Xã hội dân sự có là “ngáo ộp”
Chủ đề xã hội dân sự chỉ được nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đề cập ngắn gọn trong khoảng 6 phút, nhưng đã để lại sự quan tâm đặc biệt tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2014.Ông Tuyển nói: “Tôi suy đoán rằng cái mà chúng ta kỵ cụm từ xã hội dân sự cũng giống như chúng ta đã từng kỵ thể chế kinh tế thị trường, coi đó là một sản phẩm của kinh tế tư bản. Và bây giờ, chúng ta cũng đang coi xã hội dân sự như là cấu trúc chính trị của chủ nghĩa tư bản.”
Ông giải thích, thể chế thị trường hiện đại bao gồm ba trụ cột là thị trường, Nhà nước và các tổ chức xã hội dân sự, trong đó thị trường đảm bảo các yếu tố quyết định phân bổ hiệu quả các nguồn lực, đảm bảo dịch chuyển nguồn lực; Nhà nước xử lý những thất bại của thị trường, dùng chính sách để điều tiết; và các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò phản biện, xây dựng chính sách, và giám sát thực thi chính sách.
Trích dẫn Karl Marx, rằng bản chất của nhà nước là có tính chất quan liêu, ông Tuyển cho rằng, xã hội dân sự giúp phát huy dân chủ để khắc phục sự quan liêu đó. Ông nhắc lại Thủ tướng cũng yêu cầu phát huy dân chủ trong bản thông điệp đầu năm.
Ông Tuyển, vừa trở về từ cuộc đàm phán song phương Việt Nam – Hoa Kỳ về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở Washinton DC hôm Chủ nhật 27-4, nói ông lo ngại “thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay không tương thích với TPP”. Ông giải thích: “Ví dụ, trong TPP đề cao vai trò của xã hội dân sự, đề cao sự tự do thành lập các hiệp hội. Đây là vấn đề rất nhạy cảm về chính trị với chúng ta”.
Phải có chủ thuyết phát triển
Bài phát biểu của ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2014 được nhiều người đánh giá cao. Liên quan đến vấn đề cải cách thể chế để tạo ra động lực mới cho phát triển, ông Bá đưa ra sáu đề xuất. “Thứ nhất, chúng ta chưa có chủ thuyết phát triển của Việt Nam. Tôi đề nghị cần nghiên cứu cụm từ ấy theo nguyên tắc, cái gì có lợi cho đất nước này, cái gì có lợi cho dân tộc này thì làm, cái gì không có lợi thì bỏ, không câu nệ gì hết. Đây là thời điểm tốt khi Đảng đang chuẩn bị Đại hội lần thứ XII.Thứ hai, nói đến thể chế là nói đến vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế. Tôi đồng ý. Nhưng còn vế thứ hai, là trên cơ sở xác định rất rõ chức năng, nhiệm vụ kinh tế của Nhà nước thì phải phân định rạch ròi nhiệm vụ của các cơ quan, các bộ phận. Ví dụ, Đảng ra chiến lược phát triển 10 năm, Quốc hội quyết định kế hoạch 5 năm, Chính phủ quyết định hàng năm. Khi đã minh định như vậy thì cứ thế mà làm. Thứ ba, phải làm rõ trách nhiệm và phải có chế tài đối với cơ quan công quyền khi không thực hiện nhiệm vụ. Quốc hội, Chính phủ mà làm sai thì chế tài thế nào? Quốc hội thông qua luật mà luật không đi vào cuộc sống thì phải chế tài chứ. Chính phủ cũng thế. Các cơ quan công quyền phải làm việc có trách nhiệm.
Thứ tư, có một số tổ chức phải đưa ra ngoài Quốc hội, Chính phủ để đảm bảo tính trung thực và chính xác được. Tôi đề nghị kiểm toán, ngân hàng trung ương, thống kê phải đưa ra ngoài, cấp trên của các cơ quan này chỉ là luật pháp. Kiểm toán cũng phải kiểm toán cả Quốc hội và bất kỳ cơ quan nào tiêu tiền ngân sách. Thứ năm, đã đến lúc phải tổ chức lại chính quyền nhà nước ở các địa phương, nên xem xét thành lập chính quyền cấp vùng. Đề nghị chính quyền địa phương không làm kinh tế, tỉnh nào cũng phát triển công nông nghiệp, dịch vụ. Lúc ấy họ mới ra khâu quy hoạch, chiến lược có giá trị.
Thứ sáu, phải nhanh chóng ban hành một số luật, ví dụ trưng cầu ý dân, luật về xã hội dân sự.
Theo tôi, động lực mới chỉ có từ cải cách thể chế. Đất nước này muốn phát triển lớn thì phải có đột phá, phải dám làm mạnh mẽ”.