LTS: Ban biên tập VNTB xin thông báo: từ nay VNTB sẽ mở mục Bạn Đọc để rộng đường dư luận cho độc giả trong và ngoài nước, đồng thời cung cấp một số vấn đề pháp lý liên quan đến những chủ đề “nhạy cảm” nhưng rất thiết thân với đời sống và lợi ích người dân do luật gia của VNTB đảm trách.
Rất mong bạn đọc gần xa đóng góp ý kiến cho mục này. Xin chân thành cám ơn.
————-
Người dân bị thu hồi đất cần biết
(VNTB) Từ ngày 13-08-2014, người dân bị nhà nước thu hồi đất sẽ được giải quyết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo các nội dung vừa được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển ký ban hành tại Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT.
Đền bù bằng… cảm tính?
Nhân danh lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng để thu hồi đất của người dân, lâu nay là vấn đề thua thiệt luôn về phía người dân.
Theo quy định vừa ban hành, hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất chỉ được coi là làm bằng chứng về việc người sử dụng đất đã đầu tư vào đất. Tuy nhiên để có cơ sở cho việc đền bù khi thu hồi, người dân cần có các loại giấy tờ cụ thể sau đây: Văn bản, hợp đồng thuê, khoán san lấp mặt bằng, tôn tạo đất đối với đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê, cải tạo đất, chống xói mòn, chống xâm thực, xây dựng, gia cố nền đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh; Văn bản, thanh lý hợp đồng; hóa đơn, chứng từ thanh toán đối với từng khoản chi phí đã đầu tư vào đất; Văn bản, hợp đồng khác có liên quan đến việc đầu tư vào đất được xác lập tại thời điểm đầu tư.
Nếu người dân không có các loại giấy tờ trên, nhưng thực tế đã có đầu tư vào đất thì chính quyền địa phương sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể để quyết định. Như vậy, nếu không chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, người dân dễ bị thiệt thòi khi việc đền bù phụ thuộc vào “cảm tính” của chính quyền địa phương.
Dân oan Dương Nội kêu cứu. Ảnh: Blog Dân oan – http://danoan2012.blogspot.com |
Khi nào thì không bị… “ly hương”?
Người dân chỉ có thể ở lại trên phần đất không bị thu hồi khi thửa đất đó đủ điều kiện để tách thửa. Điều kiện này cụ thể ra sao, sẽ tùy thuộc vào chính quyền nơi có đất thu hồi. Đó là nội dung tóm tắt của Điều 4 thông tư vừa ban hành.
Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với phần diện tích đất còn lại trong thửa đất có nhà ở không đủ điều kiện được phép tách thửa khi Nhà nước thu hồi đất, sẽ tùy thuộc vào phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Tương tự, việc xác định diện tích đất nông nghiệp để tính hỗ trợ ổn định đời sống khi nhà nước thu hồi đất, cũng tùy thuộc vào từng quyết định thu hồi đất của cấp thẩm quyền, không cộng dồn diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi của các quyết định thu hồi đất trước đó.
Diện tích đất nông nghiệp được hỗ trợ ổn định đời sống được hiểu là diện tích đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng trong phạm vi xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi tại thời điểm có quyết định thu hồi đất.
Tùy… hảo tâm của chính quyền
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất bị thu hồi dưới 30% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng, mà việc thu hồi đất ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người thu hồi đất thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quyết định biện pháp hỗ trợ khác.
Tuy nhiên cụ thể hỗ trợ gì để có thể giúp người dân “bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi” (Điều 25 “Hỗ trợ khác đối với người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất” của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP) thì chưa thấy Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT đề cập.
Lỗi của chính quyền, người dân phải gánh chịu!
Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT có quy định rất lạ, khi buộc người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi, phải tự chuẩn bị để đưa ra những giấy tờ mà chính quyền cho rằng đã… giao đất không đúng thẩm quyền.
Theo đó, mặc dù nhà nước nhìn nhận là đã giao đất không đúng thẩm quyền trước ngày 01-07-2014, song để nhận được đền bù khi bị thu hồi đất, người dân phải tự chứng minh bằng những loại giấy tờ sau: Biên lai, phiếu thu, hóa đơn thu tiền để được sử dụng đất, thu tiền đền bù theo Quyết định số 186/HĐBT ngày 31-5-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về đền bù thiệt hại đất nông nghiệp, đất có rừng khi chuyển sang sử dụng vào mục đích khác; Biên lai, phiếu thu, hóa đơn thu tiền theo quy định của Bộ Tài chính tại thời điểm thu tiền; Biên lai, phiếu thu, hóa đơn hoặc các loại giấy tờ khác do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức giao đất không đúng thẩm quyền xác lập tại thời điểm thu tiền; Giấy tờ biên nhận thu tiền của Ủy ban nhân dân cấp xã, hợp tác xã hoặc của cơ quan, tổ chức giao đất không đúng thẩm quyền đã được các cơ quan, tổ chức (hoặc người đại diện) cấp cho hộ gia đình, cá nhân tại thời điểm thu tiền.
Với quy định vừa nêu, có lẽ nông dân sẽ trắng tay vì thói quen lâu nay là ít khi lưu giữ đầy đủ các loại giấy tờ. Mặt khác, nếu chính quyền xác nhận đã giao đất sai thẩm quyền, thì người dân chẳng những không cần phải chứng minh bất cứ loại giấy tờ nào về quyền đương nhiên hiến định, mà còn được quyền đòi đền bù về những thiệt hại về mặt pháp lý do chính quyền đã gây ra từ chuyện sai thẩm quyền này.
Minh Tâm
—————-
+ Bạn đọc có nhu cầu về văn bản Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT, xin liên hệ Luật gia Minh Tâm (Email: caominhtam@gmail.com) để được phục vụ.