lên máy chém cách hiên ngang, đã chịu cùm kẹp trong những địa ngục trần gian bởi chính quyền thực dân đế quốc.
Ngày nay, để làm một cuộc cách mạng mới, (còn gian nguy hơn những người đi làm cuộc cách mạng “phản đế phản phong” xưa kia), những nhà “tư sản đỏ” như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Chí Dũng… cũng sẵn sàng từ bỏ mọi lợi quyền vật chất và quyền lực để dấn thân. Khác một điều, những nhà cách mạng xưa bị chính quyền thực dân bắt bớ giam cầm. Còn ngày nay những nhà cách mạng như Nguyễn Hữu Vinh bị chính đảng mình, đồng chí mình cầm tù, truy bức. Với những người bần cố nông xưa, hay dân oan nay mà đi làm cách mạng là điều dễ hiểu, vì họ “không còn gì để mất”. Còn Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Cù Huy Hà Vũ, Phạm Chí Dũng…, những “con cưng” của chế độ, đã noi gương Chúa cứu thế rời bỏ Thiên cung, noi gương Phật từ bỏ ngai vàng mà cứu nhân độ thế. Các anh thật xứng danh anh hùng!… Nguyễn Hữu Vinh bị đảng buộc tội. Và anh sẽ được Nhân Dân gỡ tội… Đó là sự thật trần trụi. Đơn giản là vì trong khi có công với người này, anh lại có tội với kẻ kia. Anh tiếp tục phải ngồi tù… cho đến khi nào quyền lực không còn thuộc về đảng.
Nguyễn Hữu Vinh không bị lĩnh mức án 20 năm khổ sai như chế độ phân biệt chủng tộc Apactheid từng kết án Nelson Mandela. Nhưng nếu điều đó có xảy ra, có lẽ Nguyễn Hữu Vinh cũng sẽ đương đầu nổi, vì được đảng “tôi luyện”. Khác là giờ, lý tưởng của đảng đã không còn là lẽ sống của ông… Nelson chống phân biệt chủng tộc là khi ông nghĩ tới một Cộng hòa Nam Phi tương lai mà ở đó mọi dân tộc, mọi màu da sống bình đẳng, bác ái chứ không phải cái chức tổng thống da đen đầu tiên, hay bức tượng đồng đen giữa quảng trường trung tâm London.
Nguyễn Hữu Vinh cũng có lý tưởng cao đẹp. Nếu không, điều gì đã khiến ông vứt bỏ danh vọng và quyền lực để sẵn sàng đón nhận nhà tù? Nhà tù đã không khuất phục nổi ông thì phiên tòa này chẳng hề nung lạc được ông…
Dẫu cho phán quyết của quan tòa thế nào, thì trong lòng mọi người dân VN, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh không chỉ là người vô tội, mà còn là người có công với dân với nước.
Basam Nguyễn Hữu Vinh khi vứt bỏ mọi lợi quyền để tiến hành cuộc tranh đấu đầy gian khổ và hiểm nguy, hẳn không nghĩ mình là một anh hùng.
Nhưng “Thời thế tạo anh hùng.”. Hôm nay anh đã là một tượng đài sống.
Nhà tù chỉ có thể giam giữ được thân xác.
Nhà tù không thể bẻ gãy được ý chí của con người có lý tưởng xả thân như anh.