Việt Nam Thời Báo

“Liên quân mía đường”: Bầu Đức chỉ dám trồng mía ở Lào

Hiệp hội mía đường cho rằng nếu cũng sản xuất ở Việt Nam thì HAGL không thể có giá thành rẻ như vậy.

HAGL mở nhà máy mía đường tại Lào cũng từ kinh nghiệm ở Việt Nam

Sau khi dư luận và các chuyên gia kinh tế lên tiếng về việc nên xóa bỏ bảo hộ ngành mía đường, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản dài 5 trang gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông để giãi bày “nỗi thống khổ” của doanh nghiệp mía đường trong nước trước cơn bão mang tên Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).

Trong văn bản, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN nhấn mạnh: “Ở Lào, Hoàng Anh Gia Lai tự sản xuất mía đưa vào chế biến không phải mua nên giá thành nguyên liệu mía đưa vào nhà máy không bao gồm chi phí lợi nhuận cho nông dân trồng mía nên có giá thấp. Ngoài ra chi phí đầu tư cơ bản xây dựng vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy có thể đã được bù đắp một phần bởi chính sách hỗ trợ đầu tư và các nguồn thu khác có được trong quá trình khai mở đất”.

Ông Long cho rằng, HAGL cũng là lấy kinh nghiệm Việt Nam sang mở nhà máy đường tại Lào. Về kỹ thuật công nghệ Việt Nam không hề thua kém, nhưng về chính sách quốc gia khác nhau thì doanh nghiệp không thể làm khác được. Đó được coi là lợi thế của doanh nghiệp này, nếu cũng sản xuất ở Việt Nam như các doanh nghiệp khác thì HAGL cũng không thể xuất ra giá thành rẻ như vậy.

“Sao HAGL không xây dựng nhà máy đường tại Việt Nam mà phải sang Lào đầu tư? Chính là do điều kiện nông nghiệp và chính sách của Lào vượt trội và hấp dẫn hơn Việt Nam, HAGL đã lấy những chính sách ưu đãi của Lào là nền tảng để họ sản xuất được đường có giá cạnh tranh” – Chủ tịch Nguyễn Thành Long so sánh.

Chủ tịch Nguyễn Thành Long khẳng định, Hiệp hội Mía đường luôn bảo vệ quyền lợi cho các nhà máy đường và người trồng mía. Việc bảo vệ của Hiệp hội Mía đường đối với thành viên là bảo vệ môi trường chung, không nhằm bảo hộ để tồn tại những nhà máy đường yếu kém, cá biệt nào. Hiệp hội Mía đường là đại diện cho các doanh nghiệp mía đường và nông dân trồng mía thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi chung chính đáng cho Hội viên.

“Tâm thư” dài 5 trang do đích thân Chủ tịch Hiệp hội mía đường trình bày gửi đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp không phải là văn bản duy nhất thể hiện quan điểm của Hiệp hội này.

Trước đó, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Nguyễn Hải cũng đã từng có văn bản để phản pháo lại bài viết “Ngành mía đường cần khẩn trương đổi mới” của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú.

Tuy nhiên, đứng trên góc độ của người nông dân trồng mía, góc độ của người tiêu dùng và cả những nhận định của các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các nhà hoạch định chính sách thì đều chung một quan điểm: “Doanh nghiệp mía đường đang hút máu người dân”, theo lời bà Phạm Chi Lan.

Cũng vì lý do này, mới đây ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đã phải thốt lên rằng: “Làm gì cũng phải vì lợi ích của người dân. Các doanh nghiệp mía đường nên ăn ít thôi, phải chú trọng đến người dân nữa…”.

Dũng Nguyễn
(Theo GTVT)

Tin bài liên quan:

Kết quả vòng đàm phán thứ 7 về chính trị, an ninh, quốc phòng Việt-Mỹ

Phan Thanh Hung

Biển Đông: Thời cơ chính là lúc này

Phan Thanh Hung

Bi quan vào kinh tế, người Việt tiết kiệm nhất thế giới

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo