Việt Nam Thời Báo

VNTB – Virus Corona sẽ không khiến Tập Cận Bình lung lay?

Mai Anh dịch

(VNTB) – Cho dù dịch corona nghiêm trọng đến mức nào, cuộc khủng hoảng này sẽ không thay đổi cách Tập Cận Bình cai trị Trung Quốc.

Từ khi nhậm chức vào năm 2012, Tập Cận Bình đã tăng cường quyền lực của Đảng Cộng sản và tiếp theo là xây dựng một chương trình nghị sự quốc gia toàn diện bao gồm cả quản lý khủng hoảng trong nước.

Cuộc khủng hoảng virus corona là thách thức lớn nhất của Tập kể từ khi Tập trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012.

Dân Trung Quốc khắp nơi đang sống trong sợ hãi. Nhiều tỉnh ở Trung Quốc bị phong toả. Virus đã khiến nhiều khu vực quan trọng của nền kinh tế bị đình trệ vì các doanh nghiệp cho nhân viên làm việc tại nhà.

Về mặt chính trị, chính quyền địa phương (Vũ Hán) và chính quyền trung ương (Bắc Kinh) đổ lỗi cho nhau khi cả hai đều biết rõ nguyên tắc vĩnh cửu: khi có thảm họa xảy ra, thì phải có người chịu trách nhiệm.

Thế giới nên thể hiện sự đồng cảm và đoàn kết với người dân Trung Quốc.  Trong thời đại xấu xí ngày nay, sự phân biệt chủng tộc ngầm (đôi khi lộ liễu) đối với người dân Trung Quốc trên khắp thế giới, khiến tôi tự hỏi liệu chúng ta sẽ tiến được bao xa như một gia đình nhân loại.

Tập Cận Bình có quyền lực chính trị gần như tuyệt đối ở Trung Quốc. Có thể nói rằng kể từ tháng 1, chỉ có một chế độ độc đoán mới có thể áp dụng các phương pháp nghiêm ngặt trong việc cố kiểm soát virus. Và chỉ có thời gian mới cho biết liệu những biện pháp này có hiệu quả hay không. Nhưng chắc chắn là một khi cuộc khủng hoảng đi qua, thì cũng sẽ không thay đổi cách cai trị ở Trung Quốc trong tương lai .

Để hiểu tại sao, người ta phải xem xét thế giới quan cơ bản dẫn dắt Tập thực hiện ước mơ biến Trung Quốc thành một cường quốc toàn cầu trong tương lai. Khi mọi người hỏi tôi rằng Tập Cận Bình muốn gì, tôi đã giải thích cách tiếp cận của ông ấy từ mười điểm ưu tiên.

Đầu tiên, phải duy trì vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản. Tập Cận Bình chưa bao giờ xem đảng là một cơ chế chuyển đổi dân chủ hoặc bán dân chủ.  Thay vào đó, ông ta tin rằng hình thức độc đáo của chủ nghĩa tư bản độc tài Trung Quốc rất quan trọng đối với vị thế siêu cườn trong tương lai và là một mô hình có thể áp dụng cho các khu vực khác trên thế giới.

 

Thứ hai, Tập Cận Bình tin rằng phải luôn duy trì thống nhất quốc gia, bởi vì điều này rất quan trọng đối với tính hợp pháp nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do đó, dưới sự cai trị của ông, Tây Tạng và Tân Cương tiếp tục bị đàn áp, cũng như các chính sách luôn cứng rắn với Đài Loan.

Nhiệm vụ thứ ba là mở rộng nền kinh tế.  Tập Cận Bình đã học được rằng quy mô, sức mạnh và trình độ công nghệ của nền kinh tế là rất quan trọng đối với sức mạnh của tất cả các quốc gia, bao gồm cả khả năng quân sự. Ngoài ra, nếu không tăng trưởng dài hạn, thu nhập bình quân đầu người sẽ không tăng và Trung Quốc sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Do đó, sự tăng trưởng liên tục cũng rất quan trọng đối với tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và nỗ lực để trở thành một siêu cường công nghệ, chiếm vị trí thống trị toàn cầu trong thành tựu 5G, chất bán dẫn, siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo (AI).

Mục tiêu thứ tư là tích hợp tính bền vững môi trường vào ma trận tăng trưởng của Trung Quốc. Trong quá khứ, những mối quan tâm như vậy đã bị bỏ qua. Nhưng bây giờ chúng cũng rất quan trọng đối với tính hợp pháp của đảng. Người dân Trung Quốc sẽ không chịu được mức độ ô nhiễm không khí, đất và nước cao. Tuy nhiên, tính bền vững, bao gồm các hành động để giải quyết biến đổi khí hậu, sẽ luôn cạnh tranh với ưu tiên thứ ba (tăng trưởng kinh tế) cả trong công nghiệp nội địa và các dự án hạ tầng cơ sở xuyên lục địa trong dự án sáng kiến Vành đai và con đường của Tập.

Ưu tiên thứ năm là mở rộng và hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Tập đang xem xét các cải cách lớn nhất của quân đội nước này (PLA) trong tổ chức quân sự, khí tài và nhân sự kể từ năm 1949.

PLA đang chuyển đổi từ một Quốc phòng Lục quân thành lực lượng phô diễn quyền lực bên ngoài Trung Quốc thông qua việc mở rộng các tiềm lực của hải quân, không quân, không gian mạng, vũ trụ và AI. Nhiệm vụ mà Tập Cận Bình đặt ra là xây dựng một lực lượng quân sự tầm cỡ thế giới để “chiến đấu và chiến thắng”.

Mục tiêu thứ sáu là đảm bảo mối quan hệ tốt và (nếu có thể) là mềm mỏng với các nước láng giềng của Trung Quốc trên cạn cũng như trên biển. Nga là đối tác quan trọng khi trở thành đồng minh của Trung Quốc. Và về mặt hàng hải, Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ không từ bỏ yêu sách lãnh thổ ở Hoa Đông và Hoa Nam.

Thứ bảy, Tập Cận Bình tin rằng ở các khu vực hàng hải phía đông Trung Quốc phải đẩy Hoa Kỳ trở lại “chuỗi đảo thứ hai” từ quần đảo Nhật Bản đến đảo Guam đến miền đông Philippines. Trung Quốc cũng muốn làm suy yếu (hoặc cắt đứt, nếu có thể) các liên minh an ninh lâu dài của Hoa Kỳ trong khu vực, đặc biệt là liên minh với Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines. Mục tiêu cuối cùng ở đây là tăng cường khả năng đảm bảo thống nhất Đài Loan – bằng vũ lực nếu cần thiết.

Thứ tám, Tập Cận Bình hy vọng biến khu vực Á – Âu (Eurasia) thành một thị trường mới cho hàng hóa, dịch vụ, công nghệ và đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng của Trung Quốc. Tập cũng hy vọng thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”, Trung Á và Trung Đông và Trung, Đông và Tây Âu sẽ trở nên nhạy cảm và ủng hộ các lợi ích chính sách đối ngoại cốt lõi của Trung Quốc.

Tương tự, ở các nước đang phát triển khác, Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh, Trung Quốc nhìn thấy tiềm năng thị trường quy mô lớn tương tự như Á-Âu. Do đó, ưu tiên thứ chín của Tập Cận Bình là “Con đường tơ lụa trên biển”, cũng quan trọng như sáng kiến Vành đai và Con đường. Rộng hơn, Trung Quốc cũng đã dịch chuyển điều này thành chiến lược kinh tế toàn cầu này tại một cuộc bỏ phiếu của G77 trong các diễn đàn đa phương quan trọng.

Cuối cùng, Tập Cận Bình hy vọng sẽ định hình lại trật tự toàn cầu cho phù hợp hơn với lợi ích và giá trị của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng trật tự quốc tế tự do sau năm 1945 phản ánh thế giới quan về sức mạnh thực dân trắng. Tập Cận Bình tin rằng thế giới năm 2020 hoàn toàn khác với thời kỳ hậu chiến. Do đó, Trung Quốc có chiến lược hai hướng.  Trong khi tăng cường quyền lực, nhân sự và ảnh hưởng tài chính trong các tổ chức quản trị toàn cầu hiện có, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã thành lập các tổ chức mới tập trung vào Trung Quốc, như Sáng kiến Vành đai và Con đường và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á.

Không phải tất cả đảng viên cấp cao của ĐCSTQ đều đồng ý với thế giới quan của Tập Cận Bình. Có nhiều sự bất đồng và tranh luận nội bộ về việc liệu Trung Quốc có đang quá rời xa chiến lược dài hạn của Đặng Tiểu Bình, “giấu mình chờ thời, quyết không đi đầu.” Thời gian sẽ trả lời và đặc biệt là cho đến Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng vào năm 2022, sẽ đưa ra quyết định quan trọng về việc có nên kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo của Tập Cận Bình lâu hơn nữa hay không.

Trong bối cảnh này, việc quản lý của ông Tập Cận Bình trong cuộc khủng hoảng corona trong nước, và các dự án gây tranh cãi về chính trị như việc mở rộng mạng lưới 5G ở nước ngoài có tầm quan trọng mới.

 

Nguồn: https://www.project-syndicate.org/commentary/coronavirus-will-not-change-xi-jinping-china-governance-by-kevin-rudd-2020-02

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Uỷ ban Bảo vệ Ký: phóng thích ký giả hiện đang bị giam giữ trên toàn cầu

Phan Thanh Hung

VNTB- Chính quyền địa phương và chính phủ

Phan Thanh Hung

VNTB – Giả dụ như phải bãi khóa vì dịch bệnh cúm Tàu…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo