Thiên Điểu
(VNTB) – Các rắc rối ngoại giao liên quan chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng có thể bắt nguồn từ chủ ý được đưa ra liên quan thông điệp dứt khoát này…
Dư luận trong nước và quốc tế đang đổ dồn vào động thái Hoa Kỳ cho máy bay và tàu tuần dương vào tuần tra khu vực Biển Đông, nơi Trung Quốc đang gia tăng hoạt động bồi đắp các đảo chìm chiếm đóng của Việt Nam xung quanh hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Có nhiều quan ngại rằng hành động này có khả năng làm gia tăng nguy cơ xung đột nguy hiểm. Trong đó, dư luận trong nước ở Việt Nam đang đặc biệt chú ý mạnh mẽ đến các động thái của chính quyền Việt Nam.
Động thái ra tuyên bố kêu gọi “các bên không làm phức tạp thêm” tình hình Biển Đông, cùng với cuộc gặp mặt trực tiếp của đích thân Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn với Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tại cửa khẩu Lào Cai ngày 15/5 vừa qua bị giới truyền thông lề trái, các blogger, những người hoạt động trên mạng xã hội xem như chỉ dấu về một sự thỏa hiệp, đầu hàng của chính quyền Việt Nam trước Trung Quốc.
Vốn là tiếng nói từ phong trào đòi dân chủ, ủng hộ một thể chế chính trị dân chủ kiểu Mỹ nên giới lề trái trên cộng đồng mạng xem động thái tuần tra của Mỹ là một hành động tích cực, được chào đón là đương nhiên. Các chỉ dấu đi ngược lại hay cản trở Mỹ tuần tra bị quy tội “phản quốc” tuy nặng nề và ít nhiều có chút võ đoán, nhưng không phải không có lý trước thực trạng các đối sách của Việt Nam bao năm qua luôn đẩy Việt Nam vào thế thua thiệt cả về chủ quyền lẫn lãnh thổ.
Mất nốt mấy đảo còn lại ở Hoàng Sa, mất thêm một số đảo ở Trường Sa, mất đất biên giới trên bộ, lệ thuộc kinh tế, nợ nần với Trung Quốc… Trong đó đặc biệt chú ý là cuộc chiến đẫm máu mà TQ chiếm Gạc Ma, Vành Khăn… từ tay Việt Nam trong khi binh lính VN không được phép nổ súng là dấu ấn nặng nề nhất. Ít nhất, nó chính là các minh chứng không thể chối cãi rằng: Chính quyền Việt Nam luôn thua trước Trung Quốc.
Cuộc chơi bất ngờ
Động thái tuần tra Biển Đông của Mỹ được cho là bất ngờ nhưng nó đã được cảnh báo từ lâu. Trung Quốc thừa hiểu sớm muộn Mỹ cũng sẽ làm để can thiệp vào âm mưu bành trướng đường lưỡi bò trên biển. Lợi dụng khi Mỹ và đồng minh đang lo đối phó với các vấn đề ở vùng Vịnh và Ucraine, TQ đã tranh thủ gấp rút gia tăng hoạt động bồi đắp các đảo nhân tạo nhằm đặt Mỹ vào thế ”việc đã rồi”. Có thể điều TQ không lường tính hết là cuộc xung đột giữa Mỹ và đồng minh với Nga ở Ucraine. Nhằm lợi dụng Nga trong vấn đề Ucraine, TQ nhanh chóng thiết lập một quan hệ mạnh hơn với Nga bằng các thỏa thuận kinh tế trong lúc Mỹ và đồng minh liên tục gia tăng trừng phạt lên Nga. TQ hi vọng Mỹ và đồng minh lún sâu vào vũng lầy ở đây để họ rảnh tay bành trướng Biển Đông. Nhưng Tổng thống Nga Putin đã chứng minh là một chính khách bản lĩnh vượt trội khi đã tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề Ucraine bằng bước nhượng bộ hợp lý, đúng thời điểm và có lợi nhất cho Nga, giúp Mỹ nhanh chóng quay sang Biển Đông đối phó với TQ sớm hơn.
Ucraine có quan hệ chặt chẽ với Châu Âu hơn là với quyền lợi Mỹ khi so sánh với Biển Đông. Với sự liên kết và sức mạnh của các đồng minh Mỹ ở Âu châu, vấn đề Ucraine có nhiều lựa chọn để giải quyết sau. Trong khi vấn đề Biển Đông sẽ không thể giải quyết nếu như TQ đã hoàn tất việc xác lập chủ quyền theo đường lưỡi bò. Đây mới chính là nguyên nhân tại sao Mỹ có hành động mạnh mẽ, bất ngờ và quyết liệt như vậy.
Chính kiến hay con rối?
Nói tới Biển Đông, đương nhiên không thể không nói tới vai trò của Việt Nam – đất nước có phạm vi lãnh hải và vị trí địa chính trị quan trọng bậc nhất ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong mọi thông điệp từ phía Mỹ cho thấy – ít nhất là ở khía cạnh công khai – không có bất cứ thông điệp nào nhằm bảo hộ chủ quyền cho Việt Nam. Mỹ đang hành xử trên vai trò siêu cường dẫn dắt thế giới. Quyền lợi Mỹ và vấn đề hòa bình, ổn định thế giới luôn là hai vấn đề xuyên suốt trong chính sách của Mỹ. Cả hai vấn đề này không thể dung nạp một TQ độc chiếm Biển Đông như ý đồ mà TQ mong muốn. Bằng cách này hay cách khác, Mỹ bắt buộc phải ngăn chặn TQ thọc bàn tay vào lợi ích của Mỹ, bao gồm cả lợi ích từ quyền lực thống trị siêu cường. Đương nhiên Mỹ phải phớt lờ cả Việt Nam nếu chính quyền Việt Nam không mong muốn Mỹ kiềm chế TQ. Các rắc rối ngoại giao liên quan chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng có thể bắt nguồn từ chủ ý được đưa ra liên quan thông điệp dứt khoát này.
Nói cách khác thì VN sẽ bị gạt ra khỏi cuộc chơi quan hệ Mỹ – Trung ngay trên sân nhà của mình nếu không dứt khoát từ bỏ kiểu quan hệ đu dây dưới chiêu bài “trung lập” nửa vời!
Hành động tuần tra của quân lực Mỹ tại Biển Đông có thể không dẫn đến xung đột, triệt phá các công trình mà TQ đã xây dựng lên nhưng chắc chắn sẽ buộc TQ không được gia tăng lấn chiếm nhiều hơn. Thông điệp này là không thể đảo ngược từ phía Mỹ. Tứ phía TQ, với hành động hiện diện quân sự, tuần tra Biển Đông của Mỹ tuy khó chấp nhận nhưng cũng không thể lựa chọn giải pháp đối đầu vì thiệt thòi chắc chắn sẽ nghiêng về TQ nhiều hơn. Con đường tiếp tục âm mưu bành trướng chỉ có một lối thoát duy nhất: Dùng Việt Nam làm cánh tay nối dài để tiến vào Đông Nam Á.
Việc đích thân tướng Thường Vạn Toàn hội kiến cùng ông Phùng Quang Thanh vừa qua không có gì khác hơn là thông điệp TQ sẵn sàng “trả giá cao” cho Việt Nam trong kế hoạch bành trướng của TQ.
Trong bối cảnh phong trào dân chủ đang từng bước phát triển ở Việt Nam, kế hoạch hòa giải với cộng đồng hải ngoại liên quan chế độ VNCH trước đây ở Mỹ không thành, đàm phán TPP vẫn chưa ngã ngũ. Chính quyền Việt Nam thừa biết việc đạt được một quyền lợi mà họ mong muốn từ Mỹ không hề dễ dàng. Từ bỏ quan hệ với TQ lúc này để dựa vào Mỹ có thể là giải pháp tốt nhất cho chủ quyền quốc gia nhưng nguy cơ bị trả đũa bằng kinh tế và một cuộc chiến rối loạn nhiều mặt từ TQ từ các quan hệ phức tạp đã tạo ra với đủ thứ chồng chéo như hiện nay là điều không thể tránh khỏi.
Về kinh tế, viễn cảnh khó khăn khi TQ chỉ cần cắt toàn bộ nguồn cung phụ liệu cho ngành công nghiệp nhẹ thôi cũng là một đòn chí tử, chưa nói các khoản nợ vay, đầu tư hạ tầng và chi phối khác.
Về an ninh chính trị, với sự hiện diện của hàng chục ngàn “công nhân” TQ mới vào khắp VN trong mấy năm qua sẽ không có gì đảm bảo không có biến loạn khi VN ngả hẳn qua quan hệ với Mỹ.
Bài toán này chắc chắn cần lời giải trong chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ gặp Tổng thống Obama. Vấn đề còn lại phụ thuộc ông Trọng và Đảng CSVN có đủ can đảm từ bỏ bớt một phần quyền lực và vai trò chính trị, đặt chủ quyền và lợi ích quốc gia lên trên quyền lợi của Đảng hay không.
Có vẻ các cuộc tấn một số người hoạt động dân chủ gần đây và việc thu hộ chiếu của giáo sư Nguyễn Huệ Chi – một trong những người khởi xướng trang Bô xít Việt Nam – như đang nhằm vào những gương mặt có thông điệp chống TQ nhiều hơn. Nó là chỉ dấu thông điệp từ chính quyền Việt Nam hay bị giật dây bởi quyền lực nào cụ thể thì chưa khẳng định được, nhưng chắc chắn sẽ sớm lộ rõ trong thời gian ngắn tới đây, khi chính quyền VN bộc lộ chủ kiến cuối cùng liên quan cuộc chơi Mỹ -Trung trên Biển Đông.