Việt Nam Thời Báo

‘Sốt’ đất khu cầu Nhật Tân: Coi chừng ngậm quả đắng

Thực tế gần như rất ít giao dịch thành công ở các khu vực này mà cơn sốt chỉ là tác phẩm của các nhà môi giới, đúng nhất là các “cò” đất. Một số người mua đất đón đầu quy hoạch từ năm 2011 đã cắn răng bán lỗ với giá chỉ trên 10 triệu đồng/m2.
 Nhiều nhà đầu tư Nhiều nhà đầu tư “cá mập” đang lợi dụng đồ án quy hoạch chi tiết 2 bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài để ‘giăng bẫy’ người đầu tư bất động sản.
Từ khi cầu Nhật Tân thông xe, tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài thông xe và được mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cơn sốt đất lại bắt đầu tăng nhiệt dữ dội. Những cái bẫy của “nhà đầu tư cá mập” đang giăng sẵn chờ người đổ tiền vào đất bên tuyến đường được coi là đẹp nhất Thủ đô này.
Ngay từ khi công bố dự án đường Nhật Tân-Nội Bài năm 2010-2011 đã có một cơn sốt đất dị thường trên vùng đất xung quanh tuyến đường này. Cơn sốt đó đã chôn vùi hàng trăm nhà đầu tư vội vã nghe các “cò” đất xuống tiền mua đất tại các làng xã huyện Đông Anh với giá có thời điểm lên đến trên 40 triệu/m2. Thế rồi cơn sốt lui và hàng trăm nhà đầu tư rơi vào cảnh khốn đốn khi giá hạ xuống trên dưới chục triệu đồng/m2. Thế rồi cầu Nhật Tân thông xe, tuyến đường thông xe. 
Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã công bố Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài. Theo đó, trong tương lai, dọc trục Nhật Tân – Nội Bài sẽ mang biểu trưng “Rồng đón ngọc”, hình thành khu đô thị hiện đại, với nhiều điểm nhấn quan trọng gắn với các hình ảnh truyền thống…  

Cơn sốt đất mới lại bắt đầu tăng nhiệt dữ dội. Chắc chắn nó sẽ cuốn hàng trăm nhà đầu tư mới vào chỗ thua lỗ nặng nề.


Chỉ là “tác phẩm” của nhà môi giới

Theo phản ánh của đội ngũ môi giới bất động sản, giá đất tại xã Vĩnh Ngọc đã tăng trung bình khoảng 10%, thậm chí, giá đất mặt đường ven chân cầu, mức tăng lên tới cả chục triệu mỗi m2 trong hai tháng gần đây. Theo các nhà môi giới, mặc dù giá tăng mạnh, nhưng có nhiều người xuống tiền mua vào. Trong đó, phần đông khách tìm mua đất nền là người ngoại tỉnh, làm việc phía bên kia cầu, do giá đất phía nội đô quá cao, nên tìm sang Đông Anh mua đất. Câu thường nói với khách là: Khách đông lắm, đất bây giờ thành hiếm. Và họ đưa ra những mức giá không kém gì dạo sốt đất mấy năm trước.

Theo họ, đất ven cầu Nhật Tân có giá đến trên 30 triệu đồng/m2, thậm chí gần 90 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí và đang tiếp tục tăng giá. Có thể điểm những vị trí: Tại dự án Ciputra, giá chung cư trước là 30-32 triệu đồng/m2, nay tăng lên 35-39 triệu đồng/m2. Chung cư tái định cư Ciputra CT 13, CT 14, giá dao động từ 25 – 32 triệu đồng/m2… 

Tại dự án Vườn Đào thuộc phường Phú Thượng chung cư trước là 25 đến 30 triệu đồng/m2, nay bị đẩy lên từ 30 đến 36 triệu đồng/m2; biệt thự tăng từ 100 triệu đồng/m2 lên 110 đến 120 triệu đồng/m2. Các khu khác như Xuân La, Xuân Đỉnh, Nguyễn Hoàng Tôn, Phú Gia, Phú Thượng… giá đất thổ cư dao động từ 30 đến 50 triệu đồng/m2 ngõ nhỏ; ngõ rộng, mặt đường lớn khoảng từ 50 đến 120 triệu đồng/m2. Ngọc Chi, Ngọc Giang thuộc xã Vĩnh Ngọc hay các thôn Cổ Điển, Cổ Dương thuộc xã Hải Bối, rao bán từ 40 đến 60 triệu đồng/m2…

Tuy nhiên, thực tế gần như rất ít giao dịch thành công ở các khu vực này. Sốt người mua và sốt giá chỉ là tác phẩm của các nhà môi giới, đúng nhất là các “cò” đất. Ngay gần đây, một số nhà đầu tư chết dở từ 2011 đã cắn răng bán lỗ đất trong khu vực này với giá chỉ trên 10 triệu đồng/m2. Việc giá đất ở các khu vực ven cầu Nhật Tân tăng trở lại khi cây cầu này được thông xe là điều dễ hiểu, tuy nhiên, việc mỗi ngày một giá như hiện nay cho thấy, đất nền khu vực này đang có dấu hiệu bị “thổi giá”. Một số nhà đầu tư bất động sản có kinh nghiệm tại Hà Nội cho biết, việc cầu Nhật Tân thông xe là cơ hội vàng cho các nhà đầu tư đất nền trước đó thoát hàng. Vì thế, rất có thể, một số văn phòng môi giới mới là do các nhà đầu tư “cá mập” lập ra để thổi giá, nhằm “chuyển lửa” sang tay các nhà đầu tư khác.

Thị trường bất động sản ấm lên, nhưng với nguồn cung vô cùng lớn, chắc chắn không xảy ra cơn sốt bất động sản nào, kể cả các vùng đất mới hoàn chỉnh hạ tầng giao thông. Lời khuyên của các chuyên gia bất động sản là nếu có nhu cầu mua nhà để ở thì đây là thời điểm hợp lý để mua nhà đất. Nhưng nếu để đầu tư kiếm lợi thì không nên. Nếu mua nhà đất để ở thì nên cân nhắc và tìm kiếm chủ dự án, chủ đất thật để thương lượng. Không nên tin cậy ở đội ngũ “cò” môi giới, tay không bắt giặc. Với hàng loạt các văn phòng môi giới mọc như nấm sau mưa dọc đường ven Nhật Tân, giống như trận thế đã bày sẵn để đưa các nhà đầu tư nhỏ, thiếu hiểu biết vào ma trận. Hy vọng các khách hàng sẽ không sa lầy vào đất xung quanh cầu Nhật Tân như những năm 2010-2011. 

Triệt tiêu cơn sốt
Tuy rằng vẫn có những lời đồn thổi vốn là chiêu trò của “cò đất”, song thị trường bất động sản đã không còn xu hướng “ăn theo” quy hoạch.

Nhớ hồi đầu quý II-2010 khi đồ án “Quy hoạch Hà Nội mở rộng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” được công bố. Theo đó, thông tin Trung tâm hành chính quốc gia sẽ được xây dựng tại Ba Vì, lập tức đất nơi đây lên “cơn sốt sình sịch”. Giá cả tăng vọt từ 100 – 150 triệu đồng lên 250 – 400 triệu đồng/sào Bắc bộ (360m2). Gần nhất khi Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô công bố cho thấy trên địa bàn huyện Đông Anh có các trung tâm tài chính quốc tế, Trung tâm triển lãm quốc tế… cầu Nhật Tân được xây dựng thì giá đất khu vực này cũng đã nhăm nhe tăng giá.

Trên thực tế, hiện cầu Nhật Tân, một phần của đồ án quy hoạch đã được thực hiện cùng nhiều tuyến đường Vành đai 1, 2 và những cơ sở hạ tầng kết nối đã và đang xây dựng, hoàn thiện, song thị trường mua bán đất xung quanh khu vực cầu Nhật Tân phía Tây Hồ và Đông Anh vẫn không thấy “sức nóng” của giá cả nhà, đất tăng mà chủ yếu dao động quanh ngưỡng 15 – 50 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Một số mảnh gần mặt đường lớn, đất biệt thự, liền kề giá từ 60 – 100 triệu đồng/m2 và đang tăng giá có nhiều yếu tố ảo. Bởi mới đây, rất nhiều nhà đầu tư vẫn phải bán đất nền tại đây với giá chỉ trên 10 triệu đồng/m2. Nhiều nhà đầu tư thừa nhận, vào năm 2010 – 2011, khi bong bóng đất nền tại đây xì hơi, họ bị kẹt hàng nghìn, thậm chí cả chục nghìn m2. Vì thế, sự kiện cầu Nhật Tân thông xe trở thành cơ hội vàng để các nhà đầu tư này thoát hàng bị kẹt trước đây với mức giá hời nhất có thể, “chuyển lỗ” sang tay nhà đầu tư mới.

Cũng thấy việc, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng công trình trong phạm vi ranh giới Đồ án quy hoạch nhằm hạn chế mua bán giao dịch lộn xộn, gây ảnh đến quy hoạch; Không để xảy ra tình trạng chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép; Không giới thiệu địa điểm lập dự án đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết, cấp phép xây dựng; Thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch, cơ chế đầu tư và quy định của pháp luật… đã phần nào triệt tiêu hiện tượng “sốt” đất quanh khu vực Nhật Tân – Nội Bài và các vùng nằm trong đồ án phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng.

Theo An Ninh Thủ Đô

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo