Việt Nam Thời Báo

“Hải ngoại vận” của Hà Nội: Có sống nổi đến 2020?

Trần Phong Vũ(Hoa Kỳ)

* Tác giả gửi bài cho VNTB

 

VTVcab – ảnh: tienphong.vn


“Phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài”(?)

Nhân danh người cầm đầu hành pháp Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, hôm 04-11-2014, ông Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt một dự án trị giá trên 411 tỷ đồng, tương đương với 20 triệu Mỹ Kim được chỉ danh là để “cung cấp 24 kênh truyền hình, phát thanh nhằm phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài” trước năm 2020.

Cụm từ “nhằm phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài” hàm ý tuyên truyền lôi kéo bà con Việt Nam tị nạn ở hải ngoại. Cổng thông tin Chính phủ VN” nói mục tiêu của đề án cho tới năm 2020 là bảo đảm trung bình mỗi ngày có từ 600 ngàn đến 1 triệu lượt người truy cập hệ thống truyền hình/phát thanh mới này với khả năng phục vụ khoảng từ 150.000-200.000 người sử dụng dịch vụ cùng lúc.

Về nội dung, các nhà làm chương trình được yêu cầu phải:

“cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tiếp tục mở rộng vùng phục vụ phát thanh, truyền hình qua mạng internet… tại các địa bàn trọng điểm

Mục tiêu của dự án như sau:

* 2015-2017: 10 kênh truyền hình, 4 kênh phát thanh

* 2017-2020: 24 kênh truyền hình-phát thanh.

* Sử dụng công nghệ OTT TV và mobile TV.

* Định hướng thông tin tuyên truyền về thành tựu, chủ trương chính sách của Đảng CSVN và Nhà nước.

Địa bàn trọng điểm là các quốc gia có đông người Việt sinh sống, trong đó có châu Âu, Hoa Kỳ và một số nước khác.

Đề án yêu cầu:

“phải tăng cường chất lượng biên tập và biên tập lại các nội dung chương trình phát thanh, truyền hình theo hướng thông tin tuyên truyền về thành tựu của cộng cuộc đổi mới, về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tăng cường thông tin về kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài, xúc tiến thương mại, du lịch, hội nhập quốc tế của Việt Nam…”
Hà Nội trắng tay

Trước hết chúng ta cần nhìn lại những nỗ lực không ngừng nghỉ của đảng và nhà nước CSVN trong quá khứ nhằm mục đích quấy phá cộng đồng người Việt tị nạn hải ngoại, cách riêng tại Hoa Kỳ, nợi có đông đồng bào cư ngụ.

Cái gọi là Nghị Quyết 36 đã được đảng và nhà nước CSVN đề ra hơn 10 năm trước. Điều này ai cũng biết. Một cách úp mở, những rò rỉ thông tin từ trong nước vọng ra cho hay, để đẩy mạnh việc thi hành Nghị Quyết này, Hà Nội đã đổ ra một ngân khoản lớn giao cho ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng ngoại giao đặc trách “kiều bào hải ngoại” quản trị. Lớn bao nhiêu và việc chi tiêu như thế nào, không ai biết.

Trong dịp lén thăm miền Nam California mấy tháng trước, qua cái gọi là đài phobolsatv của Vũ Hoàng Lân mà Hà Nội tô vẽ như là một cơ sở truyền hình lớn trong cộng đồng người Việt ở Nam California[1], Nguyễn Thanh Sơn đã huênh hoang nói tới những thành công trong việc thi hành Nghị Quyết 36.

Trên thực tế, cho đến nay, riêng trong lãnh vực mua chuộc báo chí, truyền thông, Hà Nội gần như trắng tay. Ngoại trừ vài khuôn mặt tép riu ẩn sau những thứ được mệnh danh là “truyền thông báo chí” như vietweekly, kbchaingoai, phobolsatv một thời bị tập thể người Việt ở Nam California Hoa Kỳ tẩy chay nay có mặt ở trong nước, hầu hết những những tờ báo, những cơ quan truyền thông tên tuổi cùng với toàn bộ chuyên viên, ký giả đều vẫn kiên định một lập trường quốc gia chuyên  nhất.

Quen thói dạy dỗ

Trong một bài viết mang tiêu đề “Không có tự do báo chí không giới hạn”, đăng trên tờ Nhân Dân, cơ quan đầu não của chế độ Hànội, tác giả Vũ Hợp Lân tiết lộ:

“Dù xu hướng, hình thức truyền thông có thể khác nhau, nhưng từ ngày được tạo điều kiện về nước tác nghiệp, một số báo, trang tin của người Mỹ gốc Việt như kbchn, vietweekly, phobolsatv,… đã cố gắng trực tiếp đưa tin, bình luận khách quan về một số sự kiện, vấn đề tại Việt Nam, hoặc liên quan tới Việt Nam, qua đó không chỉ làm công việc thuần túy truyền thông, mà còn giúp người Việt sinh sống ở nước ngoài hiểu thêm về đất nước, góp phần vào quá trình hòa hợp dân tộc…. Kết quả đáng khích lệ đó là bằng chứng cụ thể chứng minh quan điểm, chính sách đúng đắn của Ðảng và Nhà nước Việt Nam về tự do báo chí, đồng thời cho thấy sự hiện thực hóa một cách nghiêm túc quan điểm và chính sách đó qua vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý báo chí thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng các ban, ngành, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để các nhà báo người Việt ở nước ngoài về nước tác nghiệp. Vì thế, các nhà báo ở kbchn, vietweekly, phobolsatv đã có mặt tại nhiều địa phương, từ thành phố tới nông thôn, từ đồng bằng tới miền núi, trực tiếp tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, các sự kiện – hiện tượng muốn tìm hiểu…”

Điều đáng nói là cũng trong bài viết trên đây, với chính sách bất di dịch là “không có thứ báo chí tự do không giới hạn”, nói cách khác tất cả hệ thống thông tin báo chí dưới chế độ CSVN đều nằm trong vòng cương tỏa, đều bị khoanh vùng theo khuôn thước của Ban Tuyên Giáo Trung ương đảng. Cho nên, sau khi đưa ra những lời vuốt ve, mơn trớn vừa kể, tờ Nhân Dân đã thẳng tay “xát xà bông”  phobolsatv:

“Tuy nhiên cũng gần đây, việc phobolsatv của nhà báo Vũ Hoàng Lân đăng video clip với sự có mặt của… một người thô lậu và nổi tiếng “chống cộng”, để người này công khai xúc phạm lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, vu cáo Nhà nước Việt Nam, là việc cần phải lên án…

Trong một đoạn khác, bài báo viết:

“dù mục đích của phobolsatv là “truyền thông thuần túy, độc lập, khách quan, đa chiều” và “cố gắng đem lại cho khán, thính giả người Việt ở khắp nơi những thông tin chính xác, sống động, khách quan, đa chiều, không thiên về bất cứ xu hướng chính trị, xã hội nào… mong muốn cung cấp thêm cho khán, thính giả một nguồn thông tin độc lập, đáng tin cậy, và đặc biệt là không né tránh những đề tài mang tính nhạy cảm” thì cũng không được đánh đồng văn hóa với “phản văn hóa”, không thể vì đề cao tính “đa chiều” của thông tin mà đánh đồng ngôn ngữ, thái độ có tính văn hóa với ngôn ngữ, thái độ vô văn hóa…[2]Không rõ vì quá chuyên chú với mục đích và tôn chỉ, hay vì thiếu cẩn trọng mà phobolsatv lại xâm phạm chính quy định của mình?…”

Dù sao những chi tiết trên đây cũng chỉ nằm trong phạm vi “lên lớp” của đàn anh đối với đàn em. Tự hỏi: không hiểu những đối tượng đóng vai “hàng thần lơ láo” này khi bị “lên lớp” như thế sẽ phản ứng ra sao? Điều quan trọng khác là cũng trong bàì báo đăng trên tờ Nhân Dân hôm 14-10-2014, tác giả đã lớn tiếng đả kích những tờ báo trong cộng đồng người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ qua trích đoạn sau đây:

“Những tờ báo như Người Việt, Sàigòn Nhỏ, Viễn Ðông, Việt Tide, Việt Báo không khác gì những loa tuyên truyền cho các tổ chức đấu tranh, chống cộng cực đoan. khác”.

Chính điều này cho thấy sự thất bại thảm thương của Hà Nội sau 10 năm thi hành Nghị Quyết 36, ít nữa là trên địa hạt chiêu dụ những người làm báo.

“Dư luận viên tâm thần”

Đề cập lãnh vực tuyên truyền của đảng và nhà nước cộng sản, chúng ta cũng không thể bỏ qua một hình thái vận dụng nhân lực mới được gọi tên là “Dư Luận Viên”. Đặc điểm của lực lượng này phần đông là giới trẻ thông thạo internet, được đảng và nhà nước trả lương với mục tiêu hàng đầu là xâm nhập vào thế giới ảo để lũng đoạn và tạo ảnh hưởng, bằng cách mập mờ đứng chung hàng ngũ đối phương để tuyên truyền, đánh phá đối phương một cách tinh vi. Theo ước lượng của những giới thạo tin thì lực lượng “Dư Luận Viên” trong và ngoài nước hiện nay có thể tính tới con số nhiều chục ngàn. Họ có mặt khắp nơi, với nhiều nhãn hiệu khác nhau, như học sinh, sinh viên, ký giả, bloggers, giới kinh doanh, tầng lớp lao động.

Với danh nghĩa một blogger, “Dư Luận Viên” luôn luôn tự trang bị cho mình cung cách xử sự bề ngoài của một người nhân danh tự do ngôn luận, tự do phát biểu khi viết, khi nói để “lập lờ đánh lận con đen” dùng chính vũ khí của những bloggers chân chính để đánh phá những bloggers này bằng những thủ đoạn tinh vi, ác độc. Có điều, cho dù giấu kỹ hành tung đến đâu chăng nữa, nếu tinh ý người ta sẽ nhận ra ngay bộ mặt thật của những loại bloggers ngụy danh này.

Hôm 06-10-2014, từ Sài Gòn ông Nguyễn Quang đã gửi cho mạng BBC bài viết mang tiêu đề “Dân Biểu Phước là ‘Dư Luận Viên’ đầu đàn”!

Hóa ra “Dư Luận Viên” không chỉ nằm ngoài hệ thống mà để cho chắc ăn, Hà Nội còn cài đặt cả những loại “Dư Luận Viên Gộc” vào nội bộ những cơ chế cấp cao của đảng và nhà nước. Theo mô tả của ông Quang thì DB Hoàng Hữu Phước luôn miệng nói tới tự do ngôn luận và cũng thiết lập blog riêng để viết, để phát biểu quan điểm theo kiểu những blogger “lề dân” cũng gọi là “lề trái” mà ai cũng tưởng là để tỏ bày tinh thần tôn trọng sự thật, tôn trọng tự do, bày tỏ quan điểm yêu nước thương dân… dám chấp nhận ngồi tù như Tạ Phong Tần, như Điếu Cày, Phan Thanh Hải trong Câu lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Nhưng sự thật chỉ để rình chộp một đồng viện nào đó của y dám bạo phổi có những ý kiến chống lại những ông lớn, điển hình như ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn.

Tác giả bài viết trên BBC công khai chỉ danh DB Hoàng Hữu Phước đã hung hãn chĩa mũi dùi tấn công đồng viện của y là DB Dương Trung Quốc khi ông này dám “lên lớp” ông Dũng về thứ văn hóa xa lạ đối với ông ta là “Văn Hóa Từ Chức”!

Tiết lộ trên đây khiến bà con ở hải ngoại càng phải thận trọng hơn. Rõ ràng chúng ta không chỉ phải đương đầu với những chiêu bài thông tin tuyên truyền công khai của Hà Nội mà còn phải hết sức cảnh giác đối với những đội ngũ “Dư Luận Viên” có mặt nhan nhản khắp nơi.
Sống nổi đến 2020?

Từ một Nghị Quyết mang tính chung chung, lần này đảng và nhà nước CSVN hoàn toàn tập trung vào việc khai thác 24 phương tiện truyền thông hiện đại là TV, Radio để một mặt cạnh tranh với hệ thống báo đài của người Việt hải ngoại nhằm mục tiêu vận động bà con đổ tiền về nước với lời khuyến dụ là để giúp thân nhân, gia đình hoặc đầu tư vào những dự án kinh doanh, nhưng hậu ý ai cũng rõ là để tiếp thêm phương tiện củng cố chế độ, mặt khác để gây xáo trộn trong cộng đồng hải ngoại.

Tham vọng của đề án là cho tới năm 2020 sẽ bảo đảm trung bình mỗi ngày có từ 600 ngàn đến 1 triệu lượt người truy cập hệ thống truyền hình/phát thanh mới này với khả năng phục vụ khoảng từ 150.000-200.000 người sử dụng dịch vụ cùng lúc. Nguyễn Tấn Dũng và những đàn em tay chân của ông ta có lạc quan hay không, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức cảnh giác của đồng bào hải ngoại. Một câu hỏi kế tiếp đặt ra là liệu một chế độ suy đồi, tham nhũng, thất nhân tâm như thế sẽ còn sống được bao nhiêu tháng ngày mà dám tính tới năm 2020?

Những ngày đầu trung tuần tháng 11-2014

* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả



[1] Trong một bài viết post trên Đàn Chim Việt Info tháng 5-2014, Blogger Người Buôn Gió viết: Tôi đi tìm đài phố Bolsa của Vũ Hoàng Lân, lúc ở nhà nghĩ đó là một đài phát thanh tương đối lớn nên thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn thường đến trả lời phỏng vấn.Hóa ra không phải, cái văn phòng phố Bolsa dẹp tiệm từ đời tám hoánh nào. Cả cái đài duy nhất một người làm việc, giờ anh ta làm việc tại nhà. Mọi chương trình được đưa lên youtube của phố Bolsa y cái cách mà đám bloggers chúng tôi trong nước vẫn làm.
[2] Đọc những lời lẽ bàn về “tính văn hóa” với ngôn ngữ, thái độ “vô văn hóa” trên báo chí Hànội người ta không khỏi liên tưởng tới chuyện Tú Bà nói chuyện “tiết nghĩa, thủy chung”!

Tin bài liên quan:

Chuyện Hồng Kông, chuyện Việt Nam và “Núm Ruột ngàn dặm” ở hải ngoại

Phan Thanh Hung

VNTB- Dân, góp tiền cứu dân. Kẻ cướp của dân, tàn sát dân

Phan Thanh Hung

VNTB- Viễn cảnh lạc quan trong vụ kiện Formosa?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.