Nguyễn Nam
(VNTB) – Theo dõi các phiên tòa hình sự vài năm gần đây qua báo chí Việt Nam, nhiều bị cáo được cho là phạm tội có liên quan đến chức vụ, đều khai tại phiên tòa là họ thực hiện theo chỉ đạo của thủ tướng chính phủ. Tuy nhiên chưa có một luật sư đại diện nào của thủ tướng, hay cựu thủ tướng đã thay mặt thân chủ mình hầu tòa để làm rõ những lời khai ấy.
Phía luật sư cho rằng ở đây là các hành vi bị pháp luật cáo buộc sai phạm đến từ chuyện ‘xung đột pháp lý’, như ở vụ án liên quan đến cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM – ông Nguyễn Hữu Tín, đang được xét xử từ hôm 26/12/2019 tại Tòa án nhân dân TP.HCM chẳng hạn.
“Xung đột pháp lý” là thuật ngữ nói về hiện tượng hai, hoặc nhiều hệ thống pháp luật khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh. Ngoài ra trong một số trường hợp, thuật ngữ này được dùng với hàm ý về thứ xung đột giả tạo, nhằm che đậy một xung đột đích thực vì mục đích của pháp luật được áp dụng sẽ nhằm phục vụ ai.
Bào chữa cho ông Nguyễn Hữu Tín – nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM, các luật sư cho rằng sai phạm của cựu phó chủ tịch do nỗ lực giữ bí mật Nhà nước, mâu thuẫn trong các văn bản luật…
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang tranh tụng, theo văn bản của thủ tướng, các bộ ngành được tạo điều kiện để giao đất thực hiện mục đích an ninh quốc phòng. Các văn bản, chỉ thị, nghị định này là văn bản pháp luật đặc thù. Ông Tín đã nhận thức rằng, việc giao khu nhà đất 15 Thi Sách, quận 1 cho công ty bình phong của Bộ Công an – tức Công ty Bắc Nam 79 được quyền thuê đất làm văn phòng phục vụ công tác tình báo – là phải áp dụng luật đặc thù, chứ không phải Luật Đất đai phổ biến.
Theo luật sư, khi tiếp nhận công văn của Bộ Công an, Bộ Văn hóa Thể thao – Du lịch… ông Tín đã gửi qua Sở Tài nguyên – Môi trường đề nghị tham mưu thực hiện. Ông Tín và tất cả các bị cáo đều nhận thức đây là công văn chỉ đạo. Không có văn bản hay ý kiến nào của UBND TP.HCM nói ông Tín nếu thực hiện theo các công văn đó sẽ phải chịu hậu quả.
“Lỗ hổng trong quy trình hoạt động của các cấp ban ngành không chỉ khiến xảy ra vụ án này, mà còn có những vụ án khác”, luật sư Trang nói.
Tương tự trong thương vụ Mobifone – AVG đang đi vào hồi kết của giai đoạn xét xử sơ thẩm, các bên liên quan đã khai là vụ việc làm theo chỉ đạo của thủ tướng Chính phủ khi ấy là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Trước đó nữa, trong mấy bận hầu tòa vì liên quan dắt dây đến nhiều vụ án, ông Đinh La Thăng cũng nói trước tòa là làm theo đúng chỉ đạo của cấp trên.
‘Xung đột pháp lý’ còn được bắt gặp trong các phiên tòa liên quan đến án về an ninh quốc gia.
Đơn cử, trước đây Bộ Luật hình sự có điều 88 mang tên “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, thì sau đó ở Bộ Luật hình sự phiên bản 2015, điều luật này đánh số 117 mang tên “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Thế nhưng ở cả lúc điều luật 88 hiệu lực cho tới hiện nay thay bằng điều luật 117, khi phiên tòa diễn ra thì hoàn toàn vắng mặt bên bị hại là người đại diện cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khi tuyên án, Chủ tọa phiên xét xử luôn mở đầu bằng mẫu câu quen thuộc: “Nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”. Như vậy, hóa ra bên được cho là bị hại đã được quyền xét xử và tuyên án đối với bên trong thân phận bị cáo.
Không ít vụ án oan sai, trong bản tuyên án đều có câu ‘nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam’. Việc nhân danh này cho thấy đây là thực thể không có khả năng đoán định đúng sai để đem lại công lý.
Tòa án nước ngoài nhân danh công lý để xét xử, nhưng tòa án ở Việt Nam thì nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xung đột pháp lý vì tòa đã không nhân danh công lý trong nhiều vụ án, do đó cũng là lẽ thường tình. Và lẽ ấy nên dù lời khai của các đương sự tại phiên tòa có hài cụ thể tên tuổi của những vị cựu thủ tướng, thủ tướng liên quan, thì cũng chẳng thể nào mời những vị vốn cũng được quyền ‘nhân danh nhà nước’ đó ra hầu tòa.