Việt Nam Thời Báo

VNTB – Một nền văn học “định hướng”

Đào Đức Thông (VNTB) – 40 năm đi qua. Có lẽ cần trả lại đúng vị trí lịch sử của từng nhân vật, từng thân phận của những người “bên này” lẫn “bên kia”.


Dân tộc Việt Nam ta có rất nhiều truyền thuyết, huyền sử do nhân dân nhiều đời dựng nên từ sự ngưỡng vọng tổ tiên và các bậc anh hùng dựng nước và giữ nước trong hàng ngàn năm.
Đó là truyền thuyết Lạc Long Quân gốc rồng lấy Âu Cơ gốc tiên, sau Âu Cơ đẻ một bọc có trăm trứng, nở trăm con (nên người Việt mới có từ “đồng bào” – tức chung một bào thai và tự nhận mình là con cháu rồng tiên); hoặc truyền thuyết vào đời Hùng Vương thứ 6, cậu bé ba tuổi ở làng Phù Đổng cưỡi ngựa sắt phá giặc Ân xong bay về trời, nhân dân tôn là Phù Đổng Thiên Vương hay Thánh Gióng…

Tuy nhiên, trong nền văn học của một quốc gia, không nên kéo dài việc “định hướng” trong tạo dựng những “huyền sử” để phục vụ cho mục đích tuyên truyền của một chính đảng nào đó.
Nhân vật Lê Văn Tám tẩm xăng vào mình để đốt kho đạn, từng là hình ảnh oai hùng của một Trần Quốc Toản thế hệ Hồ Chí Minh trong tâm trí bao người.
Câu chuyện về Lê Văn Tám được sử gia Phan Huy Lê đưa ra – có lẽ ban đầu, chỉ nhằm phục vụ cho bộ máy tuyên truyền của cuộc chiến tranh. Tiếc là sau ngày 30-4-1975, nhân vật Lê Văn Tám tiếp tục được đẩy lên như mẫu hình cần “noi gương” ở thời hậu chiến.
Thế hệ những thiếu niên mang khăn quàng đỏ lúc đó, thuộc chi đội Lê Văn Tám, tin chắc rằng có anh Lê Văn Tám thật. Người ta còn xây dựng cả một công viên mang tên và tượng đài Lê Văn Tám. Họa sĩ Ca Lê Thắng tha hồ tạc tượng, vẽ tranh cho nguời anh hùng này. Rồi một ngày kia, trong một hội thảo lịch sử, giáo sư Phan Huy Lê lên tiếng là cần kết thúc “vai trò lịch sử” của nhân vật Lê Văn Tám.
Sau đó, ngôi trường mang tên Lê Văn Tám, Đuốc Sống ở TP.HCM lặng lẽ đổi sang tên Nguyễn Đình Chiểu, Trần Quang Khải… Rồi người ta dự tính xóa sổ công viên Lê  Văn Tám bằng một dự án bãi xe ngầm.
Để phục vụ cho công tác tuyên huấn, người ta đã tạo dựng cả nền văn học “định hướng”, với hàng loạt tác phẩm văn xuôi, thơ ca nhằm tôn vinh những người hùng “lấy thân mình lấp lỗ châu mai”, “lấy thân mình làm giá súng”, và nhiều chuyện kể về “tấm gương đạo đức” của những người khác nữa,… Gần nhất là nhân vật anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Xuân Mãn của đô thị Huế.
Tháng 10-2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đối với ông Hồ Xuân Mãn, nguyên bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế. Lý do là ông này đã có hành vi gian dối trong việc kê khai thành tích để được phong tặng danh hiệu nêu trên vào năm 2000.
Chắc rằng khi cầm viết khai man thành tích bản thân, ông Hồ Xuân Mãn đã nghĩ chuyện này thế nào cũng trót lọt. Bởi lẽ nếu biết chuyện gian dối bị phanh phui như hôm nay, bị đưa tin và cả hình ảnh lên truyền hình quốc gia, ông Mãn sẽ không dám làm, vì tổn hại rất lớn đến thanh danh của ông và làm ảnh hưởng xấu đến con cháu ông.
Sở dĩ ông Mãn tin là “thế nào cũng trót lọt”, vì ông thấy rằng xã hội nhan nhãn những “man khai”, thậm chí người ta còn tiếp tục tôn vinh những hình tượng chỉ là “nhân vật tiểu thuyết” của một nền “văn học định hướng”…
40 năm đi qua. Có lẽ cần trả lại đúng vị trí lịch sử của từng nhân vật, từng thân phận của những người “bên này” lẫn “bên kia”.

Tin bài liên quan:

VNTB- Phải chăng báo chí lề phải đã hết đề tài để viết?

Phan Thanh Hung

VNTB- Các nhà lãnh đạo Việt Nam hãy nhìn Singapore

Phan Thanh Hung

VNTB- Cần chặn đứng âm mưu bán nước ở ‘siêu dự án sông Hồng’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.