(VNTB) – Bản chất của kinh doanh là lợi nhuận. “Đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa (SGK) điện tử lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học tại TP.HCM”, có chủ đề án là Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM. Các việc còn lại đang nằm trong tay của ít nhất hai doanh nghiệp thuần túy kinh doanh: Công ty cổ phần Sách điện tử giáo dục (EDC) với kế hoạch độc quyền sản xuất SGK điện tử qua hình thức máy tính bảng (MTB); và Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế – AIC, đơn vị tư vấn đề án.
Máy tính bảng NK từ Đài loan mua vào với giá 900 ngàn với dự định giá bán ra cho học sinh của Bộ GD ĐT từ 3-5 triệu. Theo Facebooker Thienhai. |
Không thể không làm?
Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng: “Chúng ta đứng trước nhiều mâu thuẫn cần phải giải quyết như kinh phí hạn hẹp nhưng lại ngại xã hội hóa, không muốn học sinh (HS) mang vác nặng nhưng lại ngại các em giảm thị lực, phụ thuộc thiết bị, không thể triển khai đại trà nhưng thí điểm lại ngại bị nêu “lớp VIP, trường VIP”. Nếu ngại ngần, không giải quyết những mâu thuẫn đó thì không làm được gì hết”.
Còn ông Đào Văn Lừng – vụ trưởng, trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo trung ương tại TP.HCM – nêu câu hỏi: “Làm sao xây dựng xã hội học tập, làm sao để học tập suốt đời, xây dựng nền kinh tế tri thức nếu không đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào? Chúng ta không thể không làm, nhưng lộ trình ra sao? Cần tổ chức một vài cuộc hội thảo nữa để nghe ý kiến phụ huynh và cả các cháu”.
4.000 tỷ đồng!
Theo dự thảo đề án, mỗi HS lớp 1 đến lớp 3 cần trang bị một bút chấm đọc điện tử và một MTB có cài đặt SGK điện tử. Ngân sách TP hỗ trợ 5.334 HS thuộc diện đối tượng chính sách. Số HS còn lại (hơn 321.000) phụ huynh phải tự trang bị. Dự thảo cũng trình 5 lựa chọn MTB với giá dao động từ 3-5 triệu đồng/máy, kích cỡ màn hình từ 7-10,1 inch.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hiệu trưởng tại nước ngoài trong bốn tuần là 250 triệu đồng/người. Đào tạo giáo viên theo hình thức tổ chức tập trung trong nước, cấp chứng chỉ quốc tế: thời gian ba tháng, chi phí 55 triệu đồng/người. Kinh phí khảo sát, đánh giá thực trạng giáo dục tiểu học: hơn 1 tỉ đồng. Kinh phí xây dựng trường tiểu học mô hình mới: 2,2 tỉ đồng. Xây dựng SGK điện tử và chương trình đào tạo: 1 tỉ đồng. Đầu tư hạ tầng CNTT: hơn 730 tỉ đồng. Đầu tư phòng họp trực tuyến: gần 500 tỉ đồng (mỗi trường một phòng trị giá hơn 1 tỉ đồng).
Theo đề án, bảng tương tác sẽ thay thế bảng đen truyền thống, giáo viên sử dụng phần mềm để soạn giáo án, quản lý lớp học và có thể kiểm soát HS đang thao tác gì trên máy. Lớp học được trang bị mạng WiFi.
Mỗi HS sẽ sử dụng một MTB riêng, trong đó tích hợp toàn bộ bài học trong SGK. Tất cả thao tác như giới thiệu bài học cùng hình ảnh, video minh họa, kiểm tra bài, chơi trò chơi giáo dục, nhận xét về bài học, làm bài tập… đều được thao tác trên MTB.
Bông hoa thật thay bằng bông hoa ảo
Công ty EDC cho hay hiện đã số hóa 300 cuốn SGK từ lớp 1 đến lớp 12 kèm các nội dung tương tác, kho bài giảng cho giáo viên, ngân hàng đề thi để sử dụng trong đề án này. Tập đoàn Intel là đơn vị sẽ đảm trách việc đào tạo giáo viên nếu đề án được phê duyệt.
Trẻ 6-8 tuổi, cái tuổi còn quá nhỏ để có thể nhận thức đầy đủ việc bảo quản máy móc, việc làm rơi máy, mất máy,… là điều hiển nhiên mà bất cứ phụ huynh HS tiểu học nào cũng lo lắng. Nguồn điện sạc cho các MTB này có an toàn, và đáp ứng nhu cầu cùng lúc của các em? Chưa kể, đang học, các em lỡ bấm bậy xóa chương trình…
Phụ huynh có 2 con cùng độ tuổi cấp 1, khoản chi bắt buộc thấp nhất là 6 triệu đồng cho MTB cho 2 đứa con cùng vô số các khoản khác vào đầu năm học, chắc hẳn làm mâm cơm gia đình thêm khốn khó.
Xét về lý thuyết sư phạm, học SGK truyền thống, các em học về hoa sẽ được cô giáo chuẩn bị giáo cụ trực quan bằng một bông hoa thật có đầy đủ cành, lá, nhụy để các em có thể sờ mó được, ngửi được mùi hương của hoa (học bằng cả năm giác quan), thì nay với SGK điện tử các em sẽ được chiêm ngưỡng nó trên thế giới ảo của MTB.
Nói một cách khác, vẫn là chương trình cũ, SGK cũ, chỉ khác “bông hoa thật thay bằng bông hoa ảo”.
Đừng cướp túi tiền của phụ huynh!
Sau đề án dạy ngoại ngữ “sặc mùi tiền” và những cái hậu chưa được ông Lê Hồng Sơn giải quyết rốt ráo, thì nay cũng chính ông lại tiếp tục đưa ra một đề án “sử dụng MTB” cho việc học tập của trẻ từ lớp 1 đến lớp 3.
Công luận có quyền nghi ngờ điều gì đã tiếp tục cám dỗ ông Lê Hồng Sơn về chuyện bắt tay hai công ty cổ phần EDC và AIC để đưa ra đề án không chỉ ngốn tiền thuế của dân, mà còn công khai đánh cắp túi tiền của phụ huynh?
Đề án này cần thiết được xây dựng trên căn cứ đây chỉ như một công cụ dạy và học bổ sung, như sách tham khảo truyền thống, ai thích và có điều kiện thì mua, ai không muốn thì không mua. Khi ấy, không có khoản nào phải chi từ ngân sách. Nếu là cổ đông của EDC và AIC, lúc này ông giám đốc xem ra vẫn tiếp tục được chia khoản phần trăm chiết khấu đến từ chữ ký của ông khi Sở GD-ĐT gửi công văn về các trường để “vận động” bán MTB.
Phụ huynh còn nghèo lắm. Đừng quá tham lam ông Lê Hồng Sơn ơi!
Minh Tâm