Minh Trí – Ngọc An
(VNTB) – Không có nền tảng đạo đức ông cha ngàn đời để lại, thì đừng mơ đến cái gọi là tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh.
Chuyện xe lật dân xúm vào hôi bia có thể là cá biệt, song lễ hội “đập nhau” ở đền Gióng thì cứ đến hẹn lại lên… Rồi mới đây, được cho tắm miễn phí là dân (có không ít là những người trẻ tuổi) ào ạt đua nhau tranh giành; bất chấp nguy hiểm, leo rào vào trong,… Hình như Việt Nam đang dần dần tiến lên xu thế… bạo lực hóa!
Ngoài gia đình, xã hội, thì giáo dục góp một vai trò quan trọng trong việc hình thành nên nhân cách của một con người.
Từ cấp 1 lên tới cấp 3, học sinh đều được học môn Đạo đức (còn gọi là Giáo dục công dân). Nhưng môn học đó lại không được chú trọng, nó chỉ là môn phụ. Chỉ vì lẽ đó, một vài giáo viên cũng không hứng thú gì mấy trong việc giảng bài.
Khi còn đi học, mỗi lúc tới tiết học Giáo dục công dân, giáo viên kêu một bạn đứng lên đọc to bài trong sách rồi trả lời từng câu hỏi. Thế là hết giờ…. Nếu có kiểm tra miệng thì chịu khó học thuộc mấy cái ghi nhớ trước ở nhà. Lẽ dĩ nhiên là cũng có không ít giáo viên tâm huyết với môn học này, soạn những giáo án điện tử cho học sinh dễ tiếp cận, dễ hiểu. Tuy nhiên, do luôn mang tâm niệm đây chỉ là môn phụ, không cần học cũng thi đậu, điểm cao nên nhiều học sinh thời của tôi đi học lơ là, thậm chí là không quan tâm.
Rồi những bài học về Quyền con người trong sách Giáo dục công dân. Không thể phủ nhận đó là những điều cần thiết, trang bị cho học sinh những kiến thức về quyền và nghĩa vụ của một công dân trước khi ra cuộc sống. Thế nhưng trên thực tế thì sao? Các quyền ấy có được thực thi như gì đã học?
Tôi nhớ, lúc còn bé, thường được ba mẹ dạy những bài học về nhân nghĩa, đạo đức, biết kính trên nhường dưới, những câu hát, câu thơ…. Lớn hơn chút, bên cạnh những câu chuyện trong sách đạo đức ở trường (lúc đó tôi khoái đọc mấy truyện trong sách lắm, cảm giác thú vị), tôi được tiếp xúc với Quốc Văn giáo khoa thư. Tôi vẫn còn nhớ như in những bài học về yêu mến, giúp đỡ cha mẹ; ăn uống có lễ phép; đứa trẻ có lẽ phép; Sài Gòn; Chợ Lớn…
40 năm, nhìn lại, hình như giáo dục mải lo cung cấp kiến thức “hàn lâm” cho học sinh mà quên mất về mảng đạo đức, nhân cách con người. Để rồi, hệ quả là những cái đang diễn ra mà ai nhìn thấy cũng lắc đầu ngán ngẫm, kêu là xã hội đang… suy đồi đạo đức.
Chợt nghĩ, muốn sửa chữa thì có khó chi đâu? Những bài học luân lý của cha ông để lại, cứ sử dụng nó như một hình thức của sách giáo khoa; nâng tầm quan trọng của môn đạo đức lên, thực tế hơn một tí…. Thế nhưng, có thật sự muốn thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn hay không?
Không có nền tảng đạo đức ông cha ngàn đời để lại, thì đừng mơ đến cái gọi là tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh.