Trình luật Báo chí sửa đổi trước Quốc hội chiều 4/11, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, luật lần này nhấn mạnh quy định nghiêm cấm việc trang thông tin điện tử đăng, phát thông tin có tính chất báo chí.
Bộ trưởng Thông tin – Tuyền thông Nguyễn Bắc Son tại Quốc hội. |
Cụ thể, Điều 10 dự thảo luật đưa ra 12 nội dung (loại thông tin) và 10 hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí. Trong đó, tờ trình của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh Khoản 2 Điều 10, quy định những hành vi bị nghiêm cấm.
So với Luật hiện hành, một nội dung mới được đưa vào là nghiêm cấm “Đăng, phát trên truyền thông xã hội, trang thông tin điện tử thông tin có tính chất báo chí; sản phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy; nội dung chương trình phát thanh, truyền hình đã bị đình chỉ, cấm lưu hành; nội dung vi phạm đã bị gỡ bỏ trên báo điện tử”.
Chính phủ cũng đề nghị phải nghiêm cấm hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; gian dối trong việc lập hồ sơ đề nghị cấp thẻ nhà báo.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo luật đề xuất cấm thông tin về nhiều nội dung trên báo chí, trong đó có việc thông tin về những chuyện thần bí; thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực; thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án…
Đồng ý với việc nghiêm cấm những hành vi vi phạm này nhưng Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) Đào Trọng Thi cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật thường chỉ quy định các hành vi bị cấm, chứ không quy định nội dung bị cấm. Ông Thi cũng nhận xét, xem xét kĩ các quy về “nội dung bị cấm”, Ủy ban thấy rằng toàn bộ những nội dung này thực ra đều là “hành vi”.
Một vấn đề khác cơ quan thẩm tra đặt vấn đề là về mô hình hoạt động và kinh tế của cơ quan báo chí. Theo thống kê, có 284/845 cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như các doanh nghiệp thuộc khối văn hóa.
Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục nhận xét, thực tiễn đó cho thấy hiện còn quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan nhà nước thành lập và bao cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Do vậy, UB cho rằng, dự thảo Luật cần quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách nhà nước nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi khuyến cáo, dự thảo Luật cũng cần quan tâm đến mô hình tập đoàn/tổ hợp truyền thông đa phương tiện hiện đang là xu hướng phát triển tất yếu của báo chí nước ta để có những quy định phù hợp.
Hạn chế tối đa việc truy vấn nguồn tin của báo chí
Về vấn dề cung cấp thông tin cho báo chí, khoản 3 Điều 37 dự thảo Luật quy định: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.
Đa số ý kiến cho rằng, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định trong dự thảo Luật.
Ngoài ra, Ủy ban cho rằng dự thảo Luật cần bổ sung quy định các trường hợp cơ quan nhà nước được từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.
Báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình và chất lượng thông tin, trở thành phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu trong đời sống xã hội; tích cực phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; truyền tải ý kiến của nhân dân đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật, qua đó phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; phản bác các luận điệu sai trái, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Tuy nhiên thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại như: cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; thông tin sai sự thật có chiều hướng ngày càng tăng; xu hướng “thương mại hoá” chậm được khắc phục; thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn diễn ra. Nhiều thông tin trên báo chí thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; nhiều nội dung tin, bài giật gân, câu khách; tính trung thực của báo chí bị giảm sút.
Theo Dân Trí