Việt Nam Thời Báo

(VNTB)-Xâm lược tàu cá: Chân trời mới “hợp tác hữu nghị”

Trường Sơn

Tiến ra biển lớn!

(VNTB) Một thời kỳ “hợp tác hữu nghị và cởi mở” nữa đang mở ra chân trời đầy hứa hẹn cho “hai nước anh em”. Ngày cuối tháng 7/2014, Bắc Kinh tuyên bố đơn phương kết thúc lệnh cấm bắt cá tại khu vực biển Đông. Theo đó, tất cả tàu cá thuộc các tỉnh duyên hải như Hải Nam, Quảng Tây, Quảng Đông được phép ra khơi đánh bắt cá.

Ảnh minh họa

Có đến 50.000 tàu cá Trung Quốc đang sẵn sàng cho “điệp vụ” này. Ngay trước mắt, Hải Nam- tỉnh có diện tích rộng nhất giáp biển Đông – đã có tới 9.000 tàu đánh bắt xa bờ chuẩn bị ồ ạt ra khơi .
Từ năm 1999, hàng năm Trung Quốc đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, nơi Trung Quốc tự cho là thuộc chủ quyền của mình – nuốt trọn 80% diện tích biển Đông, bất chấp phản ứng của Việt Nam và các nước xung quanh khu vực.

Lệnh cấm này giới hạn thực hiện cấm đánh bắt trên biển Đông được tính từ khu vực biển có vĩ tuyến 12 độ Bắc đến “giới tuyến giáp khu vực biển Mân Việt” (kéo dài từ Quảng Tây đến Phúc Kiến, bao gồm cả khu vực biển Vịnh Bắc Bộ). Lệnh cấm này cũng áp dụng đối với ngư dân Trung Quốc và ngư dân các nước đang có ngư trường ở khu vực biển Đông. Trong thời gian này, cảnh sát biển Trung Quốc cùng các lực lượng ngư chính, hải giám thường xuyên tăng cường tuần tra trên biển Đông, nếu gặp tàu cá nước ngoài họ thường quấy nhiễu tịch thu tàu thuyền, ngư cụ và thủy hải sản trên tàu.

Sau khi giàn khoan HD 981 buộc phải rút khỏi khu vực Biển Đông, ít ai hoài nghi rằng Trung Quốc sẽ không tung ra một trò chơi mới khác. “Tàu cá Biển Đông” chính là trò chơi đó, tuy hoàn toàn không mới mẻ. Mới vào đầu năm 2014, chính quyền tỉnh Hải Nam cũng đã đơn phương áp dụng “Luật ngư nghiệp” mà tỉnh này đã tự phóng tác. Theo đó, yêu cầu tàu nước ngoài khi đi vào vùng biển gần Hải Nam, cũng như để thực hiện các hoạt động đánh bắt cá hay điều tra tài nguyên ngư nghiệp tại đây, phải được sự cho phép của cơ quan quản lý có liên quan của Trung Quốc.

“Ngoại giao cần câu”

Không còn hoài nghi gì nữa, cơ chế động viên và tài trợ ngư dân nhằm tạo ra những đội tàu cá hùng mạnh vươn khơi đánh bắt trong các vùng biển tranh chấp đã trở thành một “chính sách nhất quán” của chính quyền Trung Quốc, chứ không còn là những quyết định mang tính chất cơ hội, và nó được xuất phát từ cả các lý do địa chính trị lẫn kinh tế, thương mại.

Để hỗ trợ cho chính sách trên, hiện Trung Quốc đã triển khai biên đội “Hàng không mẫu hạm ngư nghiệp” hay còn gọi là “Hạm đội hỗn hợp ngư nghiệp đặc biệt”. Nòng cốt của nó là 7 tàu cỡ lớn, lực lượng máy bay trực thăng và 300 – 500 tàu cá loại trên 100 tấn.

Với sự hỗ trợ của biên đội này, hàng trăm tàu cá Trung Quốc sẽ có thời gian bám biển tới 9 tháng nhằm ngăn chặn tàu cá, thậm chí là tàu chấp pháp các nước để độc chiếm ngư trường, tuyên bố chủ quyền trên biển. Có thể nói đây là một chiêu bài rất thâm hiểm, và chắc chắn chính quyền Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh hơn nữa nhằm hiện thực hóa chính sách này trong những năm tới đây.

Theo nhận định của tác giả Harry J. Kazianis trong bài viết trên tạp chí The National Interest (Mỹ), Trung Quốc đang sử dụng các tàu đánh cá như một vũ khí bí mật ở biển Đông. Nhận định được đưa ra sau khi hãng tin Reuters đăng tải bài viết phơi bày ý đồ trang bị hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu – vốn được sử dụng trong quân đội – cho 50.000 tàu cá của Trung Quốc.

Ông Kazianis cho rằng trong chiến lược đa dạng để độc chiếm biển Đông, Trung Quốc không chỉ dừng lại ở chính sách ngoại giao “cây gậy nhỏ” (ám chỉ việc Bắc Kinh đơn phương áp đặt giới hạn đánh bắt mới trên biển Đông) mà còn thúc đẩy “ngoại giao cần câu” với việc đẩy ngư dân ra vơ vét ở các vùng biển tranh chấp, một phần cũng để phục vụ cho cơn khát hải sản ngày một tăng trong nước.

Vì nhân dân quên mình

Ngược lại, về phần mình, các ngư dân Việt Nam khá đơn côi trong cuộc đối đầu mưu sinh với ngư dân Trung Quốc. Cho tới nay, hầu như mọi hứa hẹn của đảng và nhà nước Việt Nam “sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho ngư dân” vẫn chỉ mang tính tượng trưng. Bằng chứng mới nhất và rõ rệt nhất của cơ chế đầu môi chót lưỡi này là trong suốt thời gian hàng trăm tàu quân sự và bán quân sự của Trung Quốc tung hoành trên Biển Đông từ đầu tháng 5/2014 đến tháng 7/2014, đã không có bất cứ lực lượng hải quân hay bán quân sự nào của Việt Nam làm tròn nhiệm vụ “vì nhân dân quên mình”. Thậm chí có tới 13 ngư dân ở hai vùng Quảng Bình và Quảng Ngãi còn bị Trung Quốc bắt cóc.
Sẽ quá khó để hy vọng ngư dân Việt được giảm bớt rủi ro chờ chực trong cuộc đối mặt và đối đầu với hàng vạn tàu cá Trung Quốc trong thời gian tới, nếu nhà nước Việt Nam vẫn quá xa rời tôn chỉ “bám biển” mà họ thường răn dạy ngư dân.

Trường Sơn

Tin bài liên quan:

VNTB – Ai đứng sau ‘kẻ huỷ diệt thiên nhiên’ Sun Group?

Phan Thanh Hung

VNTB – Trung Quốc kêu gọi tư nhân đầu tư cơ sở hạ tầng ở Trường Sa

Phan Thanh Hung

Sẽ là tấm hình nào đây?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo