Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã được Quốc hội bấm nút thông qua trong sáng nay, 19-6; trong đó có bổ sung các quy định rõ hơn về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.
Sáng 19-6, đã có 433 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); có 410 đại biểu tán thành thông qua, chiếm 83%; 6 đại biểu không tán thành chiếm 1,21%; 17 đại biểu không biểu quyết chiếm 3,44%.
Bổ sung trách nhiệm của Thủ tướng
Trước khi bấm nút thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) các đại biểu đã được nghe ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội ông Phan Trung Lý trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Ông Lý cho biết, trong kì họp này, ngày 1-6, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng góp thêm nhiều ý kiến về các điều, khoản cụ thể trong dự thảo luật. Trên cơ sở đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát các quy định trong dự thảo và đề nghị Quốc hội cho bổ sung quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ: “Chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao” (khoản 1 Điều 29); “giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội” (khoản 2 Điều 29).
Về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý và phát triển kinh tế (Điều 8) một đại biểu đề nghị bổ sung quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong việc thúc đẩy, kiến tạo phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy liên kết kinh tế vùng theo quy định tại Điều 52 Hiến pháp.
Ông Lý cho hay, tiếp thu ý kiến này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý và thể hiện nội dung này tại khoản 1 Điều 8 của Dự thảo Luật.
Về trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ (Điều 37), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trường hợp từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định về việc từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, trong đó có Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã được quy định rõ trong Luật tổ chức Quốc hội (được Quốc hội thông qua tháng 11/2014) và Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội. Do đó, đề nghị Quốc hội không bổ sung nội dung này vào Dự thảo Luật.
Không cần định rõ số lượng phó thủ tướng
Có ý kiến đề nghị quy định rõ số lượng Phó Thủ tướng Chính phủ trong Luật nhằm bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo đảm sự giám sát của nhân dân. Về vấn đề này, đại diện của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ông Lý cho biết theo quy định của Hiến pháp, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng là thành viên Chính phủ; đồng thời, Hiến pháp quy định, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định. Trên cơ sở quyết định số lượng thành viên Chính phủ, Quốc hội sẽ quyết định cụ thể số lượng Phó Thủ tướng Chính phủ. Do đó, đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định số lượng phó thủ tướng Chính phủ trong Dự thảo Luật.
Về thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ và các vụ, cục, tổng cục của bộ, cơ quan ngang bộ (Điều 38), nhiều ý kiến tán thành với việc quy định cụ thể số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong dự thảo luật.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và đặc thù của bộ, cơ quan ngang bộ, để bảo đảm sự thống nhất và hạn chế việc bổ nhiệm quá nhiều cấp phó thì việc quy định rõ trong Luật số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là cần thiết.
“Tuy nhiên, trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do điều động, bố trí cán bộ của cơ quan có thẩm quyền để đáp ứng yêu cầu và điều kiện thực tiễn quản lý, điều hành thì việc tăng thêm thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ sẽ do Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như quy định tại Điều 38 Dự thảo Luật,” ông Lý nói.
Theo Vân Ly (Thesaigontimes)