VNTB xin đăng lại loạt bài phóng sự của hai phóng viên, nhà báo Hoàng Anh – Thiên Nhân (báo Nông nghiệp Việt Nam) được đăng tải từ ngày 6/7/2015. Nội dung phản ánh về việc lạm thu phí của chính quyền cơ sở ở Can Lộc (Hà Tĩnh), khiến người dân buộc phải viết đăng trả ruộng vì… kiệt quệ khả năng sản xuất. Nơi mà người dân buộc phải đóng “Phần thu của xóm hết 558 nghìn đồng, phần thu của xã hết 928 nghìn đồng.”.
Trong một sự kiện có liên quan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lần đứng tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington DC ngày 8/7 đã trả lời học giả Mỹ nước này rằng: “Bảo đảm và cải thiện quyền của công dân là ưu tiên cơ bản và chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức, nếu các bạn đến VN sẽ thấy quyền của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như người nghèo, các dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, được quan tâm.”.
Và rằng, “Người dân VN chưa bao giờ được sống trong bầu không khí dân chủ như hiện nay.”.
Tự hỏi, nếu Tổng Bí Thư đọc được loạt bài phóng sự này, trong đó có đoạn miêu tả: “Ngoài hai tạ trừ ăn, ba tạ bán không đủ tiền trả nợ. Tiền lồng, tiền tuốt nợ từ vụ trước, gặt về, chủ nợ lăm le đến đòi mấy lần rồi nhưng lần nào bà cũng khóc xin khất để ‘ưu tiên’ nộp sản cho xã trước ‘không người ta réo tên trên loa, người ta phạt 5%, người ta cắt giao dịch giấy tờ, quá tội.” thì liệu Tổng bí Thư còn có tự hào “dân chủ kiểu Việt Nam” thế hay không?
Với vị trí là giáo sư chuyên ngành Xây Dựng Đảng, hẳn Tổng Bí thư đã biết rõ về việc các cuốn sách lịch sử Đảng đã lên án các trường hợp “bần cùng hóa bằng tô thuế, và cướp ruộng đất nông dân” vào thời… Pháp thuộc!
“Dựa vào sự chiếm hữu ruộng đất, giai cấp địa chủ phong kiến bóc lột nông dân dưới hình thức địa tô, nợ lãi và thuê mướn bóc lột nhân công. Trong đó, bóc lột bằng nợ lãi là hình thức bóc lột phổ biến của địa chủ và là gánh nặng đổ lên đầu nông dân. Sau khi nộp tô cho địa chủ, người nông dân không còn đủ sản phẩm để nuôi sống gia đình, phải đi vay lãi. Đây là dịp để địa chủ thực hiện việc tước đoạt nốt ruộng đất và tài sản cuối cùng của nông dân.”
Và cái tình cảnh người nông dân xã Can Lộc (Hà Tĩnh) sao quen thuộc thế?
Một lần nữa, với cương vị là nhà nghiên cứu Xây dựng Đảng, là người đứng đầu Đảng Cộng sản đang cầm quyền trong xã hội Việt Nam. Phiền Tổng bí thư giải thích vì sao, đời sống người nông dân tại vùng đất cách mạng Can Lộc (Hà Tĩnh) – nơi một phần từng là góp phần làm nên phong trào Công – Nông rộng lớn dưới tên gọi “Xô Viêt Nghệ Tĩnh” (1930) tại sao lại rơi vào bế tắc, bần cùng? Trong khi đó, vấn đề ruộng đất và giải phóng ruộng đất Việt Nam được đặt ra từ rất sớm, ngay trong Luận cương chính trị tháng 10/1930 đã khẳng định, cách mạng Việt Nam phải “giải quyết hai nhiệm vụ chiến lược là đánh đế quốc giành độc lập dân tộc và đánh đổ phong kiến giành ruộng đất cho nông dân.” Và “giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân chính là bảo đảm quyền dân chủ cơ bản về mặt kinh tế của nông dân.”
Vậy mà tại cái vùng đất cách mạng làm nên hình hài cho Đảng ngày hôm nay, cái “quyền dân chủ cơ bản về mặt kinh tế” đó không những không được đảm bảo mà còn bị tước đoạt.
Tổng Bí thư “tự hào dân chủ” ở nước ta nhưng đó là thứ dân chủ đặc quyền danh riêng cho giới lãnh đạo, còn với người dân, “bầu không khí dân chủ” là thứ xa xỉ mà họ chưa từng mơ đến. Người nông dân Việt Nam qua cái nhìn của nông dân vùng Can Lộc – Hà Tĩnh với “Gánh nặng quê nghèo loạn thu chi, biến tướng thu chi, chính sách T.Ư không được thực hiện, thậm chí có còn có thứ quỹ dùng để ‘nuôi cán bộ’, […] Và một gia đình nông dân thuần túy, không vay mượn, làm thuê, làm mướn thì chỉ có nước bỏ làng đi biệt xứ.”
Cũng trong ngày hôm nay, một người nông dân ở Hải Dương đã bị xe xúc đất cán thẳng qua người, lý do, giá đền bù đất ruộng với họ quá thấp.
Hàng trăm ngàn vụ việc liên quan việc, quyền lợi đất đai bị nhà nước và phía doanh nghiệp tước đoạt, và hằng ngày họ vẫn trụ vững ở hai điểm tiếp dân tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nó là “hiện tượng” hay nó chính là “bản chất” thưa GS, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Vậy vấn đề dân chủ cơ bản đó cho người nông dân đã được thực hiện ra sao thưa Tổng Bí thư! Xin mời độc giả, và Tổng Bí thư hãy đọc loạt bài phóng sự của các nhà báo (Báo Nông Nghiệp Việt Nam) để thấy nông dân đang được hưởng thứ “dân chủ thực tế” ra sao.
Các khoản thu đang trở thành gánh nặng đối với người nông dân Can Lộc |
Bà Lê Thị Hương liên tục khóc khi kể về các khoản thu |
Mấy chục năm rồi, nhiều hộ dân ở Thường Nga vẫn còn lưu giữ phương án thu nộp sản phẩm của gia đình họ. Anh Nguyễn Hải Đường, ở thôn Đất Đỏ nói với tôi: Hàng chục năm trước, mỗi lần đến chiến dịch, lúa tươi gặt về mới chỉ đến sân người ta đã ập đến gạt phần rạ đi mà xúc để đủ chỉ tiêu.
Bây giờ có khá hơn là xã vận động người dân tự mang lên điểm thu nộp nhưng về bản chất nhiều gia đình vẫn phải bán sạch lúa, thậm chí là vay mượn để mà đóng đậu.
Em gái tôi từng nghĩ quẩn: Hay em ra đường cho xe tông chết đi để nhà ta lấy tiền đền mà nộp sản? Ký ức hãi hùng về chiến dịch thu sản vẫn còn ám ảnh người nông dân xứ này hàng chục năm nay.
Phương án thu các loại quỹ, thuế, phí năm 2015 tại xã Thường Nga |
Kỳ II: Gánh nặng quê nghèo: Ròng rã hơn 10 năm gánh các khoản thu phi lý